Quên Thung lũng Silicon đi, trung tâm khởi nghiệp sát sườn nước Mỹ này mới đang là kẻ nhăm nhe chiếm giữ vị trí "lò khởi nghiệp" của thế giới

12/03/2017 08:16 AM | Kinh doanh

Trong khi các startup công nghệ tại Thung lũng Silicon đang phải vật lộn giành giật nhân tài với các ông lớn như Google, Facebook,..., một thiên đường khởi nghiệp khác đang dần trỗi dậy tại quốc gia láng giềng của Mỹ

Allen Lau, CEO của ứng dụng khá nổi tiếng trong cộng đồng đọc online Wattpad tin rằng việc vận hành doanh nghiệp tại Toronto, Canada mang lại cho anh nhiều lợi thế so với các đối thủ tại Thung lũng Silicon bởi nếu hoạt động ở đây, công ty anh sẽ phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Google, Facebook trong việc tìm kiếm kỹ sư giỏi.

Lau cho biết: “Cuộc chiến giành giật nhân tài luôn rất khốc liệt. Nếu ở trong một hồ nước nhỏ hơn, chúng tôi sẽ là những con cá lớn hơn nên cũng dễ thu hút được những người giỏi nhất.”

Chính nguồn nhân tài này đã giúp công ty gọi được 66 triệu USD vốn mạo hiểm và gia tăng lượng người dùng lên đến 45 triệu trong vòng 10 năm qua. Hiện tại, với 30 nhân viên cùng mức tăng trưởng doanh thu 30% mỗi năm, Lau chia sẻ rằng Wattpad rất quyết tâm “bám trụ” với Toronto, và rằng họ cũng chẳng có dự định mở thêm trụ sở ở đâu khác, trừ việc thuê đội sales.


Allen Lau, CEO của Wattpad

Allen Lau, CEO của Wattpad

Lau hiện là một doanh nhân khá tiếng tăm trong cộng đồng khởi nghiệp đang lên tại Toronto. Theo một báo cáo của Tech Toronto, thành phố này đang là nhà của khoảng 2100 đến 4100 startup công nghệ, trong khi cả Toronto và các thành phố vệ tinh xung quanh hiện mới chỉ có 5,4 triệu dân.

Có nhiều yếu tố giúp hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố lớn thứ tư Bắc Mỹ này. Một trong số đó chính là nguồn nhân tài dồi dào của Toronto, mà cụ thể là 150.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên khắp khu vực Toronto mở rộng.

Thêm vào đó, chính quyền cả liên bang lẫn địa phương đều cung cấp nhiều hỗ trợ tích cực cho khoa học công nghệ. Các startup cũng được chống lưng bởi một cộng đồng đầu tư mạo hiểm năng động.

Chỉ tính riêng năm 2016, các startup tại đây đã thu hút được 2 tỷ USD vốn mạo hiểm – tăng 15% so với năm trước, đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012. Thương vụ đầu tư lớn nhất trong năm qua cũng diễn ra tại Toronto, thuộc về Thalmic Lab, startup chuyên thiết kế thiết bị đeo thông minh có trụ sở tại Ontario, gần Toronto (120 triệu USD series B).

Với đà tăng trưởng chưa hề thấy dấu hiệu chững lại, các startup tại Toronto cũng đang trỗi dậy trên các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, nhiều cá nhân trong ngành lại tỏ ra không mấy hứng thú với việc trở thành Thung lũng Silicon phiên bản hai, chỉ đơn giản là họ muốn được là “Toronto đầu tiên” của thế giới.

Vậy tại sao người ta lại lũ lượt kéo nhau đến Toronto khởi nghiệp?

Một chất xúc tác quan trọng làm nên bức tranh startup phong phú như hiện nay chính là những công ty Canada thành công trên diện rộng như Shopify, Hootsuite, Kik hay D2L - những doanh nghiệp có trụ sở ở Toronto sánh vai cùng những công ty lớn như Facebook, Twitter hay Google.


Nhân viên Wattpad hội họp tại phòng ăn của công ty tại Ontario, Toronto

Nhân viên Wattpad hội họp tại phòng ăn của công ty tại Ontario, Toronto

Mike McDerment, CEO của FreshBooks chia sẻ: “Bạn xây dựng được vài công ty làm nền móng rồi thì nhân tài cũng sẽ bắt đầu đổ về lần lượt mở công ty mới.”

Khi những tài năng giàu kinh nghiệm đó khởi tạo doanh nghiệp, số nhà đầu tư thiên thần hiện diện để hỗ trợ cũng tăng dần theo.

Với việc thị trường công nghệ tại Thung lũng Silicon đang ngày càng phù phiếm, bão hòa nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu để mắt tới Toronto. Theo Mark MacLeod, CEO của công ty tư vấn SurePath Capital Partners thì anh thường xuyên được giới đầu tư liên hệ để tìm hiểu về các startup tiềm năng tại Toronto.

Cũng theo lời McDerment, “các nguồn vốn đầu tư chẳng quan tâm gì đến biên giới hết. Canada chính là môi trường tuyệt vời để đầu tư.” Công ty của ông đã huy động được 30 triệu USD từ năm 2014, với các quỹ đầu tư rót vốn hầu hết đến từ Mỹ.

Thêm vào đó, khi các startup dần trưởng thành, tiến đến giai đoạn mở rộng và được các doanh nghiệp lớn thâu tóm, các doanh nhân trong vùng lại càng hiểu rõ hơn về những cơ hội có thể hiện thực hóa.

Một điều may mắn khác tại Toronto là nguồn nhân lực kỹ sư tại đây rất dồi dào nhờ sự hiện diện của BlackBerry và các trường ĐH lớn. Chi phí lương cho họ cũng thấp hơn rất nhiều so với tại Thung lũng Silicon, chẳng hạn như việc một kỹ sư giỏi tại Canada có thể sẵn sàng vào làm với thu nhập 70.000 USD/năm, nhưng nếu ở New York hay Boston (Mỹ) thì công ty phải trả tới 100.000-200.000 USD mới mong giữ chân được họ. Lý do cũng bởi chi phí sinh hoạt ở Toronto thấp hơn nhiều so với ở các thánh địa công nghệ của Mỹ.

Con người ở Toronto còn rất đa dạng với 49% dân số là người nhập cư. Morantz chia sẻ rằng chính sự đa dạng về thành phần xuất thân này sẽ giúp họ xây dựng được các công ty hàng đầu. Morantz cũng nhận định rằng “những nhân viên đến từ các gia đình nhập cư thế hệ thứ nhất hay thứ hai thường có những quan điểm hết sức độc đáo.”

Hiện tại, Toronto cũng có hệ thống hạ tầng hỗ trợ tốt cho khởi nghiệp công nghệ với các vườn ươm lớn như DMZ của ĐH Ryerson hay MaRS, trung tâm hỗ trợ các startup CNTT - Truyền thông, năng lượng sạch, sức khỏe,... Những nền tảng như thế này đang trở thành chất xúc tác thu hút ngày càng nhiều đổi mới sáng tạo hơn cho Toronto.

Ngọc Lan

Cùng chuyên mục
XEM