Người Nhật ngày càng chán sex, nhưng các DN bao cao su Nhật Bản lại sắp "lên đỉnh"
Tại Nhật Bản, nhu cầu tình dục của thế hệ trẻ đang ngày một đi xuống và thậm chí sản sinh ra một thế hệ những”thanh niên ăn cỏ-soushokukei danshi” (những nam giới không có nhu cầu về tình dục hay tiền bạc mà chỉ chú trọng đến vẻ bề ngoài và thời trang).
Đối với những công ty như hãng sản xuất bao cao su Sagami Rubber Industries, thông tin trên chẳng tốt lành gì khi dân số Nhật Bản đang ngày một lão hóa còn chính quyền Tokyo đang muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh mới.
Nhu cầu tránh thai cũng như tình dục tại Nhật Bản giảm mạnh đang khiến công ty này hướng ra những thị trường nước ngoài đầy tiềm năng, đặc biệt là Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh bãi bỏ chế độ 1 con đã được ban hành nhiều năm nay nhắm đối phó tình trạng thiếu lao động ngày một gia tăng.
Trung Quốc vốn nổi tiếng là một quốc gia sản xuất đồ giả nên chẳng ngạc nhiên gì khi nhu cầu dùng bao cao su Nhật Bản tại thị trường này lại tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhất là khi lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật ngày càng đông do đồng Yên giảm giá.
Hưởng lợi từ số khách du lịch tăng lên, các sản phẩm ngừa thai của Sagami cũng tăng theo, đặc biệt là loại sản phẩm bao cao su siêu mỏng đã bị bán hết hàng chỉ trong một thời gian ngắn.
Bao cao su mỏng nhất thế giới (0,01 mm) của hãng Sagami
Thậm chí, công ty Sagami đã phải hạn chế giao hàng vào thời điểm đầu năm 2016 để đảm bảo họ dự trữ đủ hàng tồn kho cho các cửa hàng để bán vào ngày 8/2/2016, thời điểm Tết Nguyên đán và cũng là lúc nhu cầu sử dụng bao cao su tại Nhật lên mức cao nhất.
Phía công ty cho biết nhờ nhu cầu tăng đột biến từ thị trường nước ngoài mà sản phẩm của hãng hiện đang lâm vào tình trạng thiếu cung tạm thời. Các cửa hàng bán lẻ ngày nào cũng gọi điện tới tấp đến văn phòng công ty để yêu cầu chuyển thêm hàng.
Hãng Credit Suisse nhận định người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng bao cao su Nhật Bản do tình trạng hàng giả kém chất lượng đang lan tràn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Tháng 4/2016, cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ và tịch thu khoảng 3 triệu bao cao su giả được sản xuất từ Trung Quốc đại lục có chất lượng vô cùng kém. Trước đó 2 năm, chính phủ Ghana cho biết khoảng 1 triệu bao cao su nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị rách khi đang được sử dụng hoặc bị thủng từ trước khi dùng.
Trong năm 2015, có khoảng 5 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản, tăng 100% so với năm 2014. Chính yếu tố này cùng đồng Yên yếu đã kích thích một làn sóng mua các sản phẩm từ Nhật Bản, từ tã trẻ em, nồi cơm điện cho đến giấy vệ sinh.
Với sự nổi tiếng về chất lượng, Nhật Bản đang trở thành thiên đường mua sắm cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Nhờ lợi thế này, hãng Sagami, nhà sản xuất bao cao su lớn thứ 2 Nhật Bản cũng đang được hưởng lợi về doanh số bất chấp tình trạng chán “sex” trong xã hội.
Cổ phiếu của hãng đã tăng 137% trong 10 tháng đầu năm 2015, trong khi đối thủ của Sagami là Okamoto Industries cũng tăng 156%.
Doanh số bán cho các cửa hàng bán lẻ Nhật Bản của Sagami (triệu chiếc)
Ngành bao cao su Nhật hồi sinh
Hãng Sagami cho biết họ có quan điểm vô cùng tích cực về khả năng phát triển trong tương lai dài hạn dù dân số Nhật đang lão hóa còn tầng lớp thanh niên thì không hào hứng với tình dục.
“Nếu nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự chuyển đổi từ tập trung xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa thì người dân sẽ muốn bỏ tiền mua những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Vì vậy vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành bao cao su”, đại diện của hãng Sagami nói.
Để mở rộng sản xuất, Sagami đang xây dựng một nhà máy mới tại Ipoh-Malaysia và một nhà máy khác tại Ohato-Nhật Bản. Đến mùa xuân năm nay, hãng kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi sản lượng bao cao su siêu mỏng-mặt hàng bán cực chạy lên con số 80 triệu chiếc/năm.
Sản phẩm bao cao su siêu mỏng của Sagami làm bằng vật liệu tổng hợp chống thấm Polyurethane với độ dày chỉ 0,02 mm và có giá gấp đôi so với loại thường, khoảng 1.000 Yên (8,5 USD) cho hộp 6 chiếc. Dẫu vậy, nhu cầu cực cao từ Trung Quốc với dòng sản phẩm này đã gây ra tình trạng khan hiếm tạm thời tại Nhật Bản và thúc đẩy Sagami lên kế hoạch phân phối trực tiếp cho thị trường Châu Á này trong năm nay.
Rõ ràng, các khách hàng Trung Quốc đã cứu những nhà sản xuất như Sagami khỏi tình trạng khó khăn khi dân số Nhật giảm và nền kinh tế trong nước giảm tốc. Doanh số của Sagami được dự đoán sẽ đạt mức đỉnh tương đương thập niên 80 nhờ các khách hàng Trung Quốc.
Sản phẩm bao cao su 0,02 mm của Sagami
Theo khảo sát của Durex năm 2005, các cặp đôi Nhật Bản là những người ít quan hệ tình dục nhất thế giới với bình quân 45 lần mỗi năm. Con số này là 138 lần tại Hy Lạp và 96 lần tại Trung Quốc.
Một khảo sát năm 2014 của Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Nhật bản (JFPA) cho thấy 47% phụ nữ Nhật trong độ tuổi 16-24 không có hứng thú hay ghét quan hệ tình dục, tỷ lệ này là 18% ở nam giới.
Khảo sát này cho thấy các cặp vợ chồng Nhật cũng quan hệ ngày càng ít đi với 45% số cặp được hỏi không có quan hệ trong tháng trước khi khảo sát diễn ra. Tỷ lệ này cao hơn mức 41% năm 2012 và 32% năm 2004.
Trong khi đó, khảo sát của riêng hãng Sagami năm 2013 cho thấy 41% đàn ông Nhật ở độ tuổi trên 20 vẫn còn là “trai tân”. Theo đó hãng cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay ở nam giới Nhật là họ quá e ngại và rụt rè trong việc làm quen bạn khác giới.
Công ty hiện đang tổ chức nhiều chương trình nhằm khuyến khích các bạn trẻ Nhật “tìm hiểu” nhau nhiều hơn. Họ tổ chức một câu lạc bộ cho những người độc thân tại Tokyo và phát những mẫu sản phẩm của mình cho người tham gia, đặc biệt nữ giới được tặng miễn phí bao cao su. Trong dịp Giáng Sinh năm 2015, có khoảng 5.000 nam nữ thanh niên Nhật đã tham gia buổi gặp mặt của câu lạc bộ này.