'Ông lớn' bán lẻ thời trang Nhật Bản mở studio sửa quần áo, bán cả 'đồ si', riêng tại Việt Nam đã tặng 27.000 sản phẩm đến người dân 11 tỉnh thành

01/07/2024 16:48 PM | Kinh doanh

Những nỗ lực của công ty này đều nhằm chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng tăng trưởng bền vững.

'Ông lớn' bán lẻ thời trang Nhật Bản mở studio sửa quần áo, bán cả 'đồ si', riêng tại Việt Nam đã tặng 27.000 sản phẩm đến người dân 11 tỉnh thành- Ảnh 1.

Fast Retailing - công ty mẹ của thương hiệu thời trang Nhật Bản UNIQLO mới đây công bố cập nhật kết quả phát triển bền vững chung của Tập đoàn, cũng như riêng tại Việt Nam. Những mục tiêu và sáng kiến được đặt ra tập trung vào cải tiến sản phẩm, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế, giảm lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hỗ trợ cộng đồng.

Mở studio sửa quần áo, bán cả "đồ si"

Đối với các sáng kiến về phát triển sản phẩm, trong năm 2023, tỷ lệ sử dụng vật liệu có lượng phát thải khí nhà kính thấp của Fast Retailing, ví dụ như vật liệu tái chế, đã tăng lên 8.5%. Trong đó, tính riêng dòng sản phẩm chứa polyester, tỷ lệ sản phẩm sử dụng chất liệu polyester tái chế chiếm 30%. Tập đoàn đặt mục tiêu đạt 50% vào năm tài chính 2030.

Hồi năm 2022, UNIQLO đã ra mắt dự án RE.UNIQLO Studio tại London (Anh), cung cấp dịch vụ sửa chữa và tái chế quần áo nhằm kéo dài và tạo ra cuộc đời mới cho trang phục. Tính đến tháng 9/2023, RE.UNIQLO đã có mặt tại 25 cửa hàng và 16 thị trường trên khắp thế giới.

Tới năm 2023, ý tưởng bán các trang phục đã qua sử dụng được triển khai thử nghiệm như một phần của dự án RE.UNIQLO. Cụ thể, một cửa hàng pop-up bày bán các trang phục đã qua sử dụng được mở tại cửa hàng UNIQLO Harajuku (Tokyo, Nhật Bản) từ ngày 11 - 22/10/2023. Sau đó, hoạt động thử nghiệm này tiếp tục được triển khai tại một số cửa hàng khác ở Nhật Bản.

Tại khối cửa hàng và văn phòng, Fast Retailing đặt mục tiêu đến cuối năm tài chính 2030 giảm được lượng phát thải khí nhà kính xuống 90%. Tính đến năm tài chính 2023, tỷ lệ giảm đã đạt 69,4%. Ngoài ra, Tập đoàn còn muốn chuyển sang sử dụng 100% nguồn điện tái tạo tại toàn bộ cửa hàng và văn phòng trên toàn thế giới vào cuối năm tài chính 2030. Tính đến năm 2022, tỷ lệ này đã đạt 42,4%.

Cùng với việc mở rộng sản xuất tại châu Á, tỷ lệ sản phẩm được sản xuất tại thị trường Đông Nam Á cũng đang tăng lên. Tại các cửa hàng UNIQLO ở Việt Nam, tỷ lệ sản phẩm Made in Vietnam đang chiếm khoảng 60% và được cam kết sẽ gia tăng trong thời gian tới.

'Ông lớn' bán lẻ thời trang Nhật Bản mở studio sửa quần áo, bán cả 'đồ si', riêng tại Việt Nam đã tặng 27.000 sản phẩm đến người dân 11 tỉnh thành- Ảnh 2.

Tạo việc làm cho 240.000 lao động Việt Nam, tuyển dụng cả nhân viên là người khuyết tật

Tại Việt Nam, sau hơn 20 năm hợp tác cùng các nhà máy địa phương, thương hiệu UNIQLO đã cung cấp các sản phẩm Made in Vietnam tại 23 cửa hàng trong nước và phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trên mạng lưới toàn cầu.

"Nỗ lực này thể hiện cam kết đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, đồng thời gián tiếp tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 240.000 lao động địa phương. Việc thúc đẩy sản xuất trong nước cũng giúp UNIQLO Việt Nam đảm bảo nguồn cung hàng hóa nội địa và giảm thiểu các tác động lên môi trường", UNIQLO lý giải.

Đối với RE.UNIQLO, dự án này được triển khai lần đầu tại Việt Nam vào năm 2021, hợp tác cùng Quỹ Hy Vọng để thu gom các trang phục đã qua sử dụng và quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tới nay, hơn 27.000 sản phẩm đã được trao gửi đến người dân tại 11 tỉnh thành trên cả nước.

'Ông lớn' bán lẻ thời trang Nhật Bản mở studio sửa quần áo, bán cả 'đồ si', riêng tại Việt Nam đã tặng 27.000 sản phẩm đến người dân 11 tỉnh thành- Ảnh 3.

Về mục tiêu phát triển nhân tài, chương trình tuyển dụng vị trí quản lý của UNIQLO được khởi động từ năm 2019, đã chọn ra 145 bạn trẻ tiềm năng để đào tạo chuyên sâu, từng bước hướng dẫn và phát triển 38 cửa hàng trưởng, 2 quản lý khu vực cùng nhiều nhân sự then chốt cho công ty. Hiện tại, số lượng nhân viên cấp quản lý là người Việt tại các cửa hàng UNIQLO chiếm tỷ lệ hơn 70%.

UNIQLO cũng triển khai mục tiêu tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng tại Việt Nam. Chương trình Tuyển dụng nhân viên Người khuyết tật được triển khai từ năm 2022, hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật. Trong 91 đơn ứng tuyển từ khi triển khai đến nay, đã có 15 nhân sự trúng tuyển và 8 nhân sự vẫn đang làm việc tại UNIQLO.

Thông qua chương trình, thương hiệu Nhật Bản này hướng đến việc tuyển dụng ít nhất 1 người khuyết tật làm việc tại mỗi cửa hàng nhằm tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, bình đẳng hơn.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM