Bán sữa, bánh kẹo... phải khám sức khỏe
Những cá nhân bán rượu, bánh, kẹo, mứt... cũng sẽ phải kiểm tra y tế, học để được cấp “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”.
Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo thông tư quy định về những điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, những cá nhân bán rượu, bánh, kẹo, mứt... cũng sẽ phải kiểm tra y tế, học để được cấp “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”.
Quy định này buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (gồm cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình và cơ sở không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...) ngoài việc tuân thủ các quy định tại thông tư của Bộ Y tế còn phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực.
Giấy này sẽ do Bộ Công Thương hoặc sở công thương, các cơ quan được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện. Đặc biệt, chủ cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chính mình và người trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh, theo định kỳ ít nhất một lần một năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên.
Phải ký cam kết
Trả lời Tuổi Trẻ về căn cứ soạn thảo, ban hành thông tư trên, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư - cho biết, Luật An toàn thực phẩm đã ghi rõ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và hát triển nông thôn phải ban hành quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực mình quản lý. Vì vậy, Bộ Công Thương cần ban hành thông tư kể trên.
|
Nếu dự thảo thông tư được ban hành, người bán bánh kẹo phải khám sức khỏe (ảnh chụp tại chợ Bến Thành, TP HCM). |
Theo ông Cường, ngoài các nhà máy, cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh đã được quản lý, vẫn còn khoảng 10% các sản phẩm do những hộ không có đăng ký kinh doanh sản xuất, buôn bán nên cần có quy định quản lý.
Ông Nguyễn Phú Cường khẳng định, những đối tượng như cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh các mặt hàng như sữa đậu nành, rượu... sẽ phải tuân theo thông tư của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó theo quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch 13/2014, lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý an toàn thực phẩm khá rộng: Từ sản xuất đến kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa, sữa lên men, dầu thực vật và cả các sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột (như bánh đa, phở, bún, miến), nước ép rau quả, bánh, mứt, kẹo...
Dự thảo thông tư của Bộ Công Thương nêu rõ, nguyên tắc quản lý là các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ sẽ chỉ phải ký cam kết (việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ trên cơ sở cam kết).
Tuy nhiên để được ký cam kết, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải có “bộ hồ sơ đăng ký cam kết sản xuất/kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn”, gồm bốn giấy: bản cam kết, bản tự đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (có mẫu); bản sao có chứng thực “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm” và giấy khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh.
Các loại giấy trên, theo dự thảo thông tư, sẽ phải nộp theo định kỳ ít nhất một lần một năm và do các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên cấp.
Theo ông Cường, Bộ Công Thương quy định các điều kiện như trên để hướng dẫn chung, tránh mỗi địa phương đưa ra một quy định khác nhau. Còn trên thực tế, Luật An toàn thực phẩm đã quy định cơ quan thực hiện cơ bản là chính quyền địa phương, UBND các cấp.
|
Nếu Dự thảo thông tư của Bộ Công Thương được thông qua, người muốn bán sữa đậu nành sẽ phải khám sức khỏe. Trong ảnh: Một điểm bán sữa đậu nành tại chợ đêm Đà Lạt. |
Nên rõ ràng, công khai
Chị Ngô Thị Phương - người làm bún ở Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - cho biết, chưa nghe thông tư của Bộ Công Thương, nhất là quy định sẽ phải làm cả bộ hồ sơ để gửi đến chính quyền địa phương, từ đó ký cam kết. Tuy nhiên, chị cho biết, băn khoăn về “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm” của Bộ Công Thương liệu có khác gì yêu cầu của Bộ Y tế.
Chị mong quy định về học, thi, điều kiện thế nào để được cấp giấy xác nhận kiến thức sẽ rõ ràng, dán công khai cho dân biết, tránh mất thời gian mà kiến thức được xác nhận thật ra nhờ... “mua là chính”.
Đánh giá về tính khả thi cũng như hiệu quả của thông tư, một chuyên gia nguyên lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ là rất cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều yêu cầu theo dự thảo thông tư là khó khả thi, như nước thải không ô nhiễm, địa điểm kinh doanh không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại. Nhiều biện pháp quản lý đề ra nhưng cũng khó hiệu quả, dễ đối phó.
Ngoài ra, nhân lực đi kiểm tra đã khó, cán bộ địa phương có đủ trình độ để đánh giá an toàn thực phẩm hay không còn khó hơn... Tóm lại, theo vị chuyên gia, quy định “chưa thể đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng” và muốn hiệu quả nên tạo cơ chế để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội.
Xin ý kiến rộng rãi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phú Cường cho hay, quy định dừng lại ở chỗ yêu cầu người dân nắm được kiến thức an toàn thực phẩm, ký cam kết thực hiện các quy định. Dự báo khi thông tư ban hành có thể tác động tới rất nhiều hộ sản xuất kinh doanh, nên Bộ Công Thương đã đưa dự thảo lên mạng, xin ý kiến rộng rãi người dân, cơ quan chức năng trước khi ký ban hành.
Cũng theo ông Cường, nhiều sản phẩm các nhà máy đã sản xuất được, sản phẩm nhỏ lẻ cơ bản không còn được tiêu thụ (ví dụ bia, dầu thực vật... - PV). Tuy nhiên, còn nhiều mặt hàng người dân vẫn mua của cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, như sữa đậu nành, rượu. Vì vậy cần có quy định để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.