Làm việc tại doanh nghiệp Nhật: Kỹ sư Lào nhận lương cao hơn kỹ sư Việt Nam

25/02/2014 09:07 AM | Pháp luật

Kết quả khảo sát của JETRO.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), một trong những rủi ro kinh doanh của các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chính là tỷ lệ tăng lương tối thiểu vẫn ở mức cao.

Năm 2012, khảo sát 149 doanh nghiệp trong ngành sản xuất cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của mức lương tối thiểu tại các DN này so với năm 2011 là 21%. Khảo sát 71 DN trong ngành phi sản xuất, tỷ lệ này là 16,9%. So với các nước khác như Indonesia, Mianma, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Philipin, Campuchia, Malaysia, Singapore thì Việt Nam đứng đầu.

Năm 2013, khảo sát 212 DN trong ngành sản xuất, Jetro cho biết, tỷ lệ tăng trưởng của mức lương tối thiểu tại các DN này so với năm 2012 là 14% - Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong số các nước nói trên. Khảo sát 123 DN trong ngành phi sản xuất, tỷ lệ này là 8,9% - đứng thứ 5 trong số các nước.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của lương là không nhỏ, nhưng khi so sánh về con số tuyệt đối thì mức lương của nhân sự Việt Nam trong các DN Nhật Bản vẫn thấp so với các nước khác.

Tại các DN thuộc ngành sản xuất, mức lương trung bình của một công nhân là 3.000 USD/năm tương đương 250 USD/tháng (khoảng 5,2 triệu đồng). Với mức này, lương của công nhân Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Mianma.

Lương của kỹ sư Việt Nam là 5.749 USD/năm tương đương 480 USD/tháng (khoảng 10 triệu đồng), cũng vẫn chỉ cao hơn Campuchia và Mianma.

Lương của cấp quản lý là 13.326 USD/năm (hơn 1.100 USD/tháng – khoảng 23 triệu đồng).

Trong ngành phi sản xuất, lương bình quân của nhân viên Việt Nam cao hơn ngành sản xuất, ở mức 7.619 USD/năm tương đương 635 USD/tháng (khoảng 13,2 triệu đồng).

Mức lương của nhân viên còn đứng thứ 8 trong số 11 quốc gia được khảo sát, còn lương quản lý chỉ đứng thứ 10 với 15.933 USD/năm (hơn 27 triệu đồng/ tháng).

So sánh với năm 2010 thì lương của công nhân/ nhân viên tăng mạnh hơn các cấp quản lý. Cụ thể, mức lương của công nhân ngành sản xuất tăng 63,6% trong khi cấp quản lý chỉ tăng 30,9%. Lương của nhân viên ngành phi sản xuất tăng 34,2% trong khi cấp quản lý chỉ tăng 5,1%.

Khi xem xét đánh giá cơ hội đầu tư tại Việt Nam, "chi phí nhân công tăng vọt" điều e ngại lớn thứ 2 của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, khi so sánh về số tuyệt đối với các nước khác và có kết quả như trên, các DN Nhật Bản cho rằng "chi phí nhân công" lại vẫn là điểm cộng cho Việt Nam. 

Theo Hải Minh

duchai

Cùng chuyên mục
XEM