KPMG: Doanh nghiệp Việt khen thưởng lãnh đạo “mập mờ” bậc nhất thế giới
KPMG đánh giá các khoản khen thưởng cho ban lãnh đạo là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Xét về mặt này, Việt Nam được đánh giá thấp, không tuân thủ OECD, chỉ tuân thủ 4% các bộ quy tắc khác.
Báo cáo Cân bằng giữa nguyên tắc và sự linh hoạt vừa mới được KPMG công bố nghiên cứu 109 công cụ quản trị doanh nghiệp, với khoảng 1.800 nguyên tắc tại 25 thị trường.
Chia nhỏ về từng quốc gia/vùng lãnh thổ, ba nước được đánh giá quản trị doanh nghiệp tốt nhất là Anh, Mỹ và Singapore.
Đội sổ là một số nước tại Đông Nam Á như Myanmar đứng thứ 23, Brunei và Laos cùng được xếp chung vị trí 24.
Việt Nam là nước được đánh giá có bộ công cụ quản trị doanh nghiệp thuộc hàng yếu kém bậc nhất, đứng thứ 22/25 nước.
Bảng xếp hạng chất lượng bộ công cụ quản trị doanh nghiệp xếp theo thứ tự từng nước.
KPMG ghi nhận 25 quốc gia nhìn chung đạt điểm cao trong nhiều tiêu chí trong bộ công cụ quản trị doanh nghiệp.
Ủy ban khen thưởng
KPMG đánh giá các khoản thưởng cho ban lãnh đạo là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên cấu trúc các khoản thưởng này cần được xây dựng rõ ràng, tránh lặp lại lịch sử thời Khủng hoảng tài chính thế giới, khi các lãnh đạo không được thưởng phạt hợp lý.
Chức năng chính của bộ phận Ủy ban khen thưởng là đưa ra một chính sách thưởng hợp lý cho ban lãnh đạo, không bị thiên lệch, không gây xung đột.
Những nước/vùng lãnh thổ xếp đầu là Mỹ tại 63%, một phần do Mỹ yêu cầu thành viên Ủy ban khen thưởng phải độc lập.
Hong Kong và Nga theo sau tại 52%, khi công khai thành viên và chức năng của Ủy ban khen thưởng trong tài liệu niêm yết.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Ủy ban khen thưởng.
Cơ cấu khen thưởng
Đây là tiêu chí quyết định mức khen thưởng hợp lý để thu hút nhân tài, nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu lâu dài của công ty.
KPMG xem xét bộ hướng dẫn khen thưởng ban lãnh đạo, mức độ công khai các khoản này và quỹ cổ phiếu thưởng để xếp hạng các nền kinh tế.
Anh, Úc và Singapore là các nước quy định khá rõ ràng về cơ cấu khen thưởng trong công ty.
Gần đây, Úc đã áp dụng quy định cho phép cổ đông đặt trần khen thưởng cho ban quản trị.
Mức độ tuân thủ OECD của các nước Đông Nam Á hầu như rất thấp, với Indonesia và Việt Nam tại 4%, Brunei tại 7%, Lào tại 0%.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Cơ cấu khen thưởng.
Ủy ban kiểm toán và soát xét tài chính
Về độ minh bạch của các yêu cầu đối với Ủy ban kiểm toán trong công ty (yêu cầu về sự độc lập, chức năng, kỹ năng cần thiết, trách nhiệm…), Việt Nam tuân thủ 11% bộ quy tắc của OECD và 17% đối với các bộ khác.
Chỉ có Myanmar và Brunei không tuân thủ Quy tắc OECD trong việc thiết lập một Ủy ban kiểm toán độc lập.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Ủy ban kiểm toán và soát xét tài chính.
Tuy nhiên Việt Nam lại là một trong số ít các nước không yêu cầu thành lập bộ phận riêng có chức năng soát xét nội bộ, hay còn gọi là “người thổi còi”.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Bộ phận soát xét nội bộ.
Tính độc lập của ban quản trị
Một trong những yêu cầu cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp là tính độc lập của ban lãnh đạo. Chỉ khả năng giám sát quá trình quyết định để tìm được tiếng nói đồng thuận và điều chỉnh các hành động sao cho phù hợp với mục tiêu và giá trị đạo đức của công ty.
Các tiêu chí trong tính độc lập của ban lãnh đạo được KPMG xem xét là đính độc lập, mức độ công khai về lợi ích vật chất, sự độc lập giữa Chủ tịch và CEO.
