Nữ tướng Traphaco: Tôi còn 'chín' hơn nam giới

20/10/2014 11:17 AM | Nhân vật

Phụ nữ cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn với con cái, thời gian ít hơn, nhưng bù lại chúng tôi không mất thời gian bia bọt như các ông (cười). Nói về quỹ thời gian thì chúng tôi quản lý quỹ thời gian hiệu quả hơn nam giới.

“Chúng tôi và nam giới ở tuổi này không khác nhau lắm, thậm chí sức dẻo dai còn khá hơn, chín hơn, tính nhẫn nại trước những stress của thị trường có vẻ còn tốt hơn”, bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT của công ty giữ vị trí số 1 về Đông dược tại Việt Nam – tâm sự.

Ba mươi mấy năm làm việc tại CTCP Traphaco, bà Vũ Thị Thuận đã đưa Traphaco từ một đơn vị doanh thu chỉ vẻn vẹn có 50 tỷ đồng trở thành một công ty doanh thu gần 1.700 tỷ đồng, từ một công ty không tên tuổi trở thành công ty hàng đầu trong ngành dược, đi đầu trong việc hiện đại hóa y dược học cổ truyền.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi đã có buổi trao đổi với bà về ưu thế của một nữ doanh nhân trong thời đại mới, cũng như những thành tựu và kế hoạch sắp tới của Traphaco.

- Chào bà, được biết mới đây, bà được trao giải thưởng Nhà công thương xuất sắc 2014. Ý nghĩa của giải thưởng này với bà thế nào? Vị trí, vai trò của bà ở Traphaco ra sao?

Tôi về Traphaco từ năm 1980. Cho đến bây giờ, khi 60 tuổi, hơn ba mươi mấy năm tôi hoàn toàn cống hiến cho Traphaco. Ở cả 3 cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Bí thư Đảng bộ công ty, cũng tạo điều kiện cho mình trưởng thành và cống hiến hết mình.

Trong chặng đường 42 năm phát triển, trước khi cổ phần hóa, không ai biết đến Traphaco, mà chỉ biết nó như một đơn vị nhỏ của ngành giao thông vận tải với nhiệm vụ được giao của Nhà nước chứ không hoàn toàn chủ động, sáng tạo như khi chúng tôi trở thành công ty cổ phần. Từ  một công ty không tên tuổi trở thành một công ty số 1 ngành dược. Và từ 1 công ty có doanh thu vô cùng thấp - 50 tỷ đồng, năm vừa qua chúng tôi đã đạt doanh thu gần 1.700 tỷ đồng.

Quan trọng hơn là chiến lược sản phẩm. Chúng tôi đã định hướng chiến lược hiện đại hóa y dược cổ truyền. Có lẽ đấy là dấu ấn trong ngành khi chúng tôi là người tiên phong. Traphaco hiện nay đứng số 1 về hiện đại hóa y dược cổ truyền và là doanh nghiệp dẫn hướng cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ.

Hiện giờ, tôi với vị trí quản trị chiến lược cũng đóng góp và cống hiến cho định hướng chiến lược của công ty. Chương trình “Vì sự nghiệp ích quốc lợi dân” và giải thưởng “Nhà công thương Việt Nam xuất sắc” được tổ chức nhân dịp ngày kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, nhằm vinh danh những doanh nghiệp có những lãnh đạo có sự đóng góp với cộng đồng. 

- Trong kỳ ĐHCĐ vừa qua, bà có nói dù chưa đặt ra một mục tiêu cụ thể nhưng Traphaco vẫn giữ vững quan điểm M&A (mua bán – sáp nhập) các công ty cùng ngành. Xin bà cho biết rõ hơn câu chuyện M&A của Traphaco.

M&A là một động thái giữ gìn cho sự phát triển. Chúng tôi mua lại các công ty thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về ngành dược.

Khi Nhà nước thoái vốn, các công ty này thường bị bán đấu giá, đương nhiên công ty trúng có thể là công ty dược hoặc một công ty nào đó. Rõ ràng, nếu một công ty không hoạt động trong ngành dược, họ có thể đưa công ty đó hoạt động sang một lĩnh vực khác hợp với sở trường của họ hơn. Ngành dược ở đó sẽ bị thu hẹp một phần. Traphaco muốn M&A với mục tiêu góp phần duy trì ngành dược tại các địa phương.

Đối với Traphaco, chúng tôi thực hiện M&A trong ngành nhằm mục đích mở rộng thị trường và kênh phân phối ở các thị thành, không chỉ về chiều rộng mà còn chiều sâu. Ngành dược thời bao cấp để lại cho các công ty dược tỉnh là các hệ thống gồm các cửa hàng, cửa hiệu ở các thị trấn, thị xã, ở các thành phố. Các công ty dược tỉnh có hệ thống các điểm bán (pharmacy), nhưng bản thân họ ở đó cũng không phát triển được, do đó các cổ đông thoái vốn, đặc biệt là Nhà nước. Chúng tôi tham gia M&A để có thể mua được thương quyền tại các địa phương đó.

Ví như chúng tôi mua CTCP Dược - Vật tư y tế Đăk Lăk, rõ ràng với 400 điểm bán hàng của Đăk Lăk, Traphaco đã sở hữu 62%, và sản phẩm Traphaco sẽ phát triển hơn ở thị trường này.

