Ngồi ‘ghế’ càng cao, càng dễ làm nhà lãnh đạo?

22/11/2014 11:05 AM | Quản trị

Mỗi lĩnh vực của tổ chức đều phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của một người nào đó. Điểm mấu chốt là: Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn trở thành lãnh đạo dù ở bất kỳ vị trí nào.

Nhắc đến John Calvin Maxcell, những người làm trong lĩnh vực quản trị đều biết ông là chuyên gia, diễn giả, tác giả nổi tiếng của hơn 60 cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo. Trong đó có những cuốn được New York Times xếp vào danh sách bánh chạy nhất như: The 21 Irrefutable Laws of Leadership, The 21 Indispensable Qualities of a Leader: Becoming the Person Others Will Want to Follow, The 5 Levels of Leadership,…

Trong cuốn sách The 360° Leader (tạm dịch: Nhà lãnh đạo 360°), ông đã phân tích và làm rõ những vấn đề, thách thức của một nhà lãnh đạo cấp trung. Trong bất kỳ  tổ chức nào, vị trí lãnh đạo cấp cao chỉ có một nhưng lại có những người ở tầm giữa vẫn muốn lãnh đạo và đóng góp cho tổ chức. Họ không phải là những nhân viên dở nhất, nhưng cũng không phải là người đứng đầu. Một trong những ngộ nhận phổ biến của lãnh đạo cấp trung chính là về chức vị, chức danh.

“Tôi không thể lãnh đạo nếu tôi không đứng đầu.”, là phản hồi mà John C.Maxcell nhận được khi phỏng vấn những nhân viên thuộc nhóm này. Theo ông, quan điểm chức vị hay chức danh tạo ra vai trò lãnh đạo là hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều yếu tố  tác động đến khả năng lãnh đạo của một người. Khả năng lãnh đạo được ông chia thành 5 cấp độ trong đó chức vị được xếp vào cấp thấp nhất.

Cấp độ 1: Chức vị

Bạn chỉ có ảnh hưởng khi bạn có chức vị. Chức vị của bạn có thể là công nhân dây chuyền sản xuất, trợ lý hành chính, nhân viên bán hàng, quản đốc, CEO,… Từ vị trí đó, bạn có quyền hành nhất định kèm với chức danh. Nhưng nếu bạn chỉ sử dụng chức vị để lãnh đạo mọi người và không làm gì thêm để tăng tầm ảnh hưởng của mình thì mọi người đi theo bạn chỉ vì họ phải theo. Chức vị của bạn càng thấp, bạn càng có ít quyền hành. Nhưng may mắn là bạn có thể gia tăng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách vượt ra khỏi chức danh và địa vị, tiến tới cấp độ cao hơn.

Cấp độ 2: Sự chấp nhận

Nếu bạn thoát ra được khỏi cấp độ 1 cũng là lúc bạn bắt đầu lãnh đạo vượt ra ngoài chức vị vì bạn đã xây dựng được mối quan hệ với những người mà bạn muốn lãnh đạo. Bạn đối xử tử tế với họ. Bạn tôn trọng họ với tư cách là con người. Bạn quan tâm đến họ, chứ không chỉ quan tâm đến công việc họ làm cho bạn hay cho tổ chức. Bởi vì bạn quan tâm đến họ,  nên họ bắt đầu tin tưởng bạn hơn. Kết quả là họ đồng ý để bạn lãnh đạo họ, hay nói cách khác, họ bắt đầu đi theo bạn vì họ muốn.

Cấp độ 3: Định hướng kết quả

Nhờ những thành tựu bạn đạt được trong công việc, bạn tiến lên cấp độ này trong vai trò lãnh đạo cùng với những người khác. Nếu bạn đóng góp vào thành công của những người mà mình lãnh đạo, họ sẽ ngày càng tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của bạn. Họ đi theo bạn vì những gì bạn đã làm cho tổ chức.

Cấp độ 4: Phát triển con người

Để đạt được đến lãnh đạo cấp thứ 4, bạn phải tập trung phát triển những người khác. Vì thế, cấp độ này được gọi là cấp độ phát triển con người. bạn toàn tâm toàn ý với các cá nhân bạn lãnh đạo: hướng dẫn, giúp đỡ, phát triển kỹ năng và bồi dưỡng năng lực lãnh đạo của họ. Thực chất, việc bạn đang làm là tái tạo vai trò lãnh đạo. Bạn trân trọng, gia tăng giá trị cho họ. Ở cấp độ này, họ đi theo bạn vì những điều bạn làm cho họ.

Cấp độ 5: Vĩ nhân

Đây là cấp độ lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên không phải cứ nỗ lực hết mình là có thể đạt đến được. Bởi vì cấp độ này không nằm trong tầm kiểm soát của bạn mà do người khác quyết định. Họ đưa bạn tới cấp độ này sau một thời gian bạn lãnh đạo họ cực kỳ xuất sắc qua bốn cấp độ lãnh đạo trên. Bạn đã có được uy tín của một nhà lãnh đạo tầm vĩ nhân.

Như vậy chức vị chỉ là một cấp độ lãnh đạo, khả năng gây ảnh hưởng tới người khác là vấn đề nằm ngoài phạm trù này. Vai trò lãnh đạo là do bạn lựa chọn chứ không do vị trí mà bạn đang ngồi. Khi đã hiểu được các yếu tố tác động đến khả năng gây ảnh hưởng dựa vào 5 cấp độ lãnh đạo trên, hãy xác định cấp độ mà bạn muốn hướng tới thay vì chỉ chạy theo các chức danh trong một tập thể.

Mỗi lĩnh vực của tổ chức đều phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của một người nào đó. Điểm mấu chốt là: Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn trở thành lãnh đạo dù ở bất kỳ vị trí nào. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt, không quan trọng bạn ở vị trí nào.

>> Muốn công ty sáng tạo, hãy tìm người giỏi kết nối

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM