Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo: Làm gì thì làm, trước tiên phải là người tử tế

24/04/2015 09:49 AM | Nhân vật

Nhiều năm liền, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, CEO Hoàng Đức Thảo vẫn lèo lái con thuyền Busadco duy trì ổn định và phát triển bền vững. Năm 2013, Busadco đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Người chèo lái con thuyền Busadco là Anh hùng lao động - Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo, chủ tịch kiêm CEO công ty - người đang sở hữu 3 Kỷ lục Việt Nam gồm: “Người có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo KHCN nhất"; "Người Việt nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KHCN  trên thế giới"; "Người lãnh đạo doanh nghiệp KHCN đạt nhiều giải thưởng nhất của các  tổ chức sáng tạo KHCN trong nước và trên thế giới.”

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với Anh hùng lao động - Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo như một lát cắt về tính cách và sự nghiệp của người anh hùng thời kỳ đổi mới.

Thưa Tiến sĩ, thành công nào cũng phải trải qua những chặng đường khác nhau và để lại những dấu mốc đáng nhớ. Vậy mốc son mang tính bước ngoặt trong cuộc đời ông là gì?

AHLĐ-TS Hoàng Đức Thảo: Thành công của bản thân tôi nói riêng và của Busadco nói chung đã phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt. Từ các ý tưởng đến việc nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng thực tiễn cũng như tìm đầu ra cho thị trường là một chặng đường khó khăn, gian khổ.

Mốc son mang tính bước ngoặt trong cuộc đời tôi là tháng 9/2003, khi trở thành Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ( tiền thân của Busadco ngày nay). Từ bức xúc trước cảnh các công nhân phải dầm mình trong dòng nước cống ngầm độc hại, tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu và thử nghiệm đề tài khoa học: “Cụm tời máy nạo vét cống ngầm đô thị”. 

Công trình này đã giúp tôi đoạt Giải ba giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2004. Đây là công trình khoa học đầu tay của tôi, là động lực giúp tôi thành công hơn ở những công trình khoa học tiếp theo.

Công việc đầu tiên của ông là gì? Cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực KHCN?

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không thể học lên đại học như bạn bè đồng trang lứa. Trưởng thành từ đội ngũ công nhân kỹ thuật ngành xây dựng nên tôi hiểu khó khăn và vất vả của người lao động. Khi đã trở thành người lãnh đạo doanh nghiệp, động lực thôi thúc tôi là làm sao người lao động bớt cực nhọc trong lao động sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của họ ngày một nâng cao.

Đam mê nghiên cứu khoa học của tôi xuất phát từ chữ tâm với người lao động. Đồng cam cộng khổ với người lao động, gắn kết trách nhiệm lãnh đạo của mình với nhu cầu vật chất, tinh thần của người lao động. Những bức xúc về các vấn nạn môi trường chưa được giải quyết cũng tạo động lực và tiếp cho tôi sức mạnh tinh thần trong quá trình nghiên cứu sáng tạo.

Cộng hưởng của các yếu tố trên đã cho ra đời những sản phẩm khoa học công nghệ đoạt giải quốc gia và quốc tế cũng như sự lớn mạnh không ngừng của Busadco hôm nay. Hàng năm doanh thu từ KHCN ở Busadco chiếm 80-85% tổng doanh thu toàn Công ty cũng là một trong nhiều đòn bẩy đưa Busadco phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Khó khăn, thử thách nào khiến ông trăn trở nhất?

Là một lĩnh vực công ích nhưng vẫn phải đảm bảo tính cơ chế thị trường nên cốt lõi khó khăn là Busadco phải vừa gắn trách nhiệm xã hội với việc làm kinh tế. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống luôn là phương châm cốt lõi của Busadco.

Gắn trách nhiệm xã hội với việc làm kinh tế luôn là vấn đề thách thức nhưng chúng tôi đã làm được. Đó cũng là bí quyết thành công mà Busadco muốn chia sẻ: Cơ chế thị trường nghiệt ngã nếu chỉ có đam mê, ý chí cống hiến thôi chưa đủ, cần phải sáng tạo, đổi mới trong cách nghĩ cách làm.

