Nhật Bản: Tương lai sẽ không còn người chết vì làm việc quá giờ?

10/04/2015 11:20 AM | Quản trị

Làm việc quá giờ là văn hóa đặc trưng của người Nhật. Nước này đang có dự thảo "bắt công nhân viên phải đi nghỉ".

Dưới sự ủng hộ của Thủ tướng Shinzo Abe, giới làm công ăn lương Nhật Bản đang nói lời từ biệt với "văn hóa" làm việc quá sức. Xứ sở mặt trời mọc nổi tiếng không chỉ qua sushi, manga mà còn với văn hóa "làm việc suốt ngày - nhậu nhẹt thâu đêm". Nhiều người cho rằng thứ văn hóa này là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh xã hội như suy giảm số lượng trẻ sơ sinh, năng suất kém, trong khi tại một thị trường lao động cung bất ứng cầu, sức mạnh đang chuyển từ phía doanh nghiệp sang người lao động.

Cơn sốt "chiều nhân viên" của công ty Nhật

Để đoạn tuyệt với "quá khứ", các công ty Nhật Bản đang thực hiện một việc được coi là đã "xưa như trái đất".

Công ty thương mại Itochu đang hấp dẫn sinh viên mới ra trường bằng giờ vào và tan làm sớm hơn. Nhà sản xuất máy in Ricoh thì cấm làm việc sau 8 giờ tối. Còn Fast Retailing, nhà vận hành chuỗi quần áo Uniqlo sắp ban hành ngày chế độ làm việc ngày bốn giờ cho những ai muốn có một cuộc sống cân bằng.

Tadashi Yanai, giám đốc điều hành của Fast Retailing nói: "Dù giờ làm việc ngắn, chúng tôi vẫn trả lương cao cho những ai mang lại kết quả tốt. Làm nhiều chưa chắc đã hiệu suất."

Vì trụ sở hơi bất tiện để đi lại, tức nằm ngay chân núi Phú Sĩ, nhà sản xuất robot Ranuc liền chiêu mộ nhân tài bằng cách cơi nới gấp đôi phòng tập thể dục, xây sân tennis và sân bóng chày.

Tất cả là nhằm hưởng ứng chiến dịch của ông Abe, cải thiện điều kiện làm việc để vực dậy thị trường lao động nước nhà. Ngoài ra, công chức Nhật Bản cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Kế hoạch tắt đèn văn phòng để "đuổi" nhân viên không thành, nên kể từ tháng 10, nhân viên trong bộ Y Tế bị cấm làm việc sau 10 giờ tối. Tuần qua, chính phủ nước này cũng đã đệ trình dự luật bắt buộc người lao động đi nghỉ (có lương) ít nhất năm ngày trong năm.

 

Biểu đồ so sánh số ngày nghỉ được phép và số ngày nghỉ thực tế của người lao động các nước. Công nhân viên Nhật Bản chỉ tận dụng một nửa thời gian cho phép để nghỉ ngơi.

Dự luật yêu cầu các nhân viên có thu nhập cao trong một số ngành như ngân hàng, môi giới được trả lương theo hiệu suất chứ không phải theo giờ làm cũng gây thêm nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ cho rằng dự luật sẽ tăng hiệu suất, còn ai phản đối nói rằng giờ làm việc sẽ lại tăng thêm vì công ty không cần phải trả tiền cho khoảng thời gian này nữa.

Người Nhật: Cho đi nghỉ mà không chịu đi

Tuy nhiên, những cố gắng vừa qua của Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường làm việc phần lớn vẫn thất bại. Ở đây vẫn không thiếu người chết do làm việc quá sức, và nhiều nhân viên vẫn cảm thấy tội lỗi khi rời văn phòng sớm.

Năm 2014, công nhân viên người Nhật chỉ sử dụng một nửa thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết cho phép, không như Pháp và Đức. Đất nước duy nhất xếp sau Nhật là Hàn Quốc.

Thực tế, các chính sách mới ở nước này báo hiệu cho sự xói mòn của những chuẩn mực xã hội lâu đời ví dụ như lòng trung thành với công ty, thay đổi thái độ với công việc, nhất là đối với người trẻ.

Quan niệm làm thuê cả đời đang phai nhạt, trong vòng ba năm, một phần ba những người mới ra trường đều nhảy việc. Nanami Kobayashi, một sinh viên 21 tuổi đang tìm việc, cho biết: "Điều quan trọng nhất là môi trường làm việc thoải mái". Đó là môi trường mà những nhân viên như cô được thể hiện tiếng nói, trả lương tương xứng với giờ làm thêm và ngày nghỉ vẫn được trả lương.

>> Những người đứng bên lề xã hội Nhật

Thùy An

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM