4 cách để nhà lãnh đạo khắc phục sự nhút nhát
Nói tới các nhà lãnh đạo, ai cũng nghĩ họ luôn là người cứng cỏi, quyết liệt, song thực tế vẫn có những người tính nhút nhát lại hay nể ngại. Điều đó đã hạn chế năng lực quản lý của họ. Bài viết này chỉ ra cách khắc phục những “rào cản” ấy.
Tác giả Melody Wilding trong bài báo mới đây trên trang Forbes đã khẳng định, người ta hoàn toàn có thể học hỏi và cải thiện tính cách rụt rè, nhút nhát để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả, có uy thế.
Bà đã chỉ ra 4 thách thức và cách vượt qua chúng nếu rơi vào tình huống này:
Thách thức số 1: Xuất hiện trước đám đông
Mới nghe qua tưởng như đây là điều rất đơn giản. Bạn tự giới thiệu mình với mọi người và ngược lại, rồi sau đó mọi chuyện tiếp tục.
Nhưng trên thực tế, mọi sự không trơn tru đến vậy. Hãy tưởng tượng như bạn được dẫn qua một loạt các phòng ban, gặp gỡ với rất nhiều nhân viên cấp dưới, bị “soi” bởi hàng chục hay hàng trăm cặp mắt, thật khó để có cách “phá băng” hiệu quả và bớt vụng về trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên với mọi người như thế.
Cách vượt qua thách thức:
Nếu không phải là một người hoạt khẩu bẩm sinh, bạn hãy tìm hiểu về đội ngũ cộng sự của mình theo cách riêng của mình.
Tác giả Melody Wilding gợi ý một cách theo bà đơn giản và dễ áp dụng nhất: thông qua các cuộc trò chuyện một đối một. Bằng cách đó, bạn không bị cuốn vào quá nhiều trao đổi cùng lúc và bị “soi” giữa đông đảo nhân viên.
Thêm nữa, với cách sắp đặt trước các cuộc họp, cả nhân viên và lãnh đạo đều có cơ hội chuẩn bị.
Nhà quản lý có thể gửi chương trình làm việc tới cho nhân viên, xác định trước những chuyện sẽ bàn và sau đó, dành thời gian lắng nghe mọi người.
Khi bạn ngày càng hiểu rõ cấp dưới của mình, bạn sẽ thấy trao đổi với họ dễ dàng hơn trong các đối thoại hàng ngày khác.
Thách thức số 2: Trao đổi những nội dung khó nói
Nếu việc tìm hiểu cấp dưới thôi đã là chuyện không đơn giản với bạn, thì việc phải nói những chuyện như phê bình khi cấp dưới làm việc không đạt kết quả như mong muốn, hoặc tệ hơn là phải sa thải họ, còn khó khăn hơn gấp bội.
Cách vượt qua: Trong những trường hợp này, tốt nhất bạn nên có một người có kinh nghiệm quản lý hướng dẫn bạn cách thức tiến hành trao đổi.
Việc hướng dẫn này đòi hỏi tính cụ thể kiểu “cầm tay chỉ việc” như khi tiếp xúc sẽ nói gì, nói như thế nào và tiếp tục vấn đề ra sao.
Thách thứ số 3: Trao đổi trong cương vị lãnh đạo
Dù có những khi bạn phải làm việc riêng với từng nhân sự cấp dưới trong công việc cụ thể, nhưng phần lớn thời gian còn lại, bạn phải là một người quản lý. Do đó, bạn sẽ phải chủ trì cuộc họp, phân công công việc, thiết lập mục tiêu và khuyến khích tập thể nhân viên đạt được các tiêu chí mong muốn. Với một nhà quản lý nhút nhát, điều này thật khó khăn.
Cách vượt qua: Giải quyết thách thức này không thể nhanh được. Theo kinh nghiệm của tác giả Melody Wilding, bà có một giải pháp gồm 2 phần.
Thứ nhất, trên cơ sở các cuộc đối thoại một – một như đã đề cập ở thách thức số 1, bà nỗ lực tạo không khí thân mật, thoải mái với nhân viên. Khi hiểu rõ họ ở góc độ cá nhân, bà cảm thấy tự tin hơn trong quá trình giao tiếp công việc.
Thứ hai, phần chuẩn bị rất quan trọng. Là nhà quản lý, bà Melody Wilding nhận ra các nhân viên của bà luôn thắc mắc về mọi điều. Chẳng hạn, nếu công ty đưa ra một chính sách mới trong cuộc họp, lập tức họ sẽ muốn biết tại sao lại triển khai chính sách đó, những ai sẽ chịu ảnh hưởng chính sách này và người quản lý sẽ làm gì để giúp họ hoàn thành điều đó, v.v…
Nếu nhà quản lý không trả lời được các thắc mắc ấy, cái ghế của họ chắc chắn sẽ lung lay. Tuy nhiên, khi có sự chuẩn bị trước những thông tin giải đáp cần thiết, người quản lý sẽ thấy kiên định và vững vàng hơn.
Thách thức số 4: Giải quyết tất cả những thách thức trên (và còn nhiều hơn nữa)
Thoát khỏi “vùng an toàn” trong tính cách bản năng của mỗi người để khắc phục những hạn chế là câu chuyện không đơn giản. Để trở thành nhà quản lý hiệu quả, mạnh mẽ, rõ ràng cần sự nỗ lực không ngừng của bạn trong một thời gian dài.
Không ít người đã mất kiên nhẫn, bỏ cuộc. Nhưng nếu bạn vẫn muốn trở thành nhà lãnh đạo, hãy kiên trì bám trụ. Tin vui là theo thời gian, mọi sự sẽ dễ dàng hơn.
Khi bạn đã hiểu rõ đội ngũ nhân viên của mình và cảm thấy thoải mái khi ở bên họ, bạn cũng sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn trong việc dẫn dắt, lãnh đạo họ. Những cuộc nói chuyện khó khăn sẽ trở nên đơn giản hơn. Bạn sẽ tự tin hơn khi hướng dẫn và đào tạo đội ngũ của mình.
>> 8 thói quen buổi sáng bất biến của những người thành công
Theo TRẦN ĐẮC LUÂN