Con đường Busadco đã đi rất khó khăn, rất nhiều chông gai, buộc tập thể lao động phải đồng lòng tính toán, chấp nhận rủi ro, tự đầu tư kinh phí từ nguồn lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu khoa học. Mọi thành viên Busadco dù ở cương vị nào, khi thực hiện nhiệm vụ được giao cũng phải tìm tòi, sáng tạo, phải tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho mỗi công việc. Đây là những cú huých vào nhu cầu, niềm say mê sáng tạo vốn có trong mỗi người .

Dường như ông ít được đào tạo khoa học một cách bài bản nhưng các sản phẩm của ông lại được đánh giá rất cao về mặt kỹ thuật, đạt rất nhiều giải thưởng giá trị. Vậy ông đã tự học như  thế nào và ai là người ảnh hưởng đến ông nhiều nhất trong quá trình sáng tạo?

Tôi không được đào tạo một cách bài bản, nhưng quá trình tự học, tự nghiên cứu của tôi thì rất bài bản và khoa học. Người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là mẹ tôi. Người phụ nữ tần tảo hy sinh cả cuộc đời mình để nuôi dạy các con.

Mẹ luôn dạy chúng tôi: “Làm gì thì làm, trước hết các con phải là người tử tế”. Trách nhiệm của tôi là luôn tử tế với những việc làm của mình, đặc biệt là với các đề tài khoa học mà mình nghiên cứu, ứng dụng.

Điều đặc biệt nhất của thương hiệu Busadco là gì?

Để vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Busadco luôn coi trọng giá trị cốt lõi mà mình đã tạo dựng trong 10 năm xây dựng trưởng thành. Giá trị cốt lõi này gồm:

- 5 KHÔNG: không nợ xấu tín dụng; không sản phẩm tồn đọng; không nợ thuế và bảo hiểm; không đầu tư dàn trải, lãng phí; không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước bao cấp cho nghiên cứu ứng dụng Khoa học công nghệ.

- 5 CÓ: có thương hiệu, uy tín; có thu nhập ổn định; có việc làm thường xuyên; có công nghệ tự sáng chế; có tích lũy để đầu tư phát triển.

Những thách thức mà ngành thoát nước vệ sinh môi trường đang phải đối mặt hiện nay là gì, thưa ông?

Nhiều đô thị Việt Nam đang đối mặt với tình trạng hạ tầng thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, bệnh tật lây lan, úng ngập cục bộ hoặc lụt lội. Những vấn đề đó đặt ra cho chúng tôi nhiều cơ hội và thách thức.

Đối với các khu đô thị, điểm dân cư mới, chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có thoát nước mưa, nước thải, góp phần quyết định tính hấp dẫn đối với khách hàng, cũng như sự phát triển bền vững của khu đô thị đó về lâu dài. Ở Việt Nam tỷ lệ các hộ dân đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp.

Các tuyến cống được xây dựng và bổ sung chắp vá, có tổng chiều dài ngắn hơn nhiều so với chiều dài đường phố, ngõ xóm. Nhiều tuyến cống có độ dốc kém, bùn cặn lắng nhiều, không ngăn được mùi hôi thối. Nhiều tuyến cống lại không đủ tiết diện thoát nước hay bị phá hỏng, xây dựng lấn chiếm, gây úng ngập cục bộ.

Úng ngập thường xuyên xảy ra nhiều nơi về mùa mưa. Nước thải nhà vệ sinh phần lớn chảy qua bể tự hoại rồi xả ra hệ thống thoát nước chung tới kênh, mương, ao hồ tự nhiên hay thấm vào đất. Nước thải và nước mưa chảy trực tiếp ra nguồn tiếp nhận.