Thực sự là các công ty chúng tôi M&A trong thời gian vừa qua đều có doanh số tăng hơn, đặc biệt là tiền lương của người lao động cũng được cao hơn, đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

- Từ sau cổ phần hóa, Traphaco đã có bước phát triển vượt bậc. Theo bà, đâu là yếu tố mang lại thành công cho Traphaco ngày hôm nay?

Thứ nhất, Traphaco đã xác định giá trị cho mình. Trong khi sức mua giảm, thị trường khó khăn, người ta có xu hướng tìm đến những thương hiệu có tiếng.

Thứ hai là nguồn nhân lực ở Traphaco có giá trị chất lượng và luôn được sử dụng đúng, được bồi dưỡng. Chi phí cho nguồn nhân lực chúng tôi coi như chi phí đầu tư. Đây không những chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của sự phát triển.

Điều thứ nữa là mối quan hệ, văn hóa doanh nghiệp, ứng xử trong nội bộ cũng như ứng xử của Traphaco với các đối tác và những trách nhiệm đối với xã hội.

Ngay cả những lúc khó khăn, Traphaco được chia sẻ rất nhiều, nhất là người lao động. Những năm lạm phát cao họ cũng không đòi hỏi tăng lương. Tất nhiên Traphaco vẫn tăng lương, tuy không bằng trước khi lạm phát nhưng họ vẫn vui vẻ chia sẻ với lãnh đạo. Những lúc khó khăn, khách hàng cũng chia sẻ hoặc ghi nhận chất lượng của Traphaco, cùng Traphaco giữ bình ổn giá.

Cổ đông cũng vậy, lúc cần vốn thì họ hỗ trợ và cổ vũ những chiến lược đúng đắn của Traphaco. Với những phát triển bền vững, phát triển vùng trồng, có thể nói họ sẵn sàng đồng ý trong đại hội đồng cổ đông mặc cho mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

Người lao động là người chia sẻ trong kết quả kinh doanh. Đối tác thì chia sẻ trong lúc khó khăn. Những người cung ứng vật tư cũng chia sẻ với công ty. Khi tăng giá – họ chỉ áp phí đầu vào. Ví dụ như nhà in chẳng hạn, họ mua giấy rất đắt, bị tăng giá, nhưng họ nói với tôi rằng ''chị yên tâm, khi nào em dùng hết nguyên liệu trong kho với giá cũ thì em mới điều chỉnh giá mới''. Chứ về nguyên tắc họ được điều chỉnh giá. Đầu vào ổn định đã giúp Traphaco ổn định đầu ra và tốc độ tăng trưởng.

- Theo bà, một nữ doanh nhân đứng đầu một doanh nghiệp có những thuận lợi và khó khăn gì so với nam giới ở cùng cương vị?

Doanh nhân từ trước tới giờ luôn khó khăn. Người ta nói “Thành công không thể đo bằng kết quả của thành công mà đo bằng những khó khăn mà người doanh nhân vượt qua”. Thương trường là chiến trường. Khó khăn luôn đặt ra trước mắt. Và trong khó khăn luôn có cơ hội, nó lại thử thách để doanh nhân trưởng thành hơn.

Còn phụ nữ so với nam giới, tôi nghĩ gánh nặng đó là vấn đề cân não. Gánh nặng lên vai một nữ doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp không thế đo bằng việc gánh bao nhiêu kilogram. Theo tôi, giữa phụ nữ và nam giới không có sự khác nhau nhiều lắm, có chăng là sức khỏe và tuổi tác. Tất nhiên nữ giới ở độ tuổi sinh đẻ còn hạn chế nhiều. Vì thế, tôi rất thán phục những doanh nhân đang rất trẻ mà thành công.

Còn tôi già rồi (cười). Giữa chúng tôi và nam giới ở tuổi này không khác nhau gì lắm, thậm chí sức dẻo dai còn khá hơn, chín hơn, tính nhẫn nại trước những stress của thị trường có vẻ còn tốt hơn. Còn ưu thế của người phụ nữ thì khá nhiều: cần cù, chịu khó, tháo vát, thu vén, chưa kể nữ doanh nhân mềm mại hơn, dịu dàng hơn và nhẫn nại hơn trong những đàm phán, trong những biến cố của thực tế thương trường. Người ta ví người phụ nữ như nước - mềm mại, dịu dàng và vẫn có sức mạnh còn hơn cả lửa.

Về yếu thế, phổ biến hiện nay là người phụ nữ hay tự ti, bị ràng buộc bởi những quy định rơi rớt của phong kiến nên chưa mạnh dạn. Phụ nữ cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn với con cái, thời gian ít hơn, nhưng bù lại chúng tôi không mất thời gian bia bọt như các ông (cười). Nói về quỹ thời gian thì chúng tôi quản lý quỹ thời gian hiệu quả hơn nam giới.

Còn công việc gia đình - đấy là thiên chức của người phụ nữ. Qua tuổi làm mẹ đến tuổi làm bà, đấy là một hạnh phúc, một nhu cầu cần thiết của người phụ nữ, nên mình phải cố gắng sắp xếp.

- Xin chân thành cảm ơn bà!

Thanh Thủy (ghi)

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM