Reuters: Các nhà đầu tư "né" Trung Quốc, tìm đến các thị trường mới nổi như Việt Nam, Ấn Độ

27/07/2023 13:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Sự ái ngại của nhà đầu tư đối với Trung Quốc đã gia tăng trong năm nay, khi quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19 có dấu hiệu chững lại.

Theo Reuters, các nhà đầu tư toàn cầu đang dần xa rời thị trường Trung Quốc để đầu tư các quốc gia mới nổi khác.

Phân tích của Reuters cho thấy, tài sản trong các quỹ tương hỗ tập trung vào thị trường mới nổi (EM) và quỹ giao dịch trao đổi (ETF) ngoài Trung Quốc đã tăng vọt, khi các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu trở nên cảnh giác hơn với thị trường Trung Quốc.

Sự ái ngại của nhà đầu tư đối với Trung Quốc đã gia tăng trong năm nay, khi quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19 có dấu hiệu chững lại. Họ thất vọng vì Trung Quốc đã không có những phản ứng chính sách mạnh mẽ, trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ về thương mại, công nghệ và địa chính trị đang gia tăng.

Một lượng tiền lớn đang được chuyển sang các thị trường mới nổi, chẳng hạn như Mexico, Ấn Độ, Việt Nam và những nơi khác đang thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Một số nhà đầu tư khác lại chuyển vốn sang các thị trường có triển vọng tăng trưởng tốt hơn, chẳng hạn như Brazil.

Malcolm Dorson, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của ETF Global X có trụ sở tại New York, cho Reuters biết: “Sự thống trị về xuất khẩu của Trung Quốc đang suy giảm, tạo cơ hội cho các quốc gia mới nổi khác lấp đầy khoảng trống, như Mexico, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á”.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy các quỹ tương hỗ tập trung vào Trung Quốc đã bị rút ròng 674 triệu USD trong quý 2/2023, trong khi ngược lại, gần 1 tỷ USD đã được chuyển vào các EM ngoài Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy iShares MSCI Emerging Markets ex-China ETF, quỹ ETF dành cho thị trường mới nổi lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc đã thu hút dòng vốn ròng kỷ lục 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy tính đến giữa tháng 7, lượng mua nước ngoài đối với cổ phiếu của thị trường mới nổi châu Á ngoài Trung Quốc lên tới 39 tỷ USD trong 12 tháng, lần đầu tiên kể từ năm 2017, lượng mua này vượt quá dòng vốn chảy vào cổ phiếu của Trung Quốc đại lục thông qua chương trình Stock Connect.

Quy mô của 10 quỹ tương hỗ hàng đầu tập trung vào Trung Quốc do Morningstar theo dõi đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh vào năm 2021.

CIO Jeffrey Jaensubhakij của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC cho biết họ đang dần chuyển vốn của mình sang các lĩnh vực và quốc gia được hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn trong số vốn đó "về cơ bản đã rời khỏi Trung Quốc sang các quốc gia như Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam".

Theo Nhã Mi

Cùng chuyên mục
XEM