6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…”

23/08/2019 06:34 AM | Sống

Trở về nước sau 6 năm đi học ở Ukraina cộng thêm nửa năm học tập củng cố trau dồi thêm kiến thức về kế toán tại Việt Nam, ấy vậy mà, thời gian chị Linda Nguyễn – Giám đốc nhân sự TA Holdings – gắn bó với chuyên ngành mình theo đuổi cả thanh xuân chỉ vỏn vẹn 2 tháng. Đối với chị, hiện tại, làm việc trái ngành không chỉ là một cơ hội, mà còn là định mệnh “mình né cũng không được”…

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 1.

Học 6 năm ngành kế toán nhưng chỉ theo nghề khoảng 2 tháng, chị có thể chia sẻ câu chuyện xin việc của mình được không?

8 tháng sau khi về nước, tôi có xin làm kế toán ở một công ty Úc. Mức lương khi ấy họ trả tôi khá cao, tương đương với lương của một trưởng phòng thời điểm bấy giờ. Làm được một thời gian, bản thân cảm thấy những yếu tố nghề không có cơ hội được phát triển tại môi trường này nên tôi nghĩ mình cần chuyển sang một doanh nghiệp tốt hơn. Sau khi đi ứng tuyển một vài doanh nghiệp khác, tôi đều nhận được những cái lắc đầu. Vòng đơn, vòng phỏng vấn tôi thấy đều rất trơn tru nhưng không hiểu sao họ lại không nhận mình làm kế toán.

Dành đến 6 năm để theo học một chuyên ngành mà lại không thể xin được việc đúng chuyên ngành, tất nhiên tôi rất shock. Khi đi xin việc ở Hòa Phát, chị Phó Tổng giám đốc mới nói với tôi rằng: "Nếu em sang phòng kế toán thì phí lắm, sang phòng kinh doanh đi. Phòng kinh doanh đang rất cần người giao tiếp được như em". Thực sự ở thời điểm ấy, tôi không hề có lựa chọn bởi tôi cũng sợ mình sẽ trượt phỏng vấn tiếp, không biết bao giờ mới có việc đi làm lại. Tôi chấp nhận chuyển ngành.

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 2.

Sau đó, tôi phát hiện ra rằng vẻ bề ngoài, khả năng ngôn ngữ tốt có thể là điểm cộng đối với nghề này nhưng với nghề khác thì chưa hẳn. Cụ thể là "kế toán" trong trường hợp của tôi.. Tôi nhận ra rằng, làm ở vị trí nào nên có bề ngoài phù hợp với công việc ấy. Tôi vốn dĩ cá tính hơn so với phần đa những người người làm công việc kế toán khi đó.

Khoảng 2 tháng ở nhà, tôi biết được rằng thị trường ở Việt Nam đang cần người như thế nào và họ tuyển dụng người ra sao. Trong đầu mình lờ mờ hiểu được câu "trông mặt mà bắt hình dong" chưa bao giờ lại đúng đến thế, một trong những quyết định tuyển dụng được đưa ra sẽ dựa trên yếu tố văn hóa mà mỗi ứng viên thể hiện ra ngoài, cụ thể là trang phục hay tác phong mà họ sở hữu.

Vậy theo chị, du học nói riêng, học đại học nói chung có cần thiết không khi tốt nghiệp ra trường, hầu hết sinh viên đều làm trái ngành?

Với cá nhân tôi, cánh cửa học tập không thể thay thế được. Đương nhiên, người không đi học lên đại học vẫn trưởng thành, ra đời vẫn kiếm được tiền nhưng bạn cần biết học tập là nền tảng của xã hội, là hệ thống cơ bản cần thiết cho tất cả mọi người. Chúng ta có rất nhiều con đường để đi đến thành công nhưng con đường dễ đi, ít gồ ghề nhất dựa trên tri thức, học tập vẫn là lựa chọn hàng đầu, phải không?

Với câu hỏi này, tôi nghĩ không có đúng sai, cánh cửa đại học vẫn nên là một cánh cửa tốt. Sinh viên có cái nhìn khác hẳn với học sinh phổ thông, ấy chính là điều mà đại học mang lại. Bản thân tôi cũng vậy, du học 6 năm mà về nước lại chẳng dùng tới chuyên ngành mình học, nhưng suy đi nghĩ lại, những thành quả gặt hái được trong công việc tính đến bây giờ đều nhờ có quãng thời gian ở Ukraine. Từ một đứa trẻ nhút nhát, rụt rè, môi trường du học đã biến tôi trở thành một người dám dấn thân, dám chấp nhận rủi ro.

