Những thất bại công nghệ thê thảm nhất năm 2016
Samsung Galaxy Note 7 phát nổ, iPhone 7 thiếu jack tai nghe, Yahoo dính 2 cuộc tấn công lịch sử… chắc chắn là những câu chuyện “cay đắng” nhất làng công nghệ năm nay.
Samsung Galaxy Note 7 phát nổ và bị thu hồi
Không chỉ thu hồi 1 mà tới 2 lần, đó là lúc bạn biết sản phẩm của bạn tồi tệ đến đâu. Galaxy Note 7 khi ra đời những tưởng sẽ củng cố hơn nữa vị trí của Samsung trên thị trường smartphone nhưng cuối cùng, nó trở thành quả bom nhấn chìm mọi công sức của hãng điện tử Hàn Quốc. Không chỉ bị tổn hại hàng tỷ USD vì cuộc thu hồi lịch sử, Samsung còn bị thiệt hại không nhỏ đến danh tiếng gây dựng bấy lâu nay.
1 tỷ người dùng Yahoo bị xâm phạm dữ liệu
Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2016, Yahoo đã hai lần thông báo là nạn nhân của các hacker. Lần đầu 500 triệu người dùng bị ảnh hưởng, lần thứ hai còn có quy mô gấp đôi, hơn 1 tỷ người dùng bị đánh cắp dữ liệu cá nhân như tên, ngày sinh, câu hỏi bảo mật. Mức độ của lần hai cũng nghiêm trọng hơn khi có tới 150.000 tài khoản thuộc nhân viên chính phủ. Yahoo đã phải yêu cầu tất cả người dùng bị ảnh hưởng đổi mật khẩu ngay lập tức. Vụ việc khiến thương vụ bán mình cho Verizon của Yahoo có nguy cơ sụp đổ.
iPhone, MacBook thiếu hàng loạt cổng kết nối
Nếu mua iPhone 7 hay MacBook Pro 2016, chắc chắn phụ kiện “hot” nhất và phải có không phải vỏ bảo vệ mà chính là bộ chuyển đổi. iPhone 7 không có jack tai nghe, trong khi MacBook Pro 2016 lại thiếu khe cắm thẻ nhớ. Do đó, khi dùng phụ kiện như tai nghe 3.5mm hay dây nối cũ, bạn buộc phải có bộ chuyển đổi đi kèm. Động thái chứng minh Apple quyết đi ngược lại với công chúng tới cùng.
Vine bị Twitter khai tử
Vine, dịch vụ chia sẻ video dài 6 giây của Twitter, chuẩn bị biến mất. Công ty xác nhận sẽ sa thải 300 nhân sự và không hỗ trợ dịch vụ nữa. Dù Vine được hàng triệu người ưa thích, Twitter vẫn không có phương án bán nó bất chấp có một số người mua tiềm năng.
Tin xuyên tạc trên Facebook
Facebook và CEO Mark Zuckerberg đã phải vạch ra kế hoạch ngăn chặn tin xuyên tạc lan tràn trên nền tảng này sau khi hứng chịu chỉ trích làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ.
Theo giới truyền thông, tin tức giả mạo thậm chí còn được chia sẻ nhiều hơn tin tức chính thống từ các hãng thông tấn uy tín, chẳng hạn, bài viết có nội dung Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump làm Tổng thống.
Không chỉ có vậy, trong năm nay, Facebook cũng bị tố kiểm duyệt nội dung sau khi gỡ bức ảnh “Em bé Napalm” vì nhầm với ảnh khiêu dâm trẻ em. Mạng xã hội đã phải xin lỗi vì điều này.
BlackBerry ngừng sản xuất smartphone
BlackBerry không còn tự thiết kế, phát triển và sản xuất smartphone nữa. Thay vào đó, gã khổng lồ smartphone một thời sẽ outsource toàn bộ các khâu cho đối tác bên ngoài để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang công ty phần mềm.
Mới đây, BlackBerry thông báo trao quyền bán thiết bị mang nhãn hiệu của hãng trên nhiều nước cho TCL của Trung Quốc. Quyết định này khiến không ít người hâm mộ hãng điện thoại Canada hụt hẫng.