Phú Yên có gì: Ghé thăm làng homestay ven biển tràn ngập không gian sách và màu sắc trẻ thơ
Là “nữ tướng” trong phong trào Sách Hóa Nông Thôn, chị Hà Vũ (Vũ Thị Thu Hà) đã có hành trình 5 năm mang sách tới các vùng miền núi, hải đảo… với tâm niệm “là doanh nhân thì phải có trách nhiệm xã hội”. Nhưng càng thực hiện chương trình sách hóa nông thôn, chị càng có mong muốn thay đổi người dân về phát triển bền vững. Đó là lý do để chị bắt tay xây dựng doanh nghiệp xã hội, đầu tư vào làng du lịch homestay tại ven biển Phú Yên.
Cứ mỗi sáng đi chợ, chị Hà Vũ thường có thói quen vận động, nhắc nhở bà con mua bán không nên dùng túi nilon bừa bãi. Thoạt đầu đến Phú Yên, chị đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện nhặt rác bãi biển, khuyến khích trẻ em, thanh niên cùng người lớn trong làng tham gia để mỗi người tự nhận thức biển này là môi trường sống của mình, là do mình tận hưởng, thế nên phải bảo vệ nó cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bất cứ khách du lịch nào ở vài ngày tại đây, chị đều vui vẻ đề nghị họ nếu rảnh thì tham gia dạy tiếng Anh hay kỹ năng sống cho các em nhỏ miền biển. Dù chỉ là một hay hai buổi ngắn ngủi, nhưng mỗi lớp học đều thu hút nhiều em học sinh quanh đó tham gia. Hơn thế nữa, trải nghiệm này cũng để lại biết bao thông điệp ý nghĩa trong lòng du khách, khiến họ không quên đặt dấu ấn lòng tốt ở những miền đất khác mà họ ghé thăm.
Hà Vũ mang sách đến cho trẻ em nghèo tại chương trình sách hóa nông thôn ở huyện miền núi
Xuất phát là một người buôn bán có mong muốn giản đơn là xây dựng tủ sách cho trường cũ Nam Định, nhưng suốt 5 năm qua, chị đã lấp đầy "cơn đói sách" ở biết bao trường học ở huyện nghèo. Nhưng càng thực hiện dự án sách hóa nông thôn, chị càng mong có thể thay đổi đời sống người dân. Nếu như vậy, mang sách đến trẻ em là chưa đủ. Sau một thời gian ngắn suy nghĩ, chị quyết định xây dựng doanh nghiệp xã hội, để đầu tư vào làng du lịch homestay tại ven biển Phú Yên.
"Muốn phát triển bền vững, mình phải kéo được người dân địa phương cùng tham gia mô hình phát triển xanh này" – Chị Hà Vũ chia sẻ. Mỗi ngôi nhà homestay do chị đầu tư hay do chính người dân đăng ký tham gia làm homestay đều duy trì nếp sống xanh với bộ xử lý rác thải hữu cơ.
Chị Hà chia sẻ: "Tôi sẽ xây dựng một làng Friends Homestay Phú Yên, trang trí nhà cửa bằng những bức tranh tường đậm phong vị miền biển, và tại đây sẽ có một thư viện sách lớn để các em đọc. Tôi đến đây và nhận ra, cũng như những vùng quê nghèo khác, trẻ em rất đói sách. Chúng muốn đọc, nhưng hầu như không có điều kiện để tiếp cận nguồn tri thức, như vậy thì quá thiệt thòi. Và bạn cũng nhìn thấy đấy, những tháng này, biển đói vô cùng, dân làng chài đánh bắt qua đêm và trở về với nguồn hải sản khiêm tốn. Làm như vậy chỉ đủ ăn chứ không có dư. Mình xây dựng làng homestay, biến du lịch trở thành một phần thu nhập cho họ. Du lịch địa phương thường hút khách Tây, và thậm chí nhiều khách ta bây giờ cũng thích kiểu du lịch trải nghiệm này".
Mỗi bức tranh được vẽ trên ngôi nhà homestay là một câu chuyện tri thức. Từ con thuyền sách, cô giáo đọc sách cho các em nghe đến mũi Đại Lãnh, và các cảnh quan nổi tiếng khác ở Phú Yên được đôi bàn tay khéo léo của nghệ sĩ sáng tạo nên. Đi dạo một vòng làng, bạn sẽ có dịp quan sát những ngôi nhà một gian, hai gian miền biển được xây dựng từ cách đây nhiều thập niên, đứng chễm chệ trên cát, và xung quanh là những cây xương rồng vẫn vươn mình sống tốt giữa cái nắng vàng ươm.
Lớp học vẽ của các bạn ở Friends Homestay Phú Yên
Friends Homestay Phú Yên cũng là mô hình mở ra để du khách đến trải nghiệm có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội với cộng đồng địa phương và thực sự sống cùng, ở cùng người dân để hiểu cuộc sống của họ. Làng homestay sở hữu thư viện cộng đồng được chị Hà trang bị đầy đủ Internet, máy tính, phòng đọc… Khách du lịch tới đây cùng đóng góp sách vở, cùng tham gia các hoạt động cộng đồng với trẻ em. Làng cũng có lớp học để dạy trẻ em những kĩ năng như âm nhạc, hội họa… và hiểu biết cơ bản về đời sống.
Mỗi một mảnh đất mà Hà Vũ đi qua, chị không chỉ để lại tri thức mà còn xây dựng, củng cố một văn hóa mới, tích cực hơn, tiến bộ hơn.