Thời gian đầu ở nước ngoài, khi ngôn ngữ bản địa chưa thành thục, bản thân các du học sinh phải dùng nhiều ngôn ngữ bên cạnh body-language (ngôn ngữ cơ thể - PV) để giao tiếp, dần dần mình chăm chỉ luyện tiếng, mua sách về tự đọc, lang thang khắp các ngõ ngách để tìm hiểu thêm, từ đó có sự chủ động. Con đường thành công không thiếu cách để chạm tới nhưng tôi vẫn muốn khuyên các bạn, nếu có điều kiện thì vẫn nên học.

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 3.

Như được biết, chị chuyển ngành từ kế toán sang kinh doanh, sau đó là trợ lý giám đốc, Giám đốc đào tạo và đến bây giờ là Giám đốc nhân sự. Thay đổi ngành như vậy, có phải chị không ổn định về định hướng hay không khi bản thân đang ở độ tuổi 30s?

Tôi chuyển từ ngành này sang ngành khác là do cơ duyên, do kĩ năng giao tiếp của mình tốt và do khả năng sinh tồn cao. Có thể tôi không có kiến thức về lĩnh vực ấy nhưng nhà tuyển dụng nhìn thấy khả năng "bơi được khi bị buông tay" và trách nhiệm công việc ở tôi. Tôi cho đó là cơ hội của chính mình, vì thế việc mình làm luôn có chủ đích. Trước những cơ hội, bao giờ tôi cũng phân vân liệu mình có nên dấn thân không. Dù là cơ hội của mình nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải cân đo đong đếm để xem khả năng của bản thân thế nào.

Ở độ tuổi của tôi, nước cờ sự nghiệp không còn tùy vào bản năng nữa mà phải dựa vào lý trí, có tính toán thiệt hơn để đi theo lộ trình phát triển sự nghiệp riêng. Mỗi lần thay đổi định hướng, tôi thấy con đường mình đi rộng mở hơn, cơ hội được làm những điều mình muốn nhiều hơn và tiềm năng bản thân lớn hơn.

Gần đây, tôi hay suy nghĩ về định mệnh tức là một điều chắc chắn xảy ra, mình né cũng không được, điều quan trọng là phản ứng đón nhận sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Thái độ vui vẻ, tích cực sẽ biến thất bại thành một trải nghiệm trong cuộc đời; còn thái độ tiêu cực, khó chịu chỉ khiến bạn rơi vào ngõ cụt mà thôi. Vậy nên, với định mệnh, mình cứ nên chuẩn bị tâm thế trước. Thất bại hay thành công trước một sự việc, nói tóm lại, dựa hoàn toàn vào suy nghĩ của chính bạn.

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 4.

Là một người từng trải, theo chị, trở ngại khi chuyển ngành bao gồm những gì?

Thực lòng mà nói, để tìm được một công việc bây giờ không khó, các bạn trẻ hoàn toàn có nhiều cơ hội để tìm được một công việc. Ngày trước nói đến nghỉ việc, hiển nhiên mọi người sẽ liên tưởng ngay đến thất nghiệp. Còn thời điểm bây giờ, nay nghỉ, mai bạn đã có thể đi làm ở một doanh nghiệp khác. Hơn nữa, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhiều không đếm xuể. Cũng chính vì lý do đó, tôi nhận thấy các bạn trẻ bây giờ không quá quý trọng một công việc.

Nhưng có một điều thú vị là các bạn trẻ hiện nay khá táo bạo, không ngại thử những điều mới và chuyển ngành là một trong số đó.

Từ bản thân mình, tôi nhận thấy chuyển ngành có những trở ngại sau: Thứ nhất là không có kiến thức, thứ hai là không chuẩn bị tâm thế điều chuyển công việc. Khi thay đổi ngành, bạn phải nỗ lực nhiều hơn so với những tiền bối đã hoạt động trong ngành trước mình, chưa kể so với những người học đúng ngành đi làm đúng nghề. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một thứ gì đó mới, nỗ lực và sự học hỏi sẽ quyết định trong việc bạn thành công hay không khi chuyển ngành.

