[Khởi nghiệp] Không phải Cường đô la, đừng mơ ra trường đã làm chủ!
“99,99% các bạn ra trường làm CEO ngay thì thất bại hết. 0,01% còn lại là Cường đô la... Các bạn đang nướng tài chính, nướng mục tiêu của mình”.
“Các bạn đã xứng làm CEO (Tổng Giám đốc – PV) trong một công ty chưa mà các bạn muốn khởi nghiệp? Ở tuổi các bạn, các bạn muốn làm chủ thế nào? Ngay từ đầu các bạn không phải Right People (Người Đúng cho vị trí CEO – PV)? Các bạn không phải Cường đô la mà các bạn muốn làm chủ?” – ThS. Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc Quản lý Chiến lược CTCP Tập đoàn FPT – chất vấn các bạn trẻ muốn khởi nghiệp.
“Nếu làm chủ ngay, 99% các bạn sẽ thất bại do dòng tiền, kinh nghiệm, những thứ ngoài thị trường đang chờ đợi... Tôi từng nói chỉ có con đại gia mới nên khởi nghiệp. Những khát vọng của một thanh niên Việt Nam không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế. Nhưng các bạn cần hơn nữa một kế hoạch rèn luyện mình thật tốt trong chiến lược phát triển bản thân” – TS. Hòa phân tích.
Để có một chiến lược phát triển bản thân tốt, theo TS. Hòa, các bạn trẻ nên vẽ lộ trình công danh theo hiện trạng từ mô hình phân tích SWOT (một mô hình trong phân tích kinh doanh, tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths - Điểm mạnh, Weaknesses - Điểm yếu, Opportunities - Cơ hội và Threats - Thách thức).
Vị trí 1: Mạnh + nhiều Cơ hội => Tấn công
Ông Hòa cho biết, đây chính là vị trí của FPT 2 năm về trước khi phát triển mạnh chuỗi bán lẻ. Thời cuối năm 2011, FPT chuẩn bị tiền để mua một đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Việc mua không thành, tập đoàn dư nhiều tiền mặt trong thời điểm đang khủng hoảng kinh tế.
“Chỗ chúng tôi thuê với chi phí 20.000 USD trước đây giờ chào thuê 5.000 USD mà không ai thuê. Và chúng tôi nhảy vào” – ông Hòa kể lại.
Vị trí 2: Yếu + Cơ hội nhiều => Điều chỉnh
Khi các bạn yếu nhưng cơ hội quá nhiều, chỉ cần biết điều chỉnh, chuyển điểm yếu thành điểm mạnh. Lúc bấy giờ các bạn có thể cạnh tranh trên thị trường.
Vị trí 3: Mạnh + nhiều Nguy cơ => Phòng thủ
Khi mạnh nhưng có nhiều nguy cơ, nếu không phòng thủ thì rõ ràng sẽ thất bại.
Vị trí 4: Yếu + nhiều Nguy cơ => Điểm dở nhất
Đây là điểm chết. Nếu làm kinh doanh thì nên rút hoặc tránh xa.
“Cứ mỗi 4 năm, hãy đóng gói mình lại và xem lộ trình công danh của các bạn có gì” – Giám đốc Quản lý Chiến lược FPT khuyên nhủ – “Có ai trong lộ trình công danh ngay tức khắc lên làm ông chủ?”
“Các bạn mơ một cách bất hợp lý. Tại sao mơ một phát đã muốn làm chủ? Dù bạn muốn cũng có thể thuê người làm CEO cho bạn, bạn làm cấp phó cho đến khi đủ lông đủ cánh”.
Ví như ao ước kinh doanh về thương mại điện tử hoặc một ngành thực sự thích, ThS Hòa gợi ý hãy đi làm thuê 2 năm. Và trong 2 năm đó, dù đi làm nhưng không phải chỉ làm công ăn lương mà phải cày cuốc, tìm những điểm dở của doanh nghiệp mình làm thuê – điểm mà mình có thể làm tốt hơn họ.
“Hãy xin làm vị trí này, vị trí kia. Dùng tiền của họ để thử nghiệm, thua họ chịu mà... Cho đến khi bạn đủ trình độ, đủ bản lĩnh. Trong khởi nghiệp, phải có Teamwork (nhóm làm việc – PV), có Ecosystem (hệ sinh thái – PV) thì thành công sẽ cao hơn” – ông Hòa giảng giải.
“99,99% các bạn ra trường làm CEO ngay thì thất bại hết. 0,01% còn lại là Cường đô la, lấy tiền bố mẹ đi 'nướng'. Các bạn đang 'nướng' tài chính, 'nướng' mục tiêu của mình... Sao các bạn lại lấy đầu đập vào đá dù biết sẽ chảy máu?”
“Tôi không hăm dọa, nhưng không muốn các bạn nướng tuổi xuân vào những thứ liều lĩnh. Tôi đi làm nước ngoài 20 năm, học vị và kinh nghiệm không thua các bạn, nhưng tôi không muốn làm CEO. Cái máu của các bạn là đang đứng trên đỉnh một ngôi nhà cao và máu nhảy xuống. Nếu các bạn vẫn quyết tâm, Just-Do-It (cứ làm đi – PV)”.
>> CEO Thiên Minh Group: 99% các bạn khởi nghiệp sẽ thất bại
Thanh Thủy