Tại sao Warren Buffett không sở hữu cổ phiếu Apple?

10/07/2015 11:42 AM | Nhân vật

“Khả năng đi sai bước với IBM có lẽ ít hơn, ít nhất là với chúng tôi so với khả năng sai về Apple hay Google… Tôi không biết làm sao để định giá họ.”

Được mệnh danh là nhà hiền triết xứ Ohama, Warren Buffett bước vào con đường đầu tư từ năm 11 tuổi. Ông cũng là bậc thầy về nghệ thuật đầu tư giá trị với những triết lý vô cùng đơn giản ai cũng có thể hiểu nhưng khó thực hiện được. Trong sự nghiệp đầu tư của mình, Warren Buffett tạo ra mức lợi tức trung bình hàng năm khoảng 21%. Vậy tại sao bậc thầy đầu tư này lại không đầu tư vào gã công nghệ khổng lồ Apple mặc dù xét về sức mạnh cạnh tranh, định giá, Apple có vẻ là cổ phiếu phù hợp cho danh mục đầu tư của Warren Buffett?

Theo tạp chí danh tiếng Forbes, Apple hiện là thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Với những lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt trong sản phẩm cho phép công ty này đè bẹp những đối thủ cạnh tranh khi trên cả doanh thu và lợi nhuận.

Việc kinh doanh thuận lợi của Apple cũng được thể hiện qua các số liệu báo cáo tài chính. Năm tài chính 2014 Apple thu về 182,8 tỷ USD doanh thu, tăng 7% so với năm 2013, dòng tiền hoạt động năm 2014 đạt gần 60 tỷ USD, tổng tài sản đạt gần 232 tỷ USD. Như vậy có thể nói sức mạnh tài chính của Apple không còn là điều nghi ngờ.

Mặc dù truyền thống Warren Buffett tránh đầu tư các công ty công nghệ cao bởi lý do đơn giản không hiểu về ngành này nhưng ông cũng từng đầu tư lớn vào IBM năm 2011. Trong khi cổ phiếu IBM đem lại mức lợi không đáng kể từ lúc đầu tư nhưng Buffett đã không mất niềm tin vào công ty này. Sở dĩ Warren Buffett đầu tư vào IBM bởi công ty này có đặc trưng giống một hãng dịch vụ với doanh thu, tương lai có thể dự đoán được khác với đặc điểm khó dự đoán của các công ty công nghệ.

Tháng 5 năm 2012, Buffett từng được hỏi về quan điểm của ông về Apple và Google và liệu ông sẽ mua một trong hai công ty này không. Buffett cho biết ông tin rằng cả Apple và Google sẽ đem lại tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong dài hạn nhưng ông sẽ không đầu tư vào đó. "Tôi sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy những công ty này đáng giá hơn trong 10 năm tới kể từ bây giờ, nhưng tôi sẽ không mua hay bán cổ phiếu của một trong số những công ty này".

Buffett cảm thấy tự tin hơn khi nói đến công ty như IBM hơn là đánh giá Apple hay Google, “Khả năng đi sai bước với IBM có lẽ ít hơn, ít nhất là với chúng tôi so với khả năng sai về Apple hay Google… Tôi không biết làm sao để định giá họ.”

Điều quan trọng cần lưu ý Buffett cho rằng IBM không cần thiết phải làm tốt hơn so với Apple trong những năm tới, ông cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình để phân tích kinh doanh và triển vọng dài hạn của công ty này.

Xét quỹ đạo của IBM trong nhiều thập kỷ, các mối quan hệ sâu sắc đối với khách hàng doanh nghiệp và sự hiện diện toàn cầu đa dạng của hãng trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, công ty này là một khoản đầu tư đặc biệt vững chắc trong ngành công nghiệp công nghệ cao.

Khi nói đến Apple, điều này lại hoàn toàn khác. Lợi thế cạnh tranh và sức mạnh tài chính của Apple là không thể nghi ngờ, nhưng công ty này cần phải thường xuyên đổi mới để duy trì tăng trưởng.

Buffett không thích sự thay đổi. Trong bức thư năm 1987 của mình cho cổ đông, ông viết: "Kinh nghiệm chỉ ra rằng lợi nhuận kinh doanh tốt nhất thường đạt được bởi các công ty đang làm điều gì đó ngày hôm nay khá giống với những gì họ đã làm 5 hay 10 năm trước đây."

IPhone không tồn tại cho đến năm 2007, nhưng sản phẩm này tạo ra hơn 50% doanh thu của Apple. Trong thực tế, khi loại trừ iPhone khỏi hoạt động của Apple thì doanh thu của hãng này không tăng trưởng mà thậm chí còn giảm.

Apple là một công ty rất khác so 10 năm trước đây và rất có thể sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn trong 10 năm tới. Đổi mới có thể tạo ra cơ hội tuyệt vời cho sự tăng trưởng và lợi nhuận nhưng nó cũng có thể là một nguồn rủi ro lớn. Đó là loại rủi ro mà Warren Buffett không thích nắm lấy.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM