Saigon Co.op đã làm gì để giành lại ngôi vương bán lẻ từ tay WinMart & WinMart+?

04/02/2023 17:17 PM | Kinh doanh

Tại Saigon Co.op, người lao động được coi là nguồn vốn quý giá nhất. Trước làn sóng cắt giảm nhân sự, đơn vị này đưa ra cách xử lý "vẹn cả đôi đường".

Saigon Co.op đã làm gì để giành lại ngôi vương bán lẻ từ tay WinMart & WinMart+? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLD.

Doanh thu năm 2022 vượt WinMart và WinMart+

Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức gần đây cho biết trong năm 2022, đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng , vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đã đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào doanh số chung của đơn vị.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của Masan, WinCommerce (WCM) – công ty vận hành chuỗi WinMart và WinMart+ ghi nhận doanh thu thuần là 29.369 tỷ đồng , giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một đối thủ khác trong lĩnh vực bán lẻ siêu thị của Saigon Co.op là Bách Hóa Xanh đạt doanh thu 27.000 tỷ đồng – theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 của CTCP Thế giới di động.

Như vậy, Saigon Co.op năm qua đã giành lại vị trí dẫn đầu về doanh thu trong nhóm các doanh nghiệp nội địa cùng ngành, sau khi đánh mất “ngôi vương” vào tay WCM hồi năm 2021. Trong 8 tuần cao điểm mua sắm Tết Quý Mão, Saigon Co.op cũng vượt mốc 1 triệu lượt khách.

"Năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4.5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ … ", ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Nguồn nhân lực là vốn quý nhất

Trước đó tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 do VnEconomy và Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Lê Trường Sơn – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết để thích ứng với bối cảnh mới sau cuộc “càn quét” của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải vô cùng linh hoạt trong từng giai đoạn, ngay cả khi đã có chiến lược phát triển trung và dài hạn.

"Saigon Co.op đã được một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới giúp xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Nhưng ngay khi vừa hoàn thành, Covid-19 ập đến làm thay đổi góc nhìn, cách xây dựng chiến lược, cũng như các kế hoạch phát triển của Saigon Co.op rất nhiều".

"Hiện nay, Saigon Co.op không đặt cược vào viễn cảnh nền kinh tế sẽ ra sao, không xác định điểm rơi sẽ ở quý này hay quý kia, mà vấn đề là cách hành xử trong mỗi tình huống. Chúng tôi muốn hạn chế rủi ro với doanh nghiệp ở mức cao nhất", ông Sơn chia sẻ.

Saigon Co.op đã làm gì để giành lại ngôi vương bán lẻ từ tay WinMart & WinMart+? - Ảnh 2.

Ông Lê Trường Sơn – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Saigon Co.op tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất là tăng cường và củng cố các vấn đề mang tính nội lực.

"Trước tiên, vốn quý nhất với Saigon Co.op là lực lượng lao động. Sắp tới, chúng tôi tập trung vào tái đào tạo, luân chuyển và đề bạt đối với nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn mới".

"Đặc biệt, Saigon Co.op có quan hệ với các hợp tác xã quốc tế rất mạnh. Trong năm 2023 và 2024, chúng tôi sẽ xây dựng chương trình trao đổi lao động, để đưa lao động Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ ra học tập, làm việc ngắn hạn tại thị trường nước ngoài", ông Sơn cho biết.

Vị lãnh đạo của Saigon Co.op giải thích rằng phương án này giúp giải quyết được tình huống phải cắt giảm lao động trong điều kiện kinh tế khó khăn. Như vậy, cách xử lý với số lao động này là đưa họ đi đào tạo ở nước ngoài, nâng cao năng lực kiến thức.

Vấn đề thứ hai mà Saigon Co.op tập trung là các giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, ông Sơn chia sẻ thẳng thắn rằng quá trình chuyển đổi số của họ không được tiến hành một cách ào ạt bởi nguồn lực hạn chế.

Thứ ba, Saigon Co.op đang tìm kiếm những cơ hội mới, mở rộng quan điểm chia sẻ lợi ích và cùng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt đối với những hợp tác xã vì bản thân Saigon Co.op cũng theo mô hình này.

"Một trong những chương trình rất quan trọng sắp tới là quy hoạch các vùng nguyên liệu của Saigon Co.op ở các địa phương, để hệ thống hợp tác xã nông nghiệp có thể yên tâm sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống bán lẻ, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Sơn cho biết.

Cuối cùng, Saigon Co.op đặt mục tiêu tích cực đóng góp cho các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể hoàn thiện thêm thể chế pháp luật. Ông Sơn nhấn mạnh đây là một điểm cực kỳ quan trọng bởi Saigon Co.op là đơn vị kinh tế tập thể, hoạt động theo luật hợp tác xã.

"Thay mặt cộng đồng hợp tác xã, kinh tế tập thể, Saigon Co.op hết sức mong muốn có cơ chế chính sách không chỉ giúp chúng tôi tồn tại mà còn “lớn được”. Tôi cũng rất cảm kích giới chuyên gia, các đồng chí ở các bộ ngành vì mong muốn lắng nghe doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách xây dựng trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp sẽ giúp cả xã hội, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Sơn phát biểu.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM