[Tôi đi thuê] 5 lỗi khiến Google từ chối bạn
Không ít lần, chúng tôi đã phải loại đi những ứng viên rất tiềm năng (tôi cá là họ sẽ được nhận ngay một công việc ở một nơi khác) chỉ vì một lỗi vô cùng nhỏ trong CV.
Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc series "Tôi đi thuê" gồm các bài viết chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự do đích thân lãnh đạo cao cấp nhiều công ty lớn trên thế giới chấp bút. Series "Tôi đi thuê" đăng định kỳ vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần.
Laszlo Bock hiện là Phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Google. Trước đó, Bock từng phụ trách nhân sự tại các công ty lớn như McKinsey hay General Electric. Ông có bằng MBA từ ĐH Yale (Mỹ). Dưới đây là bài chia sẻ của Laszlo Bock về cách tuyển dụng tại Google.
Nộp hồ sơ luôn là bước tiếp cận đầu tiên của bạn với một công việc mới. Tôi cũng đã từng gửi hàng trăm hồ sơ trong cả sự nghiệp của mình cho gần như mọi loại công việc mà tôi có thể làm được. Ngược lại chính tôi cũng là người có cơ hội được đọc qua hơn 20.000 CV trong quãng thời gian đó. Tại Google, nhóm chúng tôi thậm chí còn phải đọc hơn 50.000 hồ sơ trong 1 tuần.
Tất nhiên, trong số đó, một vài cái thật sự rất hoàn hảo, một số tạm được và còn lại là rơi vào quên lãng. Vấn đề là tôi đã nhìn thấy những sai lầm “ngớ ngẩn” lặp đi lặp lại trong suốt 15 năm đó. Không ít lần, chúng tôi đã phải loại đi những ứng viên rất tiềm năng (tôi cá là họ sẽ được nhận ngay một công việc ở một nơi khác) chỉ vì một lỗi vô cùng nhỏ trong CV, tuy nhiên lý do đơn giản là còn có rất nhiều người hoàn hảo giống họ nhưng lại không mắc một sai lầm nào cả.
Tôi nghĩ một trong những lỗi tôi sắp liệt kê ra dưới đây có thể đã quá cũ rích và bạn đã nghe đến “nhàm” tai rồi, nhưng hãy tin tôi, ít nhất bạn sẽ mắc phải 1 lần trong đời cho mà xem. Và dưới đây là 5 sai lầm ngớ ngẩn nhất với CV của bạn:
1. Lỗi đánh máy
Phải, điều này là quá hiển nhiên bởi chúng diễn ra hàng ngày và ở khắp mọi nơi vậy. Với những người Tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, điều này còn có thể hiểu được, nhưng một nghiên cứu mới nhất từ CareerBuilder cho biết, 58% số CV tại Mỹ mắc phải lỗi này. Tại sao lại như vậy?
Lỗi đánh máy là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến Google từ chối bạn. (Ảnh: Flickr)
Sự thật là những người càng chuẩn bị CV kỹ càng thì càng dễ mắc phải lỗi này. Họ thường bỏ khá nhiều thời gian để sửa đi sửa lại các thông tin của mình và cuối cùng khi gửi đi lại quên mất những thông tin đã sửa ban đầu: Câu văn hoặc từ ngữ không ăn khớp, thời gian hay công việc bị đặt nhầm chỗ hoặc các mốc thời gian bị lệch khỏi lề. Xin đừng cười bởi tôi đã nhìn thấy cả trăm CV của các ứng viên MBA mắc lỗi này.
Thật đáng tiếc khi phải loại đi những ứng viên tiềm năng như vậy, nhưng chẳng có cách nào khác, nhân lực thì có hạn và chúng tôi thì chẳng thể soát kỹ càng tất cả các hồ sơ được.
Giải pháp: Hãy đọc CV của bạn ngược từ dưới lên, như vậy sẽ dễ dàng phát hiện những điểm "bất hợp lý”, hoặc đơn giản hơn là nhờ một ai đó có kinh nghiệm sửa giúp bạn. Người ngoài thì bao giờ cũng “tinh mắt” hơn người trong cuộc rất nhiều.
2. Độ dài
Với những người phải đọc cả trăm CV một tuần như chúng tôi, một CV dài 1-2 (mà tốt nhất là 1) trang tóm gọn tất cả 10 năm kinh nghiệm làm việc của bạn là quá chuẩn mực. Bạn có viết dài hơn nữa cũng chẳng có ai rảnh để đọc cho bạn đâu. Điều chúng tôi mong đợi ở các ứng viên là một bản CV ngắn gọn, súc tích thể hiện rõ khả năng tổng hợp và các thông tin trên dưới thống nhất với nhau.
Một CV dài từ 1 tới 2 trang, ngắn gọn và súc tích là hợp lý nhất. (Ảnh: Flickr)
Nếu bạn vẫn còn lo lắng độ dài của CV là nơi thể hiện sự tuyệt vời của bạn, hãy nghĩ theo cách này: Một bản CV dù có tốt đến đâu cũng chỉ có thể giúp bạn đi tới vòng phỏng vấn tiếp theo mà thôi. Hiển nhiên là chẳng có ai đi tuyển nhân viên mà chỉ nhìn vào CV rồi đưa ra lời đề nghị mức lương cho họ. Và một khi đã vào được tới vòng phỏng vấn, đó mới là lúc để bạn thể hiện sự tuyệt vời của mình, điều mà cái CV kia chẳng thể nào “lột tả” hết được.
