Người Việt chưa kịp giàu đã già, tỷ lệ sinh 1 thập kỷ qua đã thấp hơn cả Mỹ

30/11/2016 08:15 AM | Xã hội

Số liệu của Ngân hàng thế giới World Bank cho thấy tổng tỷ suất sinh tại Việt Nam là 1,93, thậm chí thấp hơn mức 1,98 tại Mỹ.

Hiện nay, dân số thế giới đang ngày một gia đi với tốc độ nhanh chóng do tuổi thọ con người lâu hơn cũng như tỷ lệ sinh giảm.

Tại Châu Á, tuổi thọ bình quân chỉ đạt 40 vào năm 1950 thì nay đã tăng lên gần 72 tuổi. Hệ quả là con người sống càng lâu, họ càng tiết kiệm nhiều hơn để có thể trang trải cuộc sống khi về hưu, qua đó ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng.

Theo số liệu nghiên cứu tại Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ trong khoảng 2003-2007, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của người trên 64 tuổi cao gấp 2-6 lần so với mức bình quân của người trẻ tuổi. Do đó, hiện tượng các chương trình an sinh xã hội và y tế công ngày một quá tải trong khi người dân gặp rắc rối về tài chính do bệnh tật đang dần trở thành vấn đề được nhiều nước quan tâm.

Trong khi đó, tổng tỷ suất sinh thấp khiến gánh nặng lên ngân sách cũng như người lao động hiện nay càng lớn. Tổng tỷ suất sinh (TFR- số trẻ bình quân trên mỗi người phụ nữ) tại nhiều nước hiện thậm chí xuống dưới 2,1 trẻ.

Mặc dù vậy, hiện nhiều người có nhận thức sai lầm rằng tỷ lệ sinh thấp chỉ là vấn đề ở các nước có thu nhập cao như Nhật Bản, nhưng trên thực tế nó lại diễn ra ở nhiều nước Châu Á thu nhập thấp.

Số liệu của Ngân hàng thế giới World Bank cho thấy tỷ lệ TFR tại Thái Lan chỉ là 1,54 trong khi Việt Nam là 1,93. Con số này là 1,37 tại Nhật và 1,98 tại Mỹ.

Bảng số liệu dưới đây cho thấy dù các nền kinh tế Châu Á có mức GDP bình quân đầu người khá đa dạng từ 1.000-50.000 USD nhưng tổng tỷ suất sinh của các nước, ngoại trừ Myanmar trong khu vực đều dưới 2,1 trẻ trong ít nhất 10 năm qua.

Sinh chất lượng thay vì số lượng

Nhiều chuyên gia kinh tế đã từng cho rằng chính sự phát triển kinh tế đã tác động đến tỷ lệ sinh mới hiện nay.

Các nghiên cứu sử dụng mô hình tăng trưởng kinh tế sau Thế chiến II tại Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy thay vì có nhiều con hơn, những bậc phụ huynh ngày nay lại tập trung cho chất lượng, tức là đầu tư nhiều hơn vào một đứa trẻ.

Tại Hàn Quốc và Đài Loan, tỷ lệ TFR đã giảm từ hơn 5 trẻ thời kỳ thập niên 60 xuống 2 trẻ vào thập niên 80 trong khi tỷ lệ GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện tượng này thậm chí đang xuất hiện cả ở những nước thu nhập thấp ở Châu Á như Việt Nam hay Myanmar. Sơ đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ TFR của vài nước Châu Á thu nhập thấp và Mỹ để so sánh.

Theo đó, tỷ lệ TFR tại các nước thu nhập thấp đã giảm mạnh từ 6 trẻ vào năm 1970 xuống khoảng 2 trẻ thập niên 90.

Đây là hiện tượng vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến lực lượng lao động cũng như tăng trưởng của nhiều nước.

Kinh doanh phi chính thức

Ngoài ra, những nền kinh tế đang phát triển còn phải đối mặt với một thách thức nữa khi nhiều ngành phi chính thức sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động trong xã hội.

Khác với các nước phát triển, việc nhiều doanh nghiệp hay người lao động không đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động không thông báo với chính phủ là điều khá bình thường ở những quốc gia thu nhập thấp. Thu nhập từ những ngành này không được đóng thuế cho chính phủ còn lao động thì không được bảo hộ thích đáng.

Số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ lao động phi chính thức trên tổng lao động tại các ngành ngoài nông nghiệp ở một số nước như Việt Nam và Ấn Độ khá cao, trong khi quốc gia đang phát triển có thu nhập cao nhất là Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có tỷ lệ 30%.

Giải pháp hữu hiệu

Theo nhiều nghiên cứu, nếu tuổi thọ bình quân của người dân nền kinh tế mới nổi Thái Lan tăng từ 75 hiện nay lên 80 tuổi vào năm 2055 và chính phủ chủ yếu dùng các loại thuế hiện nay để cân bằng ngân sách thì chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ tăng từ 5,5% GDP lên 12% GDP và thuế sẽ phải tăng 10 điểm phần trăm. Tỷ lệ này đã gần bằng với các nước giàu.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra biện pháp tăng thuế thu nhập không phải là phương thức tốt để đối phó với sự gia tăng tuổi thọ bình quân cũng như chi phí y tế. Động thái này có thể buộc các nguồn lực kinh tế chuyển dần sang mảng phi chính thức để trốn thuế

Trên thực tế, dân số lão hóa không hoàn toàn có tác động tiêu cực cho nền kinh tế khi mọi người cố gắng học hành, làm việc hơn để tiết kiệm cho tuổi già, qua đó cũng tăng thu nhập cho ngân sách qua thuế.

Một điều đáng ngạc nhiên là nhiều chuyên gia nhận định chính sách trợ cấp sinh con cũng như chăm sóc trẻ em sẽ chỉ làm hại hệ thống phúc lợi xã hội. Theo đó các chuyên gia cho rằng chính sách này sẽ làm méo mó chi phí tương quan giữa chất lượng và số lượng, qua đó làm tăng khả năng sinh sản nhưng lại giảm động lực đầu tư chất lượng giáo dục cho trẻ em. Nói cách khác, tầng lớp thu nhập thấp sẽ được khuyến khích sinh thêm để nhận trợ cấp trong khi học sinh không được đào tạo thích đáng và có xu hướng gia nhập các ngành phi chính thức.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng chính phủ các nước có thể cải thiện nguồn nhân lực, giảm các ngành phi chính thức và nâng hiệu quả lao động để đối phó với vấn đề lão hóa dân số. Với những chính sách hợp lý, nhiều nghiên cứu cho thấy các chính sách này có thể giảm hơn 5 điểm phần trăm mức thuế cần thiết cho chi phí y tế trong xã hội.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM