Các nhãn hàng nên tạm dừng việc dùng hình ảnh Hồ Ngọc Hà để quảng bá thương hiệu!

20/02/2016 10:12 AM | Thương hiệu

Nếu đại sứ thương hiệu mắc lỗi thì thương hiệu cũng bị công chúng coi là ủng hộ lỗi lầm ấy. Trong trường hợp này, các nhãn hàng nên im lặng và dừng việc dùng hình ảnh của ca sĩ này để quảng bá thương hiệu trong thời điểm hiện tại.

Là đại sứ thương hiệu của nhiều nhãn hàng, nhưng không ít lần Hồ Ngọc Hà tạo ra những scandal làm mất lòng người tiêu dùng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới bản thân cô ca sĩ này, mà còn làm tổn hại tới chính bản thân những thương hiệu thuê cô làm người đại diện cho sản phẩm.

Gần đây, vụ lùm xùm ái tình giữa Hồ Ngọc Hà và đại gia Kim Cương càng khiến hình ảnh của cô xấu đi rất nhiều Làn sóng tẩy chay cô ca sĩ này trên mạng xã hội lên tới đỉnh điểm khi rộ lên làn sóng tẩy chay Hồ Ngọc Hà và tất cả các sản phẩm liên quan đến cô.

Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 1 năm Hồ Ngọc Hà dính phải scandal như thế này. Với mức độ ngày càng nghiêm trọng, các thương hiệu chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi muốn mượn tới hình ảnh của cô.

“Mối quan hệ giữa thương hiệu và đại sứ thương hiệu giống như thuyền và nước. Nước lên, thuyền lên và nước xuống, thuyền cũng xuống”, ông Nguyễn Đình Thành – chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu cho biết.

Những thông tin tẩy chay Hồ Ngọc Hà đang ngập tràn mạng xã hội. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đình Thành: - Rõ ràng khủng hoảng truyền thông đang xảy ra với Hồ Ngọc Hà và có nguy cơ lan đến các thương hiệu mà cô ca sĩ này đang là đại sứ.

Vậy các thương hiệu nên làm gì trước rủi ro mang tên Hồ Ngọc Hà này?

Mối quan hệ giữa thương hiệu và đại sứ cũng giống như thuyền và nước, nước lên thuyền lên và nước xuống thuyền cũng xuống.

Nếu đại sứ thương hiệu mắc lỗi thì thương hiệu cũng bị công chúng coi là ủng hộ lỗi lầm ấy. Trong trường hợp này, các nhãn hàng nên im lặng và dừng việc dùng hình ảnh của ca sĩ này để quảng bá thương hiệu trong thời điểm hiện tại.

Năm ngoái, Hồ Ngọc Hà cũng từng dính vào scandal tương tự và việc chậm trễ đưa ra câu trả lời cho khách hàng trong việc đổi đại diện thương hiệu đã khiến một số thương hiệu bị chỉ trích nặng nề, thậm chí khách hàng còn đe dọa chuyển sang sử dụng các nhãn hàng của đối thủ.

Đây có phải là cách các thương hiệu trên thế giới thường làm?

Thế giới họ còn làm mạnh mẽ hơn. Trong nhiều trường hợp, thương hiệu phải chủ động xin lỗi hoặc cắt đứt quan hệ thậm chí là phản đối quan điểm của đại sứ thương hiệu.

Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đình Thành

Không kể đâu xa, mới cách đây chỉ vài ngày, hãng NIKE đã tuyên bố không đồng tình với quan điểm kì thị người đồng tính mà đại sứ thương hiệu của họ - võ sĩ Manny Pacquiao đã phát biểu, đồng thời cũng cắt đứt hợp đồng đại diện thương hiệu với anh này .

Tương tự, Christian Dior đã cắt hợp đồng với nhà tạo mẫu nổi tiếng John Galliano sau khi anh này có những lời lẽ miệt thị người Do thái. Gillette cắt hợp đồng quảng cáo với Tiger Woods sau scandal tình ái của anh này.

Điều tương tự cũng xảy ra với những người nổi tiếng như người mẫu Kate Moss, cầu thủ bóng đá Wayne Rooney, võ sĩ Mike Tyson sau khi những bí mật đời tư của những người này bị tiết lộ. Danh sách này còn rất dài…

Các thương hiệu có phải bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng như vậy không?

Đây là chuyện thoả thuận giữa hai bên. Thông thường các hợp đồng quảng cáo với người nổi tiếng đều có điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường nếu người đại diện hình ảnh vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục hoặc gây ra khủng hoảng truyền thông.

Cầu thủ bóng đá Ronaldinho đã mất cả triệu đô la khi làm đại sứ thương hiệu cho Coca Cola nhưng lại vô tình chụp ảnh với 2 lon Pepsi trên mặt bàn trong một cuộc họp báo. Golf thủ Tiger Woods mất hàng chục triệu đô la vì bị các nhãn hàng huỷ hợp đồng sau khi anh này vướng scandal tình ái. Đây là chuyện hết sức bình thường.

Như ông vừa kể ra, có rất nhiều người nổi tiếng từng dính vào scandal, vậy tại sao các các thương hiệu vẫn yêu thích việc thuê người nổi tiếng để làm đại sứ thương hiệu?

Người nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó đều có một lượng người yêu thích nhất định và được nhiều người trong xã hội biết đến.

Khi đồng hành cùng thương hiệu của doanh nghiệp, người nổi tiếng sẽ làm cho sản phẩm/dịch vụ được nhiều người biết đến hơn (tăng nhận biết thương hiệu) kích thích việc sử dụng các sản phẩm/dịch vụ này hoặc có cảm tình với thương hiệu do họ đã có cảm tình với người nổi tiếng.

Mỗi thương hiệu đều có cá tính riêng nên người được chọn làm đại sứ thương hiệu cũng cần có hình ảnh phù hợp với cá tính ấy, có thể là mạnh mẽ, sang trọng, trẻ trung hay thành đạt, gia đình hạnh phúc.

Quay lại với Hồ Ngọc Hà, theo ông, ca sĩ này sẽ phải làm gì để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này?

Hồ Ngọc Hà nên đợi bạn trai của mình giải quyết trọn vẹn việc gia đình trước khi quyết định sẽ đi tiếp như thế nào.

Diễn biến cuộc khủng hoảng truyền thông của Hồ Ngọc Hà năm 2015

19/05/2015: Hình ảnh Hồ Ngọc Hà thân mật bên người đàn ông lạ xuất hiện trên hàng loạt các trang tin tức. Người đàn ông này được nói là đại gia buôn kim cương và sừng tê giác đã có vợ và 3 con. Ngay lập tức, đây trở thành một chủ đề được thảo luận rôm rả trên các diễn đàn lớn, điển hình là Webtretho (bài viết đã bị gỡ xuống) và Vozforums.

Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà được lập ra trên Facebook, thu hút lượt theo khủng chỉ trong vòng vài ngày.

27/05/2015: Các thương hiệu do Hồ Ngọc Hà làm đại diện bắt đầu bị lôi vào cuộc. Những thành viên trên diễn đàn Webtretho, Fanpage “Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà” vận động chiến dịch tẩy chay một loạt các sản phẩm của thương hiệu mà Hồ Ngọc Hà làm đại diện (bao gồm các nhãn hàng của Unilever, nước khoáng Lavie, trung tâm thể dục thể hình và yoga California Fitness & Yoga, sữa đậu nành Goldsoy của Vinamilk…)

03/06/2015: Bức “tâm thư” của mẹ Hồ Ngọc Hà viết cho con gái lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội với lời lẽ cảm động tuy nhiên cũng không thay đổi được tình thế.

06/06/2015: Chiến dịch tẩy chay diễn ra vô cùng gay gắt, các thành viên trong những hội này liên tục cập nhật danh sách các nhãn hàng có liên quan đến Hồ Ngọc Hà, kêu gọi những người khác không mua và thậm chí chia sẻ về việc mình đã loại bỏ tất cả những sản phẩm đang dùng. Hashtag #hoadonkhongha và #saynotoha được sử dụng rộng rãi.

09/06/2015: Việc tẩy chay lên đến đỉnh điểm khi các “mẹ bỉm sữa” đang vận động chiến dịch tẩy chay Hồ Ngọc Hà cho rằng các nhãn hàng xử lý quá chậm chạp trong vụ việc này. Việc im lặng và gửi tin nhắn tự động trả lời “tâm thư” của khách hàng rằng “đang xử lý sự việc” của thương hiệu bị cho là thiếu tôn trọng ý kiến khách hàng.

Các “mẹ bỉm sữa” liên tục chia sẻ về việc các gian hàng của “thương hiệu có Hồ Ngọc Hà làm đại diện” đang rất vắng khách ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và kêu gọi cũng như đưa ra những đánh giá tốt về các sản phẩm của những thương hiệu thay thế.

(Buzzmetrics)

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM