Thăng trầm chuyện của các “nữ tướng” ngân hàng

08/03/2015 18:10 PM |

Ngày càng có nhiều bóng hồng bước vào lĩnh vực ngân hàng và gắn bó sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này. Thăng trầm trong nghề đã khẳng định vị thế của những nữ tướng quyền lực nhưng cũng đã nhấn chìm nhiều người…

Càng khủng hoảng càng nổi

Bà Nguyễn Thị Nga đến với lĩnh vực tài chính từ năm 2000 với vai trò là cổ đông của Techcombank. Đến năm 2002, bà được bầu là Phó chủ tịch HĐQT Techcombank và năm 2005 được bầu là chủ tịch HĐQT. Nhưng đến năm 2007, bà Nga đã quyết định rời Techcombank và trở thành Chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeABank.

Sau 8 năm dưới sự điều hành của bà Nga, SeABank ngày càng lớn mạnh và khẳng định vị thế hàng đầu của ngân hàng bán lẻ. Hiện SeABank có tài sản 3,6 tỷ USD với nhà đầu tư chiến lược là ngân hàng Pháp Societe Generale có 20% cổ phần.

Không chỉ ngân hàng, bà Nga còn thành lập tập đoàn BRG chuyên đầu tư bất động sản, sân golf, khách sạn…

Nhiều dự án của công ty bà như  sân golf Island Golf Resort Kings, Đồ Sơn Seaside Golf Resort, Đồng Mô, Sóc Sơn, mua lại khách sạn Hilton Wordwide, khách sạn Sông Nhuệ. Năm 2013 những doanh nghiệp đó đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 triệu USD.

Nổi lên sau những thương vụ M&A (sáp nhập DaiABank vào HDBank, mua đứt công ty tài chính SGVF), HDBank cũng nổi lên vị thế mới từ đó. Những bước thành công đó đều có dấu ấn của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.

 Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Thảo là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matxcơva, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế Quốc dân Matcơva, Ủy viên sáng lập Viện hàn lâm nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga.

Bà Thảo đã có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài chính – ngân hàng. Bà đã tham gia điều hành một số ngân hàng ở nước ngoài, sáng lập và quản trị một số ngân hàng tại Việt Nam từ khi còn rất trẻ như Techcombank, VIB.

Với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, bà Thảo đã thực hiện nhiều đổi mới, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của HDBank. Bên cạnh việc kinh doanh hiệu quả, bà cũng tham gia tích cực trong các tổ chức giáo dục đào tạo, xã hội, từ thiện… với mục đích gắn kết cộng đồng.

Ngoài vai trò tại HDBank, hiện bà Thảo cũng tham gia quản trị nhiều công ty lớn khác tại Việt Nam và nước ngoài như Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, VietjetAir, Công ty Chứng khoán Phú Gia, Công ty Địa Ốc Phú Long, Công ty Sovico Ltd. (Liên bang Nga)…

Nhắc đến bóng hồng quyền lực trong lĩnh vực ngân hàng không thể không nhắc đến bà Thái Hương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á.

Bà Thái Hương

Mặc dù nổi đình đám nhưng thông tin về bóng hồng này khá ít trên thị trường. Hiện bà Hương còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk), Phó Chủ tịch CTCP Xây dựng và dịch vụ Thương mại Vạn Niên, Ủy viên HĐQT CTCP Du lịch TH, Ủy viên HĐQT Công nghiệp và và Thương mại Thiên Sơn.

Đại diện cho lớp người mới, bà Nguyễn Thanh Phượng, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank), ghi dấu ấn cho sự đổi mới của ngân hàng này sau khi thay thế người tiền nhiệm là ông Đỗ Duy Hưng.

Bà Nguyễn Thanh Phượng 
Bà Nguyễn Thanh Phượng

Bà Phượng cũng là cổ đông cá nhân nắm tỷ lệ cổ phần lớn nhất tại Ngân hàng Bản Việt với 4,9%. Ngân hàng này hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Bà Phượng sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Geneva. Bà từng là Phó giám đốc tài chính của Holcim Vietnam, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Thụy Sỹ; từng là Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Thụy Sỹ Vietnam Holding, niêm yết tại thị trường chứng khoán London.

Bà Phượng còn là thành viên sáng lập của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (VCAM) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Bà hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của VCAM và VCSC kể từ thời điểm thành lập năm 2007. Ngoài ra, bà Phượng còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty bất động sản Bản Việt.

Tuy nhiên, với lý do nghỉ thai sản, bà Phượng đã từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT VietcapitalBank và chỉ giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2010 - 2014.

Nổi lên từ thương vụ mua lại Navibank (cũ), nay đổi tên là Ngân hàng Quốc dân (NCB), của ông gia đình ông Đặng Thành Tâm, bà Trần Hải Anh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc NCB từ tháng 2/2014. Trước đó, bà là Chánh văn phòng HĐQT kiêm Trưởng văn phòng Hội sở miền Bắc.

Bà Nguyễn Thanh Phượng 
Bà Trần Hải Anh

Trước khi về NCB vào năm 2013, bà Hải Anh đã có chục năm công tác tại Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) với cương vị cao nhất là Phó chủ tịch HĐQT.

Bà Trần Hải Anh là vợ của doanh nhân nổ tiếng trong lĩnh vực kinh doanh ô tô có trụ sở tại Hà Nội - “được đồn đoán” là cổ đông lớn của NCB.

NCB đang thay đổi sau khi thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và diện mạo mới đang hình thành dưới sự điều hành của bà Hải Anh.

Những bóng hồng "lặng sóng"

Ngược với xu hướng đó là sự lặng lẽ ra đi của những bóng hồng từng là CEO của những ngân hàng có thương hiệu và được giới tài chính nể trọng. Hầu hết các cựu CEO nữ này đều có bằng cấp, trình độ rất cao, có kinh nghiệm và nhiều người được các chuyên gia tài chính trong ngoài nước đánh giá cao.

Bà Đàm Bích Thủy đến với ngành ngân hàng một cách ngẫu nhiên. Sau khi tốt nghiệp Wharton Business School (Mỹ), bà Thủy đã đầu quân cho ANZ tại Singapore và gắn bó hơn 10 năm.

Bà Đàm Bích Thủy

Khi ANZ có mặt ở Việt Nam với tư cách là một chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ với 100 người và không có nhiều tiếng tăm so với các “ông lớn” như HSBC và Citibank. Thế nhưng, chỉ sau vài năm, ANZ đã vươn lên trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu với số lượng nhân viên tới 1.300 người và bà Thủy trở thành Tổng giám đốc của ANZ khu vực Đông Dương – nữ lãnh đạo người Việt có vị trí cao nhất trong các doanh nghiệp xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Và bất ngờ vào một ngày đầu năm 2013, bà Thủy lại xuất hiện ở VIB với tư cách là Tổng giám đốc. Nhưng chỉ ngồi ghế nóng được 4 tháng, bà Thủy đã chia tay VIB và đến nay, những thông tin về bà gần như không còn trên thị trường.

Nốt trầm lớn nhất trong sự nghiệp đầy tâm huyết suốt 17 năm trong ngành ngân hàng của bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng giám đốc Habubank (nay đã sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội), đó là trở thành chuyên viên đi đòi nợ của SHB.

Bà Bùi Thị Mai

Bà Bùi Thị Mai là tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1984. Từ năm 1995, bà Mai chính thức rời Viện Khoa học Việt Nam, chuyển sang công tác trong ngành ngân hàng.

Với kinh nghiệm 5 năm làm kế toán trưởng trước đó, bà Mai khởi đầu ở vị trí Kế toán trưởng tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank). Năm 1999, sau 4 năm công tác tại Habubank, bà Mai chính thức được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc. Trước ngày 15/09/2012, bà lần lượt nắm giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT (từ tháng 03/2008), Tổng Giám đốc (từ năm 2002) tại HaBubank.

Với sai lầm vì đang tập trung quá nhiều vốn cho Vinashin cộng với kinh tế khó khăn, Habubank buộc phải sát nhập với SHB. Cũng từ đó, bà Mai từ vị trí Tổng giám đốc ở Habubank trở thành chuyên viên đòi nợ của SHB.

Bà Trần Thanh Hoa giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) từ cuối năm 2011 và rời ghế nóng chỉ sau nửa năm. Trước khi ngồi ghế nóng, bà Hoa là Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng và quản lý rủi ro.

Bà Trần Thanh Hoa

Giờ đây, trong giới tài chính, nhiều người thậm chí không còn nhớ tên một CEO nữ từng điều hành ABBank trong một giai đoạn đầy biến động là bà Trần Thanh Hoa.

Đến giờ, ngay cả nhân viên của ngân hàng này cũng không biết bà Thanh Hoa sau khi nghỉ ở ABBank giờ làm ở đâu.

>> Sẽ thêm nhiều ngân hàng được mua với giá 0 đồng?

Theo TRẦN GIANG

Cùng chuyên mục
XEM