Tỷ lệ số thành viên ban quản trị độc lập được đánh giá cao khi nằm trong khoảng 20% - 100%.
Nhật Bản, Brunei và Myanmar là các nước có khung quy định về tiêu chí này lỏng lẻo nhất, cá biệt nhất là Lào, hoàn toàn không có yêu cầu nào.
Mỹ, Anh và Úc vẫn là các nước tuân thủ OECD và quy tắc chung nhất. Thái lan và Nga là quán quân của khu vực thị trường đang phát triển, vượt lên một số quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc nhóm phát triển.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Tính độc lập của ban quản trị.
Vai trò của ban quản trị
Yêu cầu của về Vai trò của ban quản trị thiết lập rõ ràng chức vụ và quyền hạn của ban trong các mục tiêu về tài chính và hoạt động.
Úc là nước được đánh giá cao nhất trong tiêu chí này. Các công ty Úc yêu cầu ban quản trị cung cấp văn bản chính thức về nguyên tắc hoạt động của ban và thiết lập Bộ quy tắc ứng xử.
Malaysia cũng yêu cầu các công ty công bố vai trò của ban quản trị công ty trong tài liệu về nguyên tắc hoạt động của Ban.
Hong Kong, Malaysia và Singapore là 3 thị trường duy nhất yêu cầu cung cấp nguyên nhân sa thải hoặc giáng cấp thành viên ban quản trị.
Việt Nam tuân thủ OECD khá cao so với các nước khác trong khu vực tại 22%, cao hơn Campuchia và Malaysia (19%), Indonesia và Thái Lan (15%), Myamar (7%), Lào (4%).
Tuy nhiên khi so sánh với các bộ quy tắc có chất lượng khác, Việt Nam hoàn toàn không tuân thủ tại 0%, trong khi tỷ lệ này tại Malaysia là 42%, Indonesia và Philippines là 17%.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Vai trò của ban quản trị.
Tuy nhiên, ngoài các tiêu chí được tuân thủ khá cao, thì có một số tiêu chí khác nhìn chung bị bỏ ngỏ tại 25 nước có tên trong khảo sát.
Độ đa dạng trong ban quản trị
Yêu cầu về độ đa dạng trong ban quản trị là yếu tố được đánh giá thấp điểm nhất trong 25 nước/vùng lãnh thổ trong khảo sát.
Các yêu cầu về tỷ lệ giới tính, chủng tộc, độ tuổi, chuyên ngành… trong ban quản trị cấu thành mức độ đa dạng.
Úc và Anh là hai nước có quy định về phần này rõ ràng nhất thế giới, Malaysia cũng nhận điểm cao. Cả ba nước này đều có chính sách đa dạng hóa, đặc biệt, Úc yêu cầu các công ty đánh giá độ đa dạng mỗi năm một lần và công bố “Chỉ số bình đẳng giới tính”.
Ấn Độ vừa ra quy định bắt buộc mọi công ty phải có ít nhất một thành viên nữ trong ban quản trị.
Việt Nam là nước đội sổ trong tiêu chí này, giống nhiều nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia…
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Độ đa dạng trong ban quản trị.
Mức độ kết nối cổ đông
Xét đến mức độ tham gia và kết nối giữa các cổ đông, đây là yếu tố ảnh hưởng quyền lợi của nhóm này.
Sự liên lạc thông suốt giữa cổ đông giúp giải quyết các vấn đề tài chính và phi tài chính, gây dựng lòng tin trong công ty.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Mức độ tham gia và kết nối giữa các cổ đông.
Quản trị rủi ro
Sự thất bại trong quản trị rủi ro và hệ thống nội bộ dẫn đến các vụ sụp đổ và khủng hoảng ngành tài chính.
Vậy nên cần có một sự liên hệ rõ ràng giữa mục tiêu chiến lược, quá trình quyết định và khả năng chịu đựng rủi ro.
Anh rõ ràng là nước dẫn đầu về chất lượng của tiêu chí này, bỏ xa hai nước tiếp theo là Singapore và Malaysia.
Một lần nữa, Việt Nam thiếu hụt các quy định trong tiêu chí này, giống các nước Indonesia, Myanmar, Trung Quốc, Brunei.
Mức độ rõ ràng của tiêu chuẩn liên quan đến Quản trị rủi ro.
>> Quan điểm quản trị của Jack Ma: Hãy yêu đối thủ cạnh tranh
Theo Thảo Mai