Nhiều người Việt đang uống phụ gia, hóa chất mà cứ tưởng mình đang uống cà phê
Dòng cà phê thị hiếu của người Việt đang là loại cà phê pha trộn với đậu tương, caramen…, thậm chí là toàn hóa chất dễ gây hủy hoại cơ thể con người. Nhiều chuyên gia nhận định, với cách uống này, đường đi từ quán cà phê đến nấm mồ không xa.
“Người dùng cà phê Việt Nam đang uống nhiều chất độn hơn chất cà phê. Tại sao từ ly cà phê đến nấm mồ nhanh? Là vì uống cà phê giờ không phải từ cà phê mà uống từ hóa chất hoặc từ nông sản rang cháy”, ông Nguyễn Văn An – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam từng chia sẻ.
Cuộc khảo sát mới nhất của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho kết quả khiến người uống cà phê bệt có thể giật mình:
Một nửa số mẫu cà phê được mua ngẫu nhiên từ các hàng cà phê bệt, cà phê lề phố, xe đẩy có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí có mẫu hoàn toàn không có caffeine.
Nhiều người Việt đang uống phụ gia, hóa chất mà cứ tưởng mình đang uống cà phê
Cụ thể, trong cuộc khảo sát đã được tiến hành mới đây ở bốn tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. 253 mẫu cà phê được lấy ngẫu nhiên từ nhiều địa điểm và loại hình kinh doanh cà phê khác nhau: từ tiệm lịch sự, căn tin bệnh viện cho đến cà phê cóc, cà phê bệt, vỉa hè, xe đẩy.
Kết quả cho thấy có 1/3 số mẫu cà phê (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine dưới 1g/1 lít. Đặc biệt trong đó có 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine, và điều đáng nói là các mẫu này đều được tìm thấy từ những điểm bán cà phê bệt, cà phê cóc trên lề phố.
Cụ thể hơn, trong 176 mẫu cà phê từ các quán nhỏ, quán cóc thì có 3 mẫu không chứa caffeine, 46 mẫu có hàm lượng caffeine cực thấp dưới 1g/L. Trong 61 mẫu cà phê từ căn tin bệnh viện, vỉa hè xe đẩy có 2 mẫu không chứa caffeine và 27 mẫu có hàm lượng dưới mức tối thiểu.
Nếu làm một phép tính nhẩm thì có thể thấy gần một nửa số mẫu cà phê (47,54%) từ các quán nhỏ, quán cóc, vỉa hè, xe đẩy có chất lượng kém, không phải là cà phê.