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 5.

Để đưa lời khuyên cho các bạn trẻ, theo chị, nhảy việc nên quan tâm đến lương hay đến đam mê?

Trước 30 tuổi, hầu hết các bạn trẻ còn đang thiếu định hướng, mông lung, chưa biết mình thích gì, muốn gì, đam mê là một từ rất khó kiểm chứng. Không thiếu những người 40, 50 tuổi cũng không biết mình đam mê gì. Người nước ngoài rất đề cao đam mê, sứ mệnh, hạnh phúc thật sự của mỗi cá nhân, còn người Việt Nam mình lại quan niệm có công việc là tốt rồi.

Thông thường, dưới 30 tuổi, các bạn hay lựa chọn thay đổi việc vì mức lương, đổi việc dựa trên cảm tính hoặc cảm xúc nhất thời; còn ở độ tuổi trên 30 trở đi, bạn sẽ muốn thay đổi vì những thứ lớn lao hơn mang dấu ấn cá nhân hoặc vì một lý tưởng sống hoặc vì người lãnh đạo bạn tài ba dẫn tới các yếu tố bị chi phối về tiền giảm xuống, cảm xúc giảm xuống. Dưới 30 tuổi, bạn dễ dàng chọn nghỉ việc vì hôm nay không hài lòng với sếp, lương thấp hơn một chút so với công ty khác…. Trên 30 tuổi, khi ấy, cái tôi của bạn đã được điều chỉnh và bạn chọn một công việc dựa trên tư duy, lý trí với sự lập luận rõ ràng hơn.

Hiện tại, doanh nghiệp của tôi đang đồng hành đã thành lập được 9 năm nhưng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc có thể lên tới 60-90%. Đây là tỷ lệ rất cao đối với ngành nhân sự. Đối mặt với vấn đề tuyển dụng nóng, đáp ứng tình hình thực tế, khi thuyết phục các nhân sự đặc biệt là đội ngũ leader tới từ các tổ chức lớn, tôi không thuyết phục họ bằng lương vì vấn đề tài chính đối với một doanh nghiệp đang tái cơ cấu khá nhạy cảm. Vậy với một thương hiệu không quá lớn, mức thu nhập cạnh tranh với thị trường thấp hơn và sản phẩm còn khá mới thì làm thế nào để thuyết phục được họ?

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 6.

Tôi sử dụng góc nhìn và kinh nghiệm của mình để chiêu mộ họ. Như tôi, tôi chọn theo người lãnh đạo có tâm có tầm để cùng hợp tác làm việc, người sẵn sàng chia sẻ giấc mơ với mình trên quan điểm một cộng sự, chứ không đơn thuần chỉ trả tiền, trả rất nhiều tiền. Ở độ tuổi của tôi, tôi lựa chọn đam mê, tất nhiên vẫn có yếu tố thu nhập cơ bản làm nền tảng. Khi ấy, tôi tin rằng, sự hợp tác sẽ bền lâu dựa trên lợi ích và kết quả đầu ra rõ ràng, cam kết.

Chúng ta có nhất thiết phải mất thời gian đi tìm đam mê hay không hay chỉ đơn giản cứ đi làm, kiếm tiền rồi lại hưởng thụ, thưa chị?

Lời khuyên của tôi là nên thôi chứ tất nhiên, không bắt buộc. Không có đam mê, chúng ta vẫn có thể sống nhưng chỉ là không biết sống như thế nào thôi, sống có vui thật hay không… Có đam mê, tự khắc trong mình sẽ có sự thích thú khi làm việc. Bạn đam mê dịch chuyển, bạn không cần xe sang nhà đẹp, bạn chỉ cần tận mắt nhìn thấy những vùng đất mới, những nền văn hóa mới là bạn đủ cảm thấy hạnh phúc. Có những người tìm được đam mê sớm, có những người tìm được đam mê muộn. Như tôi chẳng hạn, không sao cả. Tôi đã loay hoay với sự nghiệp của mình cho tới năm 32 tuổi mới tìm được lẽ sống và con đường đi cho chính mình.

Bố mẹ ngày trước làm ổn định cả đời một nơi, còn người trẻ chúng ta nhảy việc liên tục. Theo chị đánh giá là do chúng ta có cá tính khác biệt hay bởi quá dễ dãi?

Tôi đoán dễ dãi là câu trả lời chung của nhiều người cùng với ý kiến của tôi. Ở vai trò tuyển dụng, chắc chắn không ai thích một ứng viên cứ vài ba tháng lại nhảy việc liên tục như vậy cả; họ không nhìn thấy ở bạn sự kiên trì và tính gắn kết với doanh nghiệp. Vị trí nghỉ việc nhiều nhất thuộc về nhân viên sales. Nhiều bạn bây giờ nghĩ là không biết làm gì thì thôi thử làm sales, điều này sai hoàn toàn. Những người thành công và giàu có nhất đều đi từ nghề sales đi lên.

Sales là một nghề khó, bạn phải thuyết phục người khác lắng nghe bạn, dành thời gian cho bạn. Gây dựng niềm tin đủ lớn để họ dùng tiền mua sản phẩm/dịch vụ của bạn thay vì các đối thủ trên thị trường... Tuy nhiên, các bạn trẻ mới vào, chưa bán được gì, đã nghỉ việc mà không hiểu rằng phải mất ít nhất khoảng 1, 2 tháng để làm quen với sản phẩm, thị trường, để biết cách giới thiệu bản thân ngay khi mở miệng nói chuyện với khách hàng. Sự thật là những người làm sales nỗ lực rất nhiều hơn hẳn so với những ngành nghề khác.

6 năm du học, chỉ 2 tháng làm đúng ngành, Giám đốc nhân sự Linda Nguyễn: “Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi, không quá quý trọng công việc…” - Ảnh 7.

Để dành một lời khuyên về lựa chọn nơi làm việc cho các bạn mới ra trường, chị nghĩ nên thử sức ở các startup hay tập đoàn, công ty lớn?

Lựa chọn thế nào là tùy ở các bạn. Không có một công thức nào áp dụng thành công cho tất cả mọi người. Jack Ma thường khuyên các bạn trẻ mới tốt nghiệp nên chọn startup nhưng startup phải như thế nào, tiêu chí ra sao thì lại là một câu chuyện khác. Tôi biết nhiều bạn dành thời gian thực tập ở doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại chẳng học được gì, đổi lại chỉ là rót nước bưng trà. Những bạn may mắn hơn được làm việc ở các công ty lớn, CV cũng sẽ đẹp hơn và tương lai có thể xán lạn hơn.

Các tổ chức lớn không phù hợp với những bạn không chủ động, thích an toàn, họ trả tiền cho bạn và cần năng lực thực sự. Những bạn khả năng còn kém nên chọn những doanh nghiệp nhỏ để bắt đầu, nếu chọn công ty lớn để bắt đầu thì khả năng bạn trượt từ vòng phỏng vấn là khá cao, chứ chưa nói đến giai đoạn thử việc.

Là một người quản lý, theo chị, một nhân viên có giá trị trong công việc cần những yếu tố gì?

Một là tính trách nhiệm, hai là sự cầu thị, ba là sáng tạo. Tính trách nhiệm thể hiện ở việc đúng giờ, đúng deadline, nỗ lực để tìm cách hoàn thành công việc của mình và khiến người giao việc an tâm. Sự cầu thị có hay không là nhờ việc bạn biết lắng nghe, đừng dạ dạ vâng vâng nghe cho có rồi làm sai chỉ đạo. Sáng tạo sẽ cho bạn thấy rõ giá trị của bản thân, không đi theo lối mòn của người khác, có thể tạo ra những sản phẩm khác biệt. Đến bây giờ, theo quan sát của tôi, những sản phẩm thành công là những sản phẩm sáng tạo.

Dạo gần đây tôi hay nói về hai từ sáng tạo. Sáng tạo dẫn đến thành công. Vì sao họ thành công? Uber có thể chết ở Việt Nam còn Grab sống được là nhờ họ thay đổi mindset của thị trường, Facebook giúp mọi người connect với nhau theo một cách mới. Tôi cũng đang làm theo hướng đấy, làm mọi thứ không theo khuôn phép. Vốn dĩ bản thân tôi là người ưa thích sự phá cách.

Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ninh Linh
Duy Anh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Ninh Linh

Từ khóa:  Linda Nguyễn
Cùng chuyên mục
XEM