Đặng Văn Thành và những trải nghiệm thương trường
“Cuộc đời doanh nhân của tôi khác với nhiều người. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã ý thức vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tiễn nâng lên thành lý luận, chia sẻ cho các thế hệ doanh nhân về sau, đó chính là trách nhiệm của những thế hệ đi trước”.
Suốt thời gian dài, gia đình ông Đặng Văn Thành từng có tới 3 thành viên nằm trong Top 100 doanh nhân giàu nhất Việt Nam. Chặng đường trở thành người dẫn đầu trong kinh doanh tiền tệ của một tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng, rời khỏi vị trí Chủ tịch ngân hàng do chính mình gầy dựng, và rồi tái xuất thương trường với một diện mạo hoàn toàn khác… ẩn chứa gần như đầy đủ những thăng trầm gắn liền với bao biến động của thời cuộc, của nền kinh tế Việt Nam.
Gặp lại ông những ngày cuối thu, vẫn phong thái tự tin, khoáng hoạt, ở ông toát ra một sức hút mạnh mẽ với lối tư duy khúc chiết, cách diễn đạt sâu sắc, sống động và nụ cười rộng mở tràn đầy tình yêu cuộc sống.
- Từng được trao tặng danh hiệu “Giáo sư danh dự” của Trường Đại học Southern Califonia University for Professional Studies, Giáo sư danh dự đại học Nguyễn Tất Thành… dường như truyền dạy kinh nghiệm cho các thế hệ sau với ông là một quá trình được chuẩn bị kỹ càng?
- Đối với tôi, đó là trách nhiệm tự thân chứ không do bất kỳ ai giao phó. Chia sẻ để cùng đồng hành phát triển là xu thế tất yếu nhằm hợp tác, tích lũy nâng cao kiến thức để luôn vững vàng trước sự xâm nhập ồ ạt của các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh việc tham gia những khoá đào tạo chuyên sâu dành cho giám đốc điều hành, giám đốc nhân sự, tôi đã đứng trên bục giảng của nhiều trường đại học để trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm quản trị - điều hành và xây dựng chiến lược cho các sinh viên, doanh nhân trẻ. Mỗi năm tôi đi từ 3 đến 5 tỉnh, nói chuyện với hàng trăm doanh nhân trẻ tại mỗi địa phương. Niềm vui đối với tôi là sự say mê lắng nghe và sôi nổi tranh luận của các bạn trẻ, mặc dù có những cuộc trò chuyện kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ buộc tôi phải cắt ngang vì thời gian không cho phép.
Những chia sẻ của tôi đều được đúc kết từ trải nghiệm tự thân; chính vì lẽ đó, những doanh nhân đã và đang trực tiếp điều hành doanh nghiệp càng thấm thía những điều tôi nói. Điều họ muốn nghe không đơn thuần là lý thuyết sách vở, họ cần được tiếp sức, cần động lực để vững vàng, tự tin tiếp bước trên chặng đường kinh doanh đầy gian truân. Họ cần một giám khảo, một người tiên phong để cùng nhìn nhận, kiểm chứng đúng sai về những gì mình đang thực hiện.
- Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trở lại sau hai năm vắng bóng trên thương trường, điều gì ông muốn chia sẻ trong buổi giao lưu này?
- Đời doanh nhân cũng thăng trầm như cuộc sống, và những thăng trầm ấy khiến người ta trưởng thành. Sau mỗi trải nghiệm sóng gió, bản thân tôi tự đúc kết và tích lũy thành kinh nghiệm, đó chính là nền tảng kiệm tồn để xây dựng chiến lược phát triển cho đơn vị thông qua các văn bản lập quy với những cơ chế, chính sách tương thích, cụ thể.
Trên tinh thần đó, người lãnh đạo phải ý thức được 4 trọng trách cốt lõi của bản thân: tạo giá trị gia tăng cho xã hội; tạo giá trị gia tăng cho khách hàng; tạo giá trị gia tăng cho nhà đầu tư; tạo giá trị gia tăng cho cán bộ công nhân viên. Bất cứ ai muốn trở thành CEO đều phải xác định những trọng trách này là điều phải làm được. Một khi tâm thế đã sẵn sàng gầy dựng nên 4 mục tiêu ấy thì sức ép cạnh tranh không còn là điều đáng lo ngại.
Trong điều hành kinh tế vĩ mô, thử thách lớn nhất đối với doanh nghiệp là công tác quản trị rủi ro. Qua các giai đoạn khủng hoảng kinh tế ở khu vực và trên thế giới, tôi nhận ra rằng: doanh nhân phải có “khẩu vị” để cảm nhận được rủi ro thì mới có thể dự đoán và định hướng lâu dài cho doanh nghiệp.
Người lãnh đạo cần “có Tầm - có Tâm”, không chỉ có cái nhìn sâu rộng, khả năng định hướng chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp mà còn có ý thức sâu sắc về trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với đất nước và với đội ngũ nhân viên. Trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, để tồn tại trước những chu kì đào thải khắc nghiệt và chóng vánh, phải hiểu được vai trò và sứ mệnh của doanh nhân trên chặng đường hướng tới khẳng định vị thế quốc gia - thương hiệu quốc tế.
- Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày 13/10/2004, ngày doanh nhân Việt Nam đầu tiên, ông đánh giá như thế nào về sự trưởng thành của đội ngũ mình?
Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ doanh nhân, kèm theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu quốc gia, như Kềm Nghĩa, Thép Pomina, Trường Hải, An Phước..vv.. Đây là sự chuyển mình tích cực của các thế hệ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường. Những năm vừa qua đã xuất hiện nhiều tập đoàn đa ngành, đa sở hữu, tiến tới đa quốc gia với khát khao sánh vai cùng các cường quốc thế giới. Họ chính là nguồn lực quốc gia để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.
Ngoài những khát vọng và nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp trẻ rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước chính phủ để sớm hiện thực hóa những kì vọng hội nhập trong các sân chơi quốc tế như WTO, APTA, và tới đây là TPP… Bản thân Quốc hội, Chính phủ nên khẩn trương hoàn thiện Luật doanh nghiệp, nhằm đảm bảo không chỉ phù hợp mà còn tương thích với những bất cập và thách thức cạnh tranh mà đội ngũ doanh nhân đang phải đối mặt.
Dù ở bất cứ đâu, môi trường kinh doanh đặc biệt quan trọng. Ở Việt Nam, có thể dễ dàng hình dung môi trường ấy lắt léo như mạng lưới giao thông vậy. Những hạn chế về luật lệ, quy định… buộc doanh nhân phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển để tồn tại. Đó là sự thật.
Giao thông lộn xộn không phải do ý thức kém của người tham gia. Ở nước ngoài, muốn leo lề hay đi ngược chiều cũng không làm nổi. Do môi trường xã hội trước tiên, sau đó là người thực thi pháp luật, cuối cùng mới đến ý thức người trong cuộc.
- Chúng ta đã phải trả giá nhiều không để có được những thương hiệu thực sự mạnh đó?
- Kinh tế thị trường chào đón tất cả các thành phần tham gia, nhưng quy luật đào thải của nó cũng không nhún nhường bất cứ ai thiếu sự chuẩn bị với khái niệm thiếu chính xác. Khủng hoảng châu Á năm 1997 và khủng hoảng thế giới từ 2007 đến nay là những ví dụ điển hình của chu ký đào thải khắc nghiệt đó, “một mình một chợ” không thể nào thành công. “Doanh nhân có tuổi thọ - Doanh nghiệp không có tuổi thọ”.
Những thương hiệu quốc tế có tuổi đời cả trăm năm như Heineken, Mercedes…vẫn trường tồn qua bao thế hệ doanh nhân. Nền kinh tế thị trường buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hậu mãi, trách nhiệm với người tiêu dùng; không còn chỗ đứng cho thói quen “ăn xổi ở thì”, làm ăn “đánh quả” thiếu lượng, kém chất.
Một thách thức nữa chính là chính sách điều hành vĩ mô thiếu nhất quán đã gây tổn thương không nhỏ đến đội ngũ các doanh nhân, đặc biệt là những đối tượng mới khởi nghiệp với nguồn eo hẹp. Để hạn chế gián đoạn (giật cục), doanh nghiệp phải xây dựng được lộ trình thực hiện trong thời gian ít nhất là 5 năm, bằng không bản thân họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
- Cuối 1989, các HTX tín dụng ra đời hàng loạt với lãi suất “không tưởng”, từ 12 đến 14%/tháng. Chỉ sau chưa đầy hai năm, hàng loạt HTX tín dụng sụp đổ vì mất khả năng chi trả. HTX tín dụng Thành Công của ông là 4 trong số 13 HTX còn sống sót. Làm thế nào để ông có thể vượt qua cơn sóng gió đó, dựng lên ngân hàng Sài Gòn thương tín năm 1991?
- Đó là thời kỳ đất nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế thị trường, chấp nhận sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác, tôi đã nhìn nhận được và nắm bắt cơ hội đó. Tham gia nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau: tiền tệ, đường, xuất nhập khẩu, nhưng tất cả đều chung một đại cương quản trị - điều hành. Hoạt động ngân hàng lúc ấy còn sơ khai, giống như một tiệm cầm đồ lớn. Từ những ngày đầu khởi nghiệp ngân hàng, tôi đã ý thức được doanh nghiệp cần phải có tài sản đảm bảo.
Chính vì lẽ đó, khi biến động xảy ra, ngân hàng của tôi vẫn duy trì được khả năng thanh khoản, không đi đến tổn thất, trong khi nhiều ông chủ ngân hàng khác dính vào vòng lao lý, thậm chí không bảo toàn được tính mạng. Đó là bài học đắt giá không chỉ cho riêng tôi mà với tất cả những người làm ngân hàng.
Lãi suất khi ấy quá cao, 12-14%/tháng, nghĩa là hơn 100%/năm, không bao giờ có siêu lợi nhuận như vậy. Tôi còn nhớ lúc ấy mình chỉ biết đứng nhìn khách hàng đến rút tiền ồ ạt, Nếu không có tiền chi trả họ sẽ họ ùa vào đập phá trụ sở, tranh giành tài sản. Ròng rã 6 tháng trời nhân viên chỉ được trả lương cầm chừng...
Khoảng thời gian khó khăn ấy, nếu không có một “hậu phương vững chắc”, chắc hẳn tôi không thể trụ nổi. Hàng ngày, tôi lo việc đối phó chi trả ngoài ngân hàng, tính toán lượng khách sẽ đến đòi nợ trong ngày mai, mọi công việc sản xuất, thương mại đều giao lại cho vợ điều hành.
Đến cuối ngày được bao nhiêu tiền cô ấy đều thu gom toàn bộ để tập trung ứng cứu kịp thời cho ngân hàng. Vừa bận rộn kinh doanh, cô ấy lại vừa chăm lo, giúp tôi giữ vững niềm tin bằng những lời động viên nhẹ nhàng, đầy tình cảm. Nhiều đêm dài thức trắng, cả hai đều trằn trọc không yên, nhưng sáng hôm sau tôi vẫn thấy cô ấy mỉm cười săn sóc cho tôi từng miếng ăn, từng ly nước uống... Đó là những tháng ngày tôi không thể nào quên.
Trải qua hàng loạt biến cố lớn như vậy, để tồn tại và tự cứu lấy mình, HTX Thành Công đã hợp nhất với ba HTX khác lập ra ngân hàng Sài Gòn thương tín với số vốn điều lệ 8 tỉ đồng, tiền đề cho sự lớn mạnh sau này của Sacombank.
- Còn với Sacombank, điều gì khiến ông đau xót nhất?
- (Im lặng một hồi lâu)…Tôi chưa thể trả lời câu hỏi trong thời điểm này. Có thể vài năm nữa. Đó là một câu chuyện dài…
- Vì sao ông lại chọn kinh doanh tiền tệ, một ngành đấy áp lực, đấy bất trắc?
- Đối với tôi, lĩnh vực ngân hàng rất rất thú vị, và tôi yêu nghề này. Bởi lẽ ngân hàng là động lực trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế, là cơ quan trung gian giải quyết nhu cầu và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ, ngày hôm nay tôi mở một phòng giao dịch tại một thị trấn ở Quảng Nam, ngày mai đã có người đến gửi tiền, không chỉ tạo thu nhập cho cán bộ nhân viên mà còn mang đến cơ hội làm ăn cho người dân bản địa. Với tinh thần đó, tôi thực sự tâm đắc với phương châm mình đã tự trải nghiệm và đúc kết: “Vì cộng đồng, phát triển địa phương”.
- Từ một nhà tài chính chuyển sang làm đường, nuôi bò, khai thác dừa… đó có phải là một thách thức mới với ông?
- Thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin tôi đang chuyển qua đầu tư nông nghiệp, thực ra không phải như vậy. Tôi đã gắn bó với mía đường 35 năm nay rồi. Trong bối cảnh ngành mía đường Việt Nam đang bế tắc với năng suất thấp, chất lượng chưa cao, tình trạng thẩm lậu đường giá rẻ từ Thái Lan…tôi kỳ vọng với hơn 47 ngàn hec-ta mía cùng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường TTC, Tập đoàn Thành Thành Công sẽ sản xuất ra giống mía tốt phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam, thay thế giống mía nhập ngoại…
Đối với tôi, cây mía không bỏ đi phần nào cả, bã mía được dùng để đồng phát nhiệt điện trong mùa khô. Cụ thể, nhà máy Mía đường Tây Ninh cung cấp đến 45% tổng lượng điện sinh hoạt tại địa phương. Theo quy hoạch của Chính phủ, từ nay đến 2025, cả nước sẽ có 24 triệu tấn mía. Nếu lấy suất sinh điện theo chuẩn tiên tiến thế giới là 150 KWh/tấn mía thì công suất phát tối đa tương đương 1000 MW, bằng 50% công suất nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây dựng tại miền Trung.
Về dự án chăn nuôi bò Kobe, tôi đã ấp ủ và thực hiện từ 4 năm nay. Kết hợp với đối tác Nhật Bản, tôi cùng anh Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch công ty Kềm Nghĩa, mỗi bên đầu tư 50%, sẽ cung cấp cho thị trường đợt sản phẩm đầu tiên vào quý I năm 2015. Ngoài ra nhà máy đóng lon với tổng mức đầu tư 20 triệu USD sẽ khánh thành cuối năm nay, chuyên sản xuất nước cốt dừa và nước dừa ở Bến Tre, nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho trái dừa Việt Nam.
Kinh doanh, dù trong bất cứ lĩnh vực nào, đều có một công thức chung, Từ kinh doanh tiền chuyển qua mua mía, bán bò, yếu tố cốt lõi là phải giải mã được bằng quản trị và điều hành, phát hiện và đào tạo để hiện thực hóa. Hiện giáo sư Võ Tòng Xuân đang đảm trách công việc nghiên cứu giống mía, cùng 200 kỹ sư nông nghiệp trẻ. Họ chính là những người làm khuyến nông tốt nhất vì bản thân luôn gần gũi gắn bó với nghề nông, với người làm nông.
- Theo ông, phải chăng điểm yếu nhất là quản trị đã ngăn cản các thương hiệu Việt khó thoát khỏi công ty gia đình để trở thành tập đoàn, khó bước ra khỏi quốc gia?
- Điều hành một doanh nghiệp cũng giống như điều hành một quốc gia thu nhỏ. Để quản trị tốt, doanh nghiệp cần phải có cơ cấu tương thích, trong đó quản trị viên phải biết vận hành chính xác cơ quan hành pháp & cơ quan điều hành. Hệ thống văn bản lập quy cần định nghĩa chính xác trách nhiệm và vai trò của từng bộ phận chuyên biệt.
Cụ thể, cơ quan lập pháp đảm nhiệm ban hành quy trình quy chế, song song với đó, cơ quan hành pháp có trách nhiệm hỗ trợ góp ý về năng lực và quan điểm điều hành của các nhân sự, tạo nền tảng cơ sở thực tiễn để không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản lập quy. Đặc biệt, các thành viên trong Hội đồng Quản trị phải ý thức được vai trò và sứ mệnh của bản thân, không đơn thuần chỉ là những công việc sự vụ, mà còn là trách nhiệm trực tiếp với quyền lực của cả Hội đồng. Phải nắm vững và áp dụng triệt để nguyên tắc “Quản trị tập trung - Điều hành phân cấp”, dám giao quyền mới vươn cao, vươn xa được.
Về đào tạo nhân sự, khi trình bày một vấn đề, tôi luôn đòi hỏi thuộc cấp phải thể hiện quan điểm cá nhân, còn quyết định vẫn là ở tôi. Tôi không chấp nhận việc trình ký không đi kèm ý kiến riêng. Đối với tôi, không gì bằng tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Để hiện thực hóa điều đó, người lãnh đạo cần có phương pháp phát hiện và đào tạo, xây dựng môi trường thăng tiến làm động lực phát triển cho những nhân sự tiềm năng.
Quy mô doanh nghiệp càng lớn, quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên trong Ban lãnh đạo càng phải rõ ràng, chuyên biệt, tránh lệch lạc, chủ quan trong quá trình vận hành triển khai. Việc đảm nhiệm cùng lúc nhiều hơn một trọng trách dễ khiến người lãnh đạo bỏ quên nhiệm vụ còn lại của mình. Tương tự, công tác kế toán toán quản trị - kế toán nhà nước và kiểm soát cũng cần minh bạch cụ thể để các bộ phận phát huy hiệu quả tối đa.
Về vấn đề tuyển dụng, thực sự, một số vị trí buộc phải là người nhà, đó là một nghệ thuật; bởi lẽ trong nhiều tình huống nhạy cảm, chỉ người quen biết mới đủ khả năng thích nghi và ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm những vị trí điều hành quan trọng, vì tôi hiểu rủi ro của mọi rủi ro chính là con người.
Đó là những kinh nghiệm xướng máu mà tôi muốn chia sẻ.
- Nhìn Ông rạng rỡ, sung sức, ít ai ngờ Ông vừa trải qua những biến cố tưởng chừng không thể vượt qua nổi?
- Đối với tôi, hạnh phúc là con đường bất tận, còn sức là còn chiến đấu. Doanh nhân nào cũng vậy thôi, rất khó mà dừng lại, khó mà “gác kiếm”.
Với tôi, thất bại trong kinh doanh là chuyện không thể tránh khỏi, và bản thân mình là người phải giải quyết chứ không ai khác. Tôi đã va vấp nhiều, đầu tư không thành công vào một lĩnh vực nào đó cũng là thất bại. Nhiều biến cố nằm ngoài tầm kiểm soát, dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, đối với tôi tất cả đều là từng bước trưởng thành. Làm lãnh đạo một doanh nghiệp vô cùng vất vả, tôi luôn tự nghiêm khắc với bản thân, và tự nhận mình ở “thiểu số tích cực”.
- Được biết sau buổi giao lưu sẽ có một …live show ca hát do chính Ông thể hiện? Sức mạnh nào đã giúp Ông vượt qua những lúc cùng cực nhất?
- Doanh nhân không chỉ biết đến những con số khô khan, doanh nhân cũng nghệ thuật, “ướt át” lắm.
Tôi sưu tập gần như đầy đủ tủ sách dạy làm người của tác giả Nguyễn Hiến Lê, coi đó như là kim chỉ nam, là lời nhắn nhủ về cuộc sống đối với những đứa con của mình. Sức khoẻ của doanh nghiệp cũng giống như sức khoẻ của con người, có bệnh thì phải được chẩn đoán chính xác, chữa trị kịp thời.
Ngoài chạy bộ, tôi còn chơi thể lực nặng để giữ cho cơ bắp được săn chắc. Tôi yêu ca hát và luyện tập sức khoẻ, bởi đó là “một phần cốt lõi của sự sống”, đem đến cho tôi những phút giây thật sự sảng khoái, thư giãn sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng, mỏi mệt.
Thế hệ doanh nhân ngày nay, đặc biệt là những doanh nhân thành đạt, đều rất ý thức về sức khoẻ. Đó là mối quan tâm hàng đầu của một người thành công. Không có sức khỏe thì mọi nỗ lực xây dựng hàng loạt chiến lược kinh doanh cũng trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, không dễ dàng để chơi một môn thể thao nào đó. Khi quyết định lựa chọn, người ta phải thực sự yêu thích nó.
Ca hát với tôi cũng là một thú vui ... trời phú. Mà lạ lắm, âm nhạc là không biên giới, không khoảng cách, nó khiến con người ta trở nên gần gũi hoà đồng với nhau ngay lập tức. Ngoài ca hát, thời gian rảnh rỗi tôi thích đọc sách, nuôi cá kiểng và các loài thú hoang dã. Ba cha con tôi cũng chơi golf, môn thể thao này đòi hỏi cái đầu nhiều lắm. Thân thể có tráng kiện, tinh thần có khỏe mạnh thì cuộc đời mới nở hoa.
Xin cám ơn ông!
Theo Kim Yến