TGĐ DongA Bank: "Ai làm ngân hàng cũng bạc tóc!"

11/06/2015 09:18 AM |

Hơn 30 năm gắn bó với lĩnh vực "kinh doanh tiền" đầy rủi ro và bất trắc, ở tuổi ngoài 60, mái tóc bạc trắng nhưng Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình vẫn còn nhiều trăn trở với DongA Bank, nhất là những năm qua, ngành ngân hàng (NH) gặp nhiều khó khăn, và DongA Bank cũng không ngoại lệ.

Tuy lớn tuổi nhưng trí tuệ, tính quyết đoán của ông vẫn còn rất hữu dụng và khả năng đóng góp cho DongA Bank chính là kinh nghiệm, là ngọn cờ hiệu triệu dựa trên uy tín, các mối quan hệ đã được xây dựng từ hàng chục năm qua. Thế hệ trẻ bây giờ có nhiều lợi thế, nhưng họ chưa từng trải nên không có kinh nghiệm thực tế và không thể có những suy nghĩ chi tiết trong công việc.

Đơn cử khi DongA Bank đưa ra dịch vụ ngân hàng tự động (Auto Banking), ai nấy đều tự hào về các ưu điểm của dịch vụ, riêng ông vẫn băn khoăn về nhiều chi tiết nhỏ mà không ai nghĩ đến như khách hàng sẽ cần gì, muốn làm gì sau khi bước vào buồng dịch vụ Auto Banking. Chỉ cần nghĩ được, hiểu được điều nhỏ nhặt đó và tiếp tục hoàn thiện là DongA Bank đã tạo ra lợi thế khác biệt.

Nhiều người làm trong lĩnh vực NH cho rằng,"nghề buôn tiền" áp lực rất lớn, rủi ro lại nhiều, bản thân ông cũng từng đối mặt với thất bại và nhiều lúc cũng đau đầu, vậy sao đến giờ ông vẫn còn nặng lòng công việc. Nếu cho chọn lại, ông có tiếp tục chọn kinh doanh lĩnh vực NH?

- Phải nói rằng khi bước chân vào lĩnh vực NH thì đó là nghiệp chứ không phải nghề. Nhưng tôi nghĩ, xã hội đã phân công thì phải chấp nhận và dĩ nhiên đó cũng là nghề tôi yêu thích.

Đặc biệt, tôi xem DongA Bank như đứa con của mình nên sẵn sàng dành hết cuộc đời, tâm sức, thậm chí chấp nhận khó khăn, thách thức để làm sao cho đứa con ấy phát triển, khỏe mạnh. Và khi đã yêu thương, tâm huyết thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghiệp này.

Những năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, DongA Bank cũng không tránh khỏi lao đao, đó là nỗi trăn trở lớn và cũng là trách nhiệm khiến tôi chưa thể rời công việc. Hiện DongA Bank đang tái cơ cấu và sau khoảng 2 năm nữa chúng tôi sẽ có đội ngũ kế thừa.

Năm 2013 ông nói năm 2015 sẽ có Tổng giám đốc kế thừa, nhưng đến thời điểm này ông lại công bố sau 2 năm nữa, hỏi thật, vì yêu cầu nhân sự của DongA Bank quá cao hay ông muốn các con mình sẽ kế thừa vị trí này?

- DongA Bank không phải sự nghiệp cha ông để lại nên tôi không cố bám víu, không "tham quyền cố vị”, ngay cả với các con tôi cũng không áp đặt mà tôn trọng quyền chọn lựa công việc của các con. Kinh doanh trong lĩnh vực NH vốn căng thẳng, áp lực, vì vậy, tiêu chuẩn tôi đặt ra là ngoài trí tuệ, kiến thức còn phải có đủ bản lĩnh, trẻ và khỏe.

Bởi chẳng may gặp thất bại, họ sẽ không cảm thấy quá nặng nề và đủ sức trẻ, nghị lực để làm lại. Theo tôi, đội ngũ kế thừa của DongA Bank cần được trui rèn, thử thách trong thời gian dài, ít nhất phải trải qua 5 - 7 năm đào tạo.

Ngay như anh Lê Trí Thông đã được tôi chọn làm Tổng giám đốc cũng phải mất nhiều năm kinh qua nhiều vị trí quản lý khác nhau trong các công ty con của DongA Bank để có kinh nghiệm. Lê Trí Thông là người có đủ năng lực, tư chất đạo đức và trí tuệ, nhưng vì lý do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình nên anh đã từ chức, chuyển sang làm công việc khác.

Hiện nợ quá hạn của DongA Bank đã lên đến gần 7.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu khá cao, kinh doanh cũng thua lỗ và bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh tra, ông có cảm thấy lo cho uy tín của DongA Bank và chiến lược thoát lỗ, giảm nợ xấu của DongA Bank được hoạch định ra sao, thưa ông?

- Trong suốt ba năm 2010 - 2012, hoạt động của DongA Bank trải qua không ít thăng trầm, khó khăn, lúc đó lãi suất cho vay tăng cao, khoảng 17 - 19%/năm, lúc giảm xuống cũng còn 14 - 15%/năm, người dân hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp (DN) thì bị nâng cao chi phí tài chính. Đồng thời, giai đoạn đó, một số DN đầu tư vào bất động sản gặp lãi suất cao nên phần lãi NH ăn hết vào phần vốn của DN.

Nhiều lĩnh vực khác cũng gặp khó khăn tương tự. Với những tác động và di hại như vậy, nợ xấu của NH, trong đó có DongA Bank, dĩ nhiên phải cao. Thử tính, nếu cho vay tín dụng 5 - 7 trăm tỷ đồng thì khi DN gặp khó, NH làm sao thoát được nợ xấu?

Năm 2014, DongA Bank đã bán một phần nợ cho Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC), một phần xử lý cùng khách hàng và phát triển thêm thiết bị mới, song song đó chúng tôi cũng tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân, nhờ vậy, dư nợ trong lĩnh vực khách hàng cá nhân tăng hơn 1.000 tỷ đồng, dư nợ trong khách hàng DN giảm.

Tuy nhiên, năm 2014 dư nợ tín dụng của DongA Bank vẫn tăng trưởng âm so với năm 2013 và NH không có lợi nhuận vì chủ yếu vẫn tập trung vào công tác xử lý nợ xấu.

Song, quan điểm của Ban lãnh đạo DongA Bank là phải đảm bảo an toàn trong hoạt động, dù phải hy sinh lợi nhuận trước mắt. Riêng việc NHNN thanh tra, đây là hoạt động thanh tra bình thường theo kế hoạch định trước chứ không phải do DongA Bank "có vấn đề”.

Năm 2015, DongA Bank tiếp tục chiến lược tập trung xử lý các khoản nợ xấu để kéo tỷ lệ dư nợ xuống dưới 3% bằng nhiều biện pháp, theo thông báo của Thống đốc NHNN, trong đó tích cực xử lý thu hồi nợ cùng khách hàng, bán nợ cho VAMC và phát triển tín dụng cho khách hàng DN.

Bên cạnh đó, để tăng trưởng tín dụng, DongA Bank tiếp tục phát triển khách hàng cá nhân và phát triển đối tác chiến lược, dự kiến năm nay sẽ tăng thêm đối tác trong nước và nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho DongA Bank phát triển trong tương lai.

Gần đây, khá nhiều NH đã hoặc đang có kế hoạch sáp nhập, trong đó có DongA Bank, phải chăng đây là hệ quả của việc Nhà nước quá rộng cửa cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này?

- Vào thời kỳ đất nước chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, nhu cầu vốn phát sinh, đương nhiên NH cũng phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu về vốn, tạo điều kiện cho người dân gửi tiền. Vì vậy, không thể nói chính sách sai lầm, mà do nhu cầu thực tế và tính lịch sử của từng thời điểm.

Khi nhiều NH ra đời, cạnh tranh phát sinh, NH nào có quy mô lớn thì có lợi thế. Đó là quy luật thị trường, và cũng theo quy luật thì NH có quy mô càng nhỏ, càng ít đầu tư và vì thế mất lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, các NH này vẫn phải hoạt động nên việc tồn tại, phát triển rồi sáp nhập là bình thường. Vấn đề quan trọng của sáp nhập là tự nguyện, khi cả hai thấy có lợi thì hợp tác, nên đây là xu hướng tốt.

Riêng DongA Bank, mặc dù hiện nay tỷ lệ nợ xấu khá cao nhưng chúng tôi vẫn có khả năng vượt qua, tuy nhiên, để thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN và sau khi phân tích thực lực, chúng tôi thấy cần nâng cao năng lực tài chính hơn nữa, mở rộng mạng lưới nhiều hơn mới tăng được lợi thế cạnh tranh.

Đầu năm nay, Ngân hàng An Bình có đặt vấn đề sáp nhập với DongA Bank, chủ trương đã có nhưng chúng tôi vẫn phải cân nhắc, chờ đợi, trong đó điều kiện tiên quyết đưa ra là phải giữ thương hiệu DongA Bank.

Trong cạnh tranh giữa các NH, theo ông, áp lực nào là lớn nhất?

- Tôi vẫn nói với anh em: Tài sản lớn nhất của NH chính là khách hàng trung thành, vì vậy, trong thời buổi cạnh tranh, việc chăm sóc khách hàng hiện hữu và giữ được họ là yếu tố then chốt, đây cũng là áp lực lớn nhất.

Song, giữ khách hàng không đơn thuần chỉ bằng lãi suất hay dịch vụ, mà phải quan tâm đến họ bằng những dịch vụ chi tiết nhất, cho họ thấy NH thật sự quan tâm và xem họ như người bạn đồng hành, đi cùng họ suốt thời gian dài.

Cụ thể là...

- Khi DN khó khăn, chúng tôi cho trả chậm lãi để giảm bớt áp lực, giải tỏa việc lãi chồng lãi là nguyên nhân khiến DN thêm bế tắc. Bên cạnh đó cũng phải suy nghĩ làm sao cho lãi suất giảm xuống để DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn kinh doanh hiệu quả.

Song, điều đáng tự hào là DongA Bank chỉ là một NH hạng trung nhưng chúng tôi luôn tiên phong trong hiện đại hóa công nghệ nên chiếm ưu thế trong mảng dịch vụ khách hàng cá nhân, đứng đầu mảng dịch vụ thẻ với gần 8,4 triệu khách hàng sử dụng và là NH đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo được máy ATM bán vàng tự động.

Sở dĩ chúng tôi tập trung phát triển công nghệ vì đó không chỉ là lợi thế cạnh tranh trong một khoảng thời gian mà còn giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tận hưởng dịch vụ một cách thoải mái, qua đó họ cảm nhận được sự chăm sóc của chúng tôi và gắn bó, trung thành với chúng tôi hơn.

Phía NH cũng tiết kiệm được chi phí. Ước tính, một khách hàng mỗi ngày chỉ cần mất mười mấy phút ra NH, một tuần hai lần sẽ mất khoảng 2 giờ, một tháng mất khoảng 8 giờ, một năm mất 48 giờ, ba mươi năm mất 60 ngày...

Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ NH tự động, khách hàng sẽ không cần phải đến NH giao dịch nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Về phía NH, khi chưa có máy tự động, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hơn 20.000 lượt người đến thực hiện giao dịch nộp tiền vào tài khoản. Nghĩa là NH phải in ra 60.000 tờ giấy ghi thông tin, chưa kể các chi phí máy móc, điện đài, nhân sự...

Nhưng cũng nhiều dịch vụ của DongA Bank phải thay đổi sau một thời gian?

- Nhìn vào danh mục sản phẩm của DongA Bank sẽ thấy nhiều sản phẩm, dịch vụ độc đáo và độc quyền. Những sản phẩm này đều được phát triển dựa trên những quan sát và đúc kết của DongA Bank về nhu cầu người tiêu dùng.

Chẳng hạn, chỉ cần phát hiện một phiền toái nhỏ trong quá trình giao dịch tài chính hằng ngày của khách hàng, chúng tôi sẽ không bỏ qua những thông tin quý giá đó mà tiếp tục đào sâu phân tích, nghiên cứu để cho ra đời những giải pháp thông minh. Chính tinh thần hướng đến khách hàng đã giúp chúng tôi luôn cải tiến dịch vụ cũ và có nhiều sản phẩm mới ra đời.

Một điểm khác biệt của DongA Bank so với một số NH khác trong chiến lược chọn phân khúc khách hàng là chúng tôi kiên trì hướng đến đối tượng khách hàng đại chúng và luôn nỗ lực mang dịch vụ NH đến với người dân Việt Nam từ thành thị, nông thôn đến các vùng sâu vùng xa.

Luôn trăn trở với khó khăn của DN, vậy vào thời điểm lãi suất cao, các DN gặp khó, thậm chí bị phá sản, lúc đó tâm trạng ông thế nào, thưa ông?

- Chi phí tài chính luôn là nỗi ám ảnh của DN, vào thời điểm lãi suất cao, nếu DN vay 1 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, mỗi năm họ phải trả 100 triệu đồng, mỗi tháng hơn 8 triệu, mỗi ngày mở mắt ra họ phải nghĩ làm gì để có 250 ngàn trả lãi cho NH.

Nếu nhân lên 10 hoặc 100 lần sẽ thấy áp lực trả lãi vô cùng khốc liệt. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của các DN Việt Nam rất thấp, trong lãi gộp thì chi phí tài chính chiếm đến 60 - 70%.

Thấy các DN lao đao, bản thân tôi cũng là người làm kinh doanh nên đồng cảm và đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, mạnh dạn bơm vốn cho nhiều dự án để giúp DN vượt qua bờ vực nguy hiểm, tuy nhiên, sự hỗ trợ cũng có giới hạn vì chúng tôi phải theo quy định chung của thị trường và bảo toàn hoạt động.

Thực tế, việc bơm vốn đã khiến DongA Bank rơi vào nợ xấu, phải chăng do khâu thẩm định của NH chưa chặt chẽ?

- Thẩm định dự án luôn là vấn đề đau đầu của các NH. Bởi khi phân tích trong bối cảnh thì thấy việc đầu tư đó giải quyết được công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và giúp DN có thêm vốn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, khi thực hiện thì có nhiều rủi ro không lường trước được.

Song, nếu thẩm định quá thận trọng và lường hết rủi ro thì lúc đó nền kinh tế sẽ như thế nào? Thực tế, nợ xấu của các NH thời gian qua không chỉ tập trung ở lĩnh vực bất động sản mà đầy rẫy ở các lĩnh vực khác.

Đơn cử như ở lĩnh vực nông nghiệp, ngành lúa gạo, cá tra Việt Nam vốn chiếm vị trí số 1, được đánh giá an toàn khi đầu tư, nhưng thời gian qua cũng gặp khó do quy định chống bán phá giá, rồi giá cả liên tục trồi sụt khiến các DN gặp khó khăn, kéo theo NH cũng bị vạ lây.

Xin hỏi, trong các dự án DongA Bank thẩm định đầu tư, có bao nhiêu phần trăm yếu tố thân quen, thưa ông?

- Để duyệt và thẩm định một dự án, trước hết phải tìm hiểu chủ DN có phải là người làm ăn thật sự không, có kỹ năng gì về lĩnh vực đó, sau đó mới xét đến hoạt động của DN, chứ không phải cứ DN có quy mô lớn, tầm cỡ là cho vay.

Có những công ty quy mô, tầm cỡ nhưng chủ DN có khi lại ảo tưởng, viển vông vào một dự án nào đó để muốn tên tuổi mình lớn hơn nữa thì chúng tôi sẽ không duyệt.

Vì vậy, không có yếu tố thân quen mà phải xem xét yếu tố con người. Kinh nghiệm của tôi từ năm 1994 khi giúp anh Cổ Gia Thọ, Công ty Bút bi Thiên Long, hay anh Trần Lệ Nguyên, Công ty Kinh Đô là chỉ nhìn vào con người, thấy họ làm ăn chân chất và cũng suy nghĩ rất đơn giản về lĩnh vực họ đang làm.

Anh Thọ nói: "Học sinh đi học cần có bút viết, đó là nhu cầu còn hoài nên tôi sản xuất", còn anh Nguyên lý giải: "Tôi không sản xuất mặt hàng dùng lâu bền vì 6 tháng, 1 năm người tiêu dùng mới có nhu cầu sắm lại, trong khi một cái bánh ăn hôm nay, ngày mai có thể ăn nữa nên tôi mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này".

Vậy có khi nào ông nhìn lầm người?

- Cũng có nhưng hậu quả không lớn và cũng không phải do DN muốn lừa mình. Thực tế việc vay vốn ban đầu là bình thường, nhưng khi kinh doanh gặp khó hoặc do tính toán không kỹ, vung tay quá trán, đến khi lợi nhuận không đủ trả lãi, nhiều người đắp điếm bằng cách vay chỗ khác để hy vọng vượt qua cơn khó và chứng minh với NH vẫn đang hoạt động tốt bằng việc vẫn trả vốn và lãi đầy đủ. Tuy nhiên, khi lãi chồng lãi, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, đến lúc họ không còn khả năng trả lãi và vốn thì xảy ra rủi ro cho NH.

Gần 40 năm gắn bó với nghiệp NH, nhìn lại, ông thấy Trần Phương Bình hôm nay khác với năm đầu vào nghề như thế nào? Theo ông, ông được gì và mất gì khi theo nghiệp NH?

- Thay đổi lớn nhất là có nhiều nhận định sâu về lĩnh vực NH, kể cả khách hàng. Càng gặp nhiều thất bại đau đớn, mang lại hậu quả thì người làm NH càng học được nhiều bài học kinh nghiệm thực tế quý báu để tránh sa lầy mà không phải ai cũng có.

Còn tổn thất? Quả thật ngành này rất nhiều tổn thất, trong đó vấn đề cá nhân là tuổi tác và trí tuệ. Không ai làm NH mà tóc không bạc, không phải riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy.

Suốt ngày phải suy nghĩ về nó, kể cả khi ngủ. Nghiệp kinh doanh tài chính vốn gắn với túi tiền của thiên hạ, nên lúc thị trường thuận lợi hay khó khăn mình đều khổ, vừa phải giữ chặt đồng vốn, vừa phải kinh doanh sao cho có lãi. Gặp lúc kinh tế khó khăn, nhiều lúc cho vay như "thả gà ra đuổi", dễ mất vốn, nợ xấu và... đau tim như chơi.

Được đánh giá là một trong 30 gia đình giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông có thấy mãn nguyện và tự hào?

- Tôi không phải là người giàu nhất nhưng nếu giàu cũng chỉ ngày ba bữa cơm, đi chơi cũng không có nhiều thời gian, có phương tiện cũng chỉ để phục vụ công việc, cuộc sống chứ chưa có thời gian hưởng thụ.

Ở góc độ nào đó, được anh em đánh giá, xếp hạng nghe cũng vui, nhưng so công sức của mình đóng góp cho xã hội, đôi lúc thấy mình còn thua một anh nông dân hay kỹ sư đã nghĩ ra một loại máy móc hay sáng kiến kỹ thuật nào đó để tăng năng suất, giảm cường độ làm việc cho người lao động. Họ mới là người đáng tự hào và tôi khâm phục họ.

Cả hai vợ chồng đều làm "tướng lĩnh" trong hai lĩnh vực nóng và nhạy cảm của thị trường, liệu áp lực công việc có ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình không, thưa ông?

- Vừa là bạn học, vừa kinh doanh ở hai lĩnh vực khá tương đồng, chỉ khác nhau về giá vàng (cười) nên chúng tôi có nhiều điểm chung để đồng cảm, trò chuyện. Đôi lúc khó khăn trong công việc của mỗi người lại là câu chuyện để chúng tôi có dịp chia sẻ, gần gũi nhau hơn. Cuộc đời không còn dài và gia đình, người bạn đời chính là nơi mang lại bình yên nhất.

Cảm ơn sự chia sẻ cởi mở của ông.

Theo Lữ Ý Nhi

Cùng chuyên mục
XEM