Ngoài Lào, Campuchia, Myanmar, ngân hàng Việt có thể “đặt chân” vào đâu?
Ngân hàng Việt có thể quay trở lại các nước như Philippines, Indonesia để đầu tư vì những nước này cũng có mức độ phát triển tương đồng và khách hàng không khó tính, TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết.
Theo ông Cấn Văn Lực, hiện nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam đều mở rộng đầu tư và có sự hiện diện cả sang các nước ASEAN đặc biệt Lào, Campuchia, Myanmar... Đặc biệt, nhiều ngân hàng đang làm ăn rất tốt tại thị trường Lào, Campuchia... lợi nhuận hấp dẫn hơn ở Việt Nam.
Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu cao hơn phải được chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%.
Tuy nhiên, nhằm thực hiện cam kết, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%.
Trao đổi với BizLIVE, ông Lực cho biết, ngoài Lào, Campuchia, Myanmar Việt Nam có thể đầu tư quay trở lại các nước như Philippines, Indonesia vì những nước này cũng có những mức độ phát triển tương đồng và khách hàng không khó tính. Điểm yếu duy nhất là giao thông, hạ tầng chưa thuận tiện.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngân hàng Việt Nam cũng đang chịu áp lực từ các ngân hàng của những nước phát triển cụ thể như Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam.
Hiện tại, Vietcombank đã có 1 văn phòng đại diện tại Singapore, Vietinbank 1 chi nhánh tại Lào, BIDV 1 văn phòng đại diện và trụ sở chính, 5 chi nhánh tại Lào, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar, 1 văn phòng đại diện và trụ sở chính, 6 chi nhánh BIDC tại Campuchia và Việt Nam, Công ty bảo hiểm Campuchia - Việt Nam, Công ty Chứng khoán Campuchia - Việt Nam, công ty bảo hiểm Lào – Việt Nam. Sacombank, MB, SHB có 1 chi nhánh tại Lào, Campuchia.
Trong khi, nhiều ngân hàng thương mại của các nước ASEAN như BangKok Bank, UOB, DBS, Maybank, Public Bank… đã thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam.
Không chỉ có các ngân hàng, theo dự đoán sẽ có các tập đoàn, công ty bảo hiểm, chứng khoán cũng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam khi AEC được thành lập.
Chính vì vậy, ông Lực đề xuất, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt trong thanh toán quốc tế; tài trợ thương mại; phòng ngừa rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro giá chứng khoán; bán chéo sản phẩm ngân hàng-bảo hiểm-chứng khoán; tư vấn thông tin, cung cấp báo cáo phân tích thị trường, xu thế, có chiến lược rõ ràng làm văn phòng đại diện hay chi nhánh, công ty con.
Đồng thời, phải xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước, thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cần cam kết nỗ lực giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực phục vụ cho các hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư, tư vấn.
Nâng cao khả năng hội nhập, tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính quốc tế.