Tóm lại, một CV dài từ 1 tới 2 trang, ngắn gọn và súc tích là hợp lý nhất.
3. Định dạng văn bản
Lại một điều “Biết rồi-khổ lắm-nói mãi” nữa phải không? Ấy vậy mà nó vẫn cứ xảy ra với chúng tôi hàng ngày. Ngoại trừ việc bạn đang ứng tuyển cho các vị trí như designer hay giám đốc sáng tạo, còn lại hãy cố gắng để CV rõ ràng và dễ đọc.
Cỡ chữ 10 trở lên, cách lề 1.5 cm, đừng dùng quá nhiều màu chữ, khoảng cách giữa các dòng, cột và đoạn nên cân đối. Thông tin nên được phân bổ theo mốc thời gian từ gần nhất tới xa nhất.
Hãy giữ cho CV của bạn rõ ràng, dễ đọc và chỉ nên gửi đi dưới dạng PDF. (Ảnh: Flickr)
Một điều quan trọng nữa là dạng file khi gửi đi. Tốt nhất là hãy lưu dưới dạng PDF. Định dạng văn bản có thể bị xáo trộn khi bạn chuyển file từ nơi này tới nơi khác. Nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng thực sự chúng sẽ làm cho CV của bạn chuyên nghiệp lên rất nhiều.
Tóm lại, hãy giữ cho CV của bạn rõ ràng, dễ đọc và chỉ nên gửi đi dưới dạng PDF.
4. Để lộ thông tin nội bộ
Tôi từng nhận được CV của một ứng viên làm việc cho “Big 3” - một trong 3 công ty tư vấn chiến lược hàng đầu hiện nay. Công ty này có một quy định rất chặt chẽ rằng: Nhân viên của họ không bao giờ được tiết lộ tên các khách hàng, kể cả sau khi nghỉ việc đi nữa.
Thế nhưng, trong CV của người đó viết: “Từng tư vấn cho một công ty phần mềm lớn ở Redmond, Washington". Hiển nhiên ứng viên đó bị loại ngay lập tức bởi dù anh ấy không thực sự nhắc tới đó là công ty nào nhưng ai cũng hiểu anh ta muốn ám chỉ Microsoft.
Đừng tiết lộ thông tin nội bộ của công ty cũ trong CV của bạn. (Ảnh: Flickr)
Sẽ luôn có một sự xung đột giữa yêu cầu của các doanh nghiệp trong việc giữ kín thông tin với nhu cầu làm nổi bật bản thân của các ứng viên. Vậy tại sao chúng tôi lại loại các ứng viên như vậy? Bởi chúng tôi lo sợ rằng những người như thế rất có thể cũng sẽ tiết lộ thông tin nội bộ của chúng tôi trong tương lai.
Tóm lại: Nếu bạn không muốn mình và công ty cũ đưa nhau ra toà hoặc lên báo, đừng tiết lộ thông tin nội bộ trong CV của bạn.
5. Nói dối
Với chúng tôi thì nói dối là điều tối kỵ. Một sự thật hiển nhiên là những thông tin trên CV không bao giờ có thể chính xác 100% nhưng dù thế nào đi nữa, một lời dối trá “trắng trợn” chẳng bao giờ đáng để bạn đưa vào CV cả.
Nếu bạn còn chưa tin, hãy Goole sẽ rõ: Có cả tá CEO hay manager từng bị sa thải vì dối trá trong CV. Liệu rằng sau đó còn có ai muốn thuê họ nữa đây?
Đừng NÓI DỐI trong hồ sơ của bạn. (Ảnh: Flickr)
Có 2 vấn đề lớn đối với việc nói dối: 1) Bạn có thể dễ dàng bị bắt (xin lỗi nhưng Google có thể khiến họ phát hiện ra lời dối trá của bạn). 2) Một kẻ nói dối thì sẽ luôn là một kẻ nói dối. Nếu bạn bị phát hiện sớm, bạn bị từ chối. Nếu 15 năm sau bạn bị phát hiện, sa thải là điều chắc chắn. Nếu chấp nhận nói dối, hãy chuẩn bị sẵn cho mình một lời giải thích với các nhà tuyển dụng tiếp theo.
Giải pháp: Đừng NÓI DỐI trong hồ sơ của bạn.
Trên đây là 5 lỗi khiến bạn có thể bị Google từ chối ngay từ vòng đầu tiên. Vì thế lời khuyên chân thành của tôi là ĐỪNG lặp lại những lỗi trên. Hãy nhớ rằng, trong bất kỳ công việc nào mà bạn ứng tuyển, sẽ luôn có những người xuất sắc hơn bạn. Trong khi đó đa số ứng viên đều mắc phải một trong những lỗi cơ bản này. Thế nên chỉ cần bạn tránh được những điều trên, tôi tin rằng cơ hội để bạn đi xa hơn nữa đã tăng lên rất nhiều rồi đó.
Chúc các bạn thành công!
>> Đừng nghĩ ứng viên gật đầu là quá trình tuyển dụng chấm dứt
Khanh Lưu