Người Trung Quốc ngày càng chán tiền mặt và Jack Ma thích điều này
Trong khi những nước như Nhật và Đức yêu tiền mặt thì thật bất ngờ, một quốc gia đang phát triển như Trung Quốc lại ngày càng chán “tiền tươi thóc thật”.
Jack Ma thích điều này
Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thanh toán di động, người dân Trung Quốc giờ đây có lẽ coi trọng chiếc điện thoại của mình hơn cả chiếc ví.
Khảo sát vào tháng 5/2016 của tờ Financial Times cho thấy 98,3% số người dân Trung Quốc họ đã sử dụng các nền tảng thanh toán di động trong vòng 3 tháng qua. Trong đó, nền tảng thanh toán Alipay của Alibaba được sử dụng nhiều nhất với 79,5%.
Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với số người sử dụng thẻ tín dụng (45,5%), thẻ ngân hàng (30%) hay thậm chí là tiền mặt (79%).
Trong khi đó, đối thủ của Alipay là Tenpay được phát triển bởi hãng Tencent chỉ nhận được 26% số người được hỏi, còn Apple Pay chỉ có 0,3%.
Tỷ lệ sử dụng Alipay, tiền mặt... tại các đô thị loại 1-2-3 ở Trung Quốc
Xét theo cấp độ thành phố, Alipay thống trị hầu như toàn Trung Quốc với 79,3% tại các đô thị loại 1, 80,2% tại các đô thị loại 2 và 79% tại các đô thị loại 3. Thậm chí, số người dùng Alipay tại các đô thị loại 1 còn cao hơn 5,9% so với hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), số người dùng nền tảng thanh toán di động vào cuối năm 2015 đã đạt 357,7 triệu người, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước.
Những người được khảo sát cho biết họ thường dùng di động để thanh toán trong các siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Ngoài ra, nền tảng này còn được dùng để trả tiền điện nước, đặt món ăn hay các vé du lịch hoặc đặt bàn tại nhà hàng...
Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng càng trẻ thì họ càng sử dụng công nghệ thanh toán di động nhiều hơn. Chỉ có khoảng 56,1% số người trên 35 tuổi cho biết họ thích trả tiền bằng di động trong khi tỷ lệ này là 88% ở khách hàng 18-24 tuổi.
Mảng thanh toán di động ngày nay đang cố gắng để vượt qua ứng dụng quét mã vạch (QR code) trong thanh toán bán lẻ. Với lợi thế là kho dữ liệu khổng lồ từ các công ty mẹ như Alibaba hay Tencent, thậm chí mảng thanh toán di động còn lấn sân sang lĩnh vực tài chính và đang thách thức các ngân hàng truyền thống.
Tỷ lệ dùng nền tảng thanh toán di động trong 3 tháng qua cho các loại dịch vụ khác nhau ở Trung Quốc
Tiền mặt mất ngôi vương
Số liệu của PBOC cho thấy sự gia tăng chóng mặt của các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt tại nước này. Trung Quốc có khoảng 4,2 tỷ thẻ ngân hàng được lưu thông trên thị trường vào năm 2014, tương đương mỗi người dân đại lục của nước này sở hữu 3 thẻ ngân hàng.
Trong số đó, loại thẻ tín dụng đang tăng trưởng nhanh chóng với 19% vào năm 2013 và hãng Euromonitor dự đoán loại thẻ này sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn cho đến tận năm 2019.
Đây là một biến đổi lớn trên thị trường Trung Quốc khi trước đây, người dân vẫn chuộng “tiền tươi thóc thật” thậm chí với cả những giao dịch lớn như mua nhà hay xe hơi. Việc có quá nhiều biến động trong nền kinh tế cũng như địa chính trị thời kỳ đó khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng, sợ hãi nợ nần cũng như khiến họ ưa thích giữ tài sản bằng tiền mặt hơn.
Tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt tại một số nước vào năm 2012.
Số lượng phát hành thẻ ngân hàng và thẻ tín dụng ở Trung Quốc (triệu)
Tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt tại các độ tuổi và bằng các nền tảng khác nhau ở Trung Quốc (%)
Dẫu vậy, nghiên cứu của Master Card cho thấy tốc độ thay đổi phi tiền mặt trong thanh toán tại Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới với 37,7% năm 2013, hơn rất nhiều so với mức 21,6% của Châu Á và mức bình quân 7,6% toản cầu.
Nguyên nhân chính cho sự thay đổi thần tốc này được cho là do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Trung Quốc cũng như những chính sách khuyến khích thanh toán phi tiền mặt của chính quyền Bắc Kinh.
Một nghiên cứu của Nielsen cho thấy khoảng 71% số người tiêu dùng Trung Quốc tại các thành phố đô thị loại 1, cao hơn nhiều so với mốc khoảng 50% tại các quốc gia khác.
Mặc dù vậy, tiền mặt vẫn đóng vai trò quan trọng tại các vùng nông thôn khi các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ có thể trốn thuế và không phải tốn phí dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, xu thế tiền mặt là vua ở Trung Quốc sẽ ngày một mờ nhạt để rồi đến một ngày, người tiêu dùng thà chịu mất ví còn hơn mất điện thoại.