Còn rất nhiều vấn đề nữa tôi không thể liệt kê hết được. Theo số liệu thống kê, hiện mới chỉ có gần 10% nước thải đô thị được xử lý triệt để mà thôi.

Trong những giá trị mà công ty đạt được, đâu là điều khiến ông tâm huyết nhất?

Điều tâm huyết nhất của tôi là Busadco đã xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm công nghệ Busadco đã và đang được ứng dụng rộng rãi tại 48/63 tỉnh, thành trong nước (có 14 tỉnh, thành ban hành chủ trương áp dụng công nghệ Busadco) và bước đầu xuất khẩu sang Malaixia và Lào.

Busadco hiện dẫn đầu ngành thoát nước đô thị của cả nước. Sứ mệnh và hoài bão của Busadco chính là cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn và bảo vệ môi trường sống. Trách nhiệm xã hội này đòi hỏi chúng tôi phải nâng cao hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh của chính mình.

Bên cạnh kinh doanh ông có niềm đam mê nào khác?

Có dịp là tôi đi chùa lễ Phật. Tôi hiểu cuộc sống này quá vô thường, vậy nên luôn tâm nguyện rằng những việc mình làm phải làm sao cho vừa tốt cho Đạo pháp, vừa lợi cho cuộc đời. Làm được như vậy tự khắc mình sẽ tìm thấy niềm an vui , tự tại và có sức khỏe để tiếp tục cống hiến. Đi chùa lễ Phật cũng là một cách tìm những phút bình yên sau những vất vả lo toan về cuộc sống.

Hiện tại tôi đã có một ekip những kỹ sư trẻ giàu tâm huyết và những người lao động cần cù, đoàn kết gắn bó. Đó cũng là nhân duyên của tôi, của Busadco.

Thành công trong sự nghiệp, chắc hẳn ông có một hậu phương rất vững chắc?

Tôi có người vợ hiền, rất hiểu và chia sẻ được những khó khăn trong công việc với chồng. Tôi có những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi và hiếu thảo. Gia đình là tài sản lớn nhất của cuộc đời tôi.

Trong gia đình tôi dạy các cháu tinh thần tự giác, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội nên dù đi đâu và bận trăm công ngàn việc, tôi vẫn rất yên tâm về sự trưởng thành của các cháu.

Ông muốn nói gì với thế hệ sau?

Trong công tác nghiên cứu, giới khoa học trẻ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Theo tôi, trách nhiệm của các nhà trường, cơ quan và các doanh nghiệp liên quan là phải chia sẻ với khó khăn của giới nghiên cứu khoa học trẻ, đồng cảm với ước mơ của những kỹ sư trẻ, những người lao động cần cù sáng tạo để "tiếp lửa", tạo sân chơi thường xuyên cho họ, tăng sự nhiệt tình với công tác nghiên cứu vốn rất gian nan

Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế thế giới nên rất cần nhiều sáng kiến đổi mới trong tất cả các lĩnh vực. Đây là điều kiện tiên quyết cho đất nước ta vươn lên tầm cao trong thế giới.

Nhà nước luôn nêu cao mục tiêu này, nhưng cả hệ thống của chúng ta không được tổ chức để thực hiện mục tiêu đó một cách hợp lý cho nên nhiều nhân tài và nhiều ý tưởng hay được ấp ủ và đam mê của giới trẻ đã và đang bị bỏ phí, thay vào đó là những sự chụp giựt, xin cho, chạy chọt...

Nếu điều này cứ tiếp tục, và thiếu vắng chương trình quốc gia "nâng cao năng lực cạnh tranh" thì đất nước ta khó vươn lên tầm cao của thế giới.

Tuy nhiên, trước hết vẫn cần ở mỗi cá nhân sự dấn thân, đam mê, tinh thần tự lực vươn lên. Có đam mê, có dấn thân ắt sẽ có thành công

Chân thành cảm ơn Tiến sĩ.

>> Vì môi trường, Đà Nẵng từ chối dự án FDI 200 triệu USD

Quang Hoàng

Tr.A - CTV Quang Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM