Người Nhật cũng học người Việt, chuyển sang "mê" tiền mặt

25/08/2016 16:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Hãng Master Card cho biết khoảng 38% các khoản giao dịch của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn bằng tiền mặt. Những cuộc khủng hoảng tài chính đã dạy cho các quốc gia phát triển rằng: Tiền mặt là vua.

Tại Việt Nam, tiền mặt là công cụ giao dịch chủ yếu trong đời sống xã hội cũng như là phương tiện thanh toán chủ chốt trong nhiều thương vụ. Mặc dù các phương tiện thanh toán điện tử và phi tiền mặt đã được phát triển nhiều năm nhưng có thể nói, người dân Việt Nam vẫn ưa thích “tiền tươi thóc thật” hơn là sở hữu một chiếc thẻ ngân hàng.

Dẫu vậy, nếu cho rằng hiện tượng này là dấu hiệu của một nền kinh tế chưa phát triển thì các bạn hoàn toàn sai lầm bởi việc ưa thích tiền mặt còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như văn hóa, lịch sử, truyền thống xã hội... chứ không chỉ là kinh tế.

Đặc biệt, việc các ngân hàng trung ương đua nhau sử dụng chính sách lãi suất âm hoặc hạ lãi suất ngày càng thúc đẩy người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng nhiều hơn. Trong khi đó, những chính sách kích thích kinh tế lại đổ một lượng lớn tiền vào trong thị trường, khiến tiền mặt lan tràn trên mọi giao dịch.

Ví dụ điển hình nhất cho hiện tượng này là một số nước cực kỳ phát triển nhưng họ vẫn chuộng tiền mặt.

Tại Nhật Bản, tiền mặt vẫn là “vua”

Nếu đến Nhật Bản, bạn có thể dùng thẻ tín dụng để quẹt vé lên tàu hoặc dùng điện thoại quẹt mã vạch để mua nước uống tại máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, chắc mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết rất nhiều cửa hàng tại đây không chấp nhận thẻ tín dụng hay bất kỳ công cụ thanh toán nào khác ngoài tiền mặt.

Thậm chí, 2 trong số 13 nhà hàng xếp hạng 3 sao, mức cao nhất trong bảng xếp hạng nhà hàng của Michelin, tại thủ đô Tokyo cũng không chấp nhận thẻ tín dụng.

Không như Việt Nam, những công cụ thanh toán phi tiền mặt đã xuất hiện rất lâu ở Nhật Bản khi tấm thẻ tín dụng đầu tiên xuất hiện tại đây là vào thập niên 60. Tính đến năm 2014 đã có khoảng 320 triệu chiếc thẻ tín dụng được lưu hành trên thị trường, tương đương với việc cứ mỗi người trưởng thành Nhật Bản có khoảng 3 chiếc thẻ.

Ngoài ra, những phương tiện thanh toán khác như chuyển khoản, séc, thanh toán điện tử... cũng vô cùng phổ biến trong xã hội Nhật cũng như đã được phát triển từ lâu.

Tuy vậy, hãng Master Card cho biết khoảng 38% các khoản giao dịch của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn bằng tiền mặt. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn 7% so với Trung Quốc, quốc gia có lịch sử dùng thẻ tín dụng ngắn hơn rất nhiều so với Nhật Bản, đồng thời cao gấp 5 lần tỷ lệ dùng tiền mặt tại Pháp.

Cũng theo nghiên cứu của Master Card, chỉ có 11% người Anh dùng tiền mặt trong các giao dịch tiêu dùng, còn người Mỹ là 20%.

Số liệu của chính phủ Mỹ năm 2013 cho thấy tổng số tiền mặt bình quân mỗi người Mỹ nắm giữ là vào khoảng 2.029 USD/người, bao gồm cả ngoại tệ. Tuy nhiên, con số này là hơn 6.000 USD/người tại Nhật Bản.

Có một điều thú vị ở Nhật Bản là trong số 190.000 máy rút tiền tự động toàn quốc, hầu hết chúng không chấp nhận những thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài. Phần lớn khách du lịch tại đây phải đến một trong 20.000 cửa hàng tiện lợi như 7 Eleven hay trạm bưu điện mới có thể dùng thẻ tín dụng của mình.

Dùng tiền mặt vì...ít trộm cắp

Một số chuyên gia cho rằng tình hình xã hội ổn định, ít trộm cắp của Nhật khiến người dân cảm thấy an tâm khi mang nhiều tiền mặt theo người. Thậm chí nếu đánh rơi túi, người mất có thể tìm lại với nguyên vẹn tiền bạc bên trong, ngoại trừ những trường hợp bị móc túi bởi tội phạm người nước ngoài. Hiện Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Ngoài ra, rất nhiều cửa hàng hay quán ăn tại Nhật có quy mô nhỏ, mang tính tạm thời. Vì vậy họ không đủ chi phí hoặc không muốn tốn tiền để trang bị những hệ thống thanh toán hiện đại như máy quét thẻ tín dụng. Hơn thế nữa, phần lớn các cửa hàng nhỏ tại Nhật Bản đều không trả thuế cũng như báo cáo lỗ trong các bản báo cáo tài chính. Điều này khiến họ “vui lòng” nhận tiền mặt hơn là nhận thanh toán qua ngân hàng để bị truy tra.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng trung ương Nhật bản (BOJ) bơm một lượng lớn tiền vào nền kinh tế nhằm kích thích tiêu dùng và chóng giảm phát cũng khiến xu thế dùng tiền mặt ngày càng tăng tại Nhật. Mới đây, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã tuyên bố kế hoạch bơm thêm hơn 265 tỷ USD vào nền kinh tế nhằm kích thích tiêu dùng, đầu tư, tăng trưởng.

Mặc dù hầu hết những khoản kích thích kinh tế này của BOJ được lưu trữ tại các ngân hàng thương mại dưới dạng con số nhưng điều này cũng kích thích việc sử dụng tiền mặt trong xã hội Nhật Bản.

Ngoài ra, việc chính quyền Tokyo quyết định giữ nguyên mức lãi suất âm 0,1% nhằm thúc đẩy kinh tế khiến việc giữ tiền trong ngân hàng mất đi sức hút, qua đó thúc đẩy người dân rút tiền tiêu dùng hoặc đầu tư, thậm chí cất giữ tại nhà.

Năm 2013, nhu cầu sử dụng tiền mặt tại Nhật đã tăng tới 4%. Năm 2014, khoảng 90 nghìn tỷ Yên tiền mặt (885 tỷ USD), tương đương 1/5 GDP của nước này đã được đưa vào trong lưu thông. Tính đến tháng 7/2016, tổng số tiền mặt đang lưu thông trong thị trường Nhật đạt 403 nghìn tỷ Yên, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), số tiền mặt lưu thông tính theo phần trăm GDP tại Nhật Bản hiện đang ở mức cao nhất thế giới.

Trên thực tế, việc yêu tiền mặt không phải bản tính của người Nhật bởi tỷ lệ tiền giấy lưu thông trong thị trường trước thập niên 90 tại đây chỉ bằng 50% mức hiện tại. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng hàng loạt những bất ổn trong hệ thống tài chính đã khiến người Nhật yêu tiền mặt nhiều hơn.

Nghiên cứu của BIS cho thấy tỷ lệ lưu thông tiền mặt trong xã hội Nhật chỉ chưa đến 10% GDP cho đến tận giữa thập niên 90. Sau đó, tỷ lệ này đột nhiên tăng dần lên 19% GDP tính đến năm 2012, cao gấp đôi tỷ lệ lưu thông tiền mặt theo phần trăm GDP của bất kỳ quốc gia phát triển nào trên thế giới.

Cho đến tận ngày nay, khi những cuộc khủng hoảng đã qua, người tiêu dùng Nhật vẫn cho rằng giữ tiền tại gia mới là an toàn nhất.

Thêm vào đó, với tỷ lệ dân số đang ngày một lão hóa nhanh, những người già Nhật Bản thà để tiền ở nhà còn hơn gửi ngân hàng để mất thêm lệ phí.

Số liệu của BIS năm 2012 cho thấy có đến 87,5% tiền mặt và tiền xu tại Nhật Bản hiện đang nằm trong tay các hộ gia đình hay công ty hơn là trong ngân hàng.

(Còn tiếp)

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM