Người dân Nhật hi sinh quyền lợi ra sao để chính phủ giải quyết bệnh ung thư và đưa chất lượng y tế cao nhất thế giới?

19/09/2016 12:00 PM | Sống

Chính người dân Nhật cũng phải chấp nhận hy sinh tỷ lệ thu nhập rất cao cho các loại bảo hiểm ngay từ khi họ còn rất trẻ, tổng mức thuế, phí bảo hiểm với sinh viên mới ra trường lên đến gần 25% tổng thu nhập và tăng lũy tiến theo thu nhập hàng năm.

Ở Nhật, sẽ không khó để bạn có thể nhìn thấy rất nhiều người già ở tuổi ngoài 70 vẫn đang làm việc cần mẫn chăm chỉ. Họ có thể làm nghề yêu cầu chuyên môn trình độ cao như tư vấn tài chính doanh nghiệp hay tư vấn đầu tư, cũng có thể làm nhiều công việc dịch vụ, chuyên môn bình thường như làm trong nhà hàng, bưng bê, dọn dẹp.

Công việc chuyên môn cao tất nhiên được trả lương hậu hĩnh và thường động cơ tài chính chỉ là phần nào lý do khiến họ phải làm việc khi họ đã ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi. Thế nhưng đối với những người phải làm công việc chân tay, với số tiền tiết kiệm ít ỏi mà họ có, họ bắt buộc phải làm việc nếu họ muốn có tiền chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế vốn có chi phí rất cao.

Kết quả các cuộc thống kê khác cũng cho thấy bệnh nhân ung thư ở Nhật thường có thể được chữa trị để kéo dài cuộc sống khỏe mạnh thêm từ 5 đến 10 năm, mức rất cao so với nhiều nước phát triển nhất thế giới.

Tuy nhiên, tất cả mọi sự tốt đẹp đều có giá của nó. Chính người dân Nhật cũng phải chấp nhận hy sinh tỷ lệ thu nhập rất cao cho các loại bảo hiểm ngay từ khi họ còn rất trẻ, tổng mức thuế, phí bảo hiểm với sinh viên mới ra trường lên đến gần 25% tổng thu nhập và tăng lũy tiến theo thu nhập hàng năm.

Nhưng cùng lúc đó là sự nỗ lực cực kỳ khủng khiếp của chính phủ Nhật để thu xếp nguồn tài chính đầy đủ giúp đảm bảo chất lượng chăm sóc y tế cho người dân.

Trong các cuộc họp gần đây của nội các chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vấn đề tiền thuốc men cao được rất nhiều các nghị sỹ nói đến với tâm trạng đầy lo lắng.

Theo số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật công bố tháng 8/2016, trong năm tài khóa 2015, người Nhật đã chi trả 41,46 nghìn tỷ yên cho chi phí khám chữa bệnh, con số cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Mức chi phí này thậm chí tăng đều đặn 3 đến 5% qua các năm. So với năm tài khóa 2014, chi phí đã tăng đến 1,5 nghìn tỷ yên.

Trong tổng chi phí trên, chi phí thuốc men là 7,9 nghìn tỷ yên, tăng 680 tỷ yên tương đương 9,4% so với năm trước đó. Trong đó, chi phí các loại thuốc cơ bản trong chương trình bảo hiểm quốc gia tăng đến 250% so với năm trước đó.

Giới chính trị gia Nhật đã tranh cãi nhau rất nhiều về việc chi phí thuốc tăng cao. Một nhóm chuyên trách trong Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật đã được lập ra để tính cách hạ giá thuốc bởi lo ngại nếu giá thuốc cứ tăng mãi, chính phủ sẽ phải chấp nhận để ngân sách “thâm thủng” hoặc đẩy phần chi phí đó về phía người dân, và người nghèo đã khổ vốn sẽ càng khổ.

Theo quy định căn bản hiện nay, phần lớn các loại thuốc được bác sỹ kê đơn cho bệnh nhân được chi trả bởi chương trình bảo hiểm quốc gia, tất cả những công dân sống trên đất Nhật buộc phải tham gia chương trình này. Người bệnh phải trải qua những ca phẫu thuật tốn kém sẽ được bồi hoàn phần lớn chi phí y tế. Mức bồi hoàn sẽ dựa trên thu nhập của người đóng bảo hiểm, nhưng sẽ dưới 140 nghìn yên/tháng.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều chính trị gia Nhật lo lắng lại chính là việc thời gian gần đây, khá nhiều loại thuốc nhập khẩu được nhận xét có chất lượng tốt được nhập vào Nhật có giá rất cao.

Thuốc điều trị viêm gan C Harvoni được phát triển bởi công ty Gilead Sciences tại Mỹ được chấp thuận cho phép lưu hành tại Nhật vào tháng 8/2015. Theo chính phủ Nhật, thuốc Harvoni có tác dụng trị bệnh rất tốt, ưu việt hơn hẳn so với các loại thuốc hiện tại, tuy nhiên, mỗi liều Harvoni hàng ngày có giá lên đến 80 nghìn yên.

Nếu người bệnh không lựa chọn Harvoni, họ cũng vẫn còn có thể chọn nhiều loại thuốc khác để phù hợp với mức bảo hiểm quốc gia, thế nhưng quá trình điều trị bệnh sẽ tốn thời gian, công sức. Nhưng nếu lựa chọn Harvoni hay các loại thuốc đắt tiền, người bệnh sẽ buộc phải trả thêm tiền, mức chi trả nhiều khi quá cao so với khả năng tài chính của họ.

Cũng mới tháng trước, Bộ Y tế Nhật đã chấp thuận sử dụng hai loại thuốc mới bao gồm Opdivo giúp điều trị ung thư phổi, Repatha giúp hạ cholesterol trong máu. Vì quá khó để ngân sách chính phủ chi trả cho thuốc đắt tiền, và cũng quá khổ nếu người dân phải trả cho chi phí các thuốc trên, chính vì vậy, nhiều chính trị gia đã đề xuất chỉ những bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn bệnh quá nặng được điều trị bằng thuốc đắt tiền.

Theo giám đốc trung tâm hóa học trị liệu thuộc Trung tâm Y tế Hội Chữ thập đỏ Nhật, ông Hideo Kunito, đối với thuốc điều trị ung thư phổi Optivo, mỗi năm mỗi bệnh nhân sẽ tiêu tốn 35 triệu yên (tức khoảng 7,7 tỷ đồng Việt Nam).

Nếu tính riêng số lượng bệnh nhân là 50 nghìn người, mỗi năm, ngân sách y tế của nhà nước sẽ phải chi ra đến 1,75 nghìn tỷ yên – tương đương với số tiền xây đến 7 sân vận động quốc gia mới. Và nếu chính phủ chấp thuận cho lưu hành thêm chỉ 2 loại thuốc điều trị ung thư khác, chắc chắn ngân sách y tế mỗi năm sẽ tương đương với ngân sách quốc phòng.

Để đảm bảo ổn định tài chính, người dân sẽ buộc phải đóng góp nhiều hơn mức hiện tại rất nhiều, tính theo đường nào cũng rất khó cho cả chính phủ và người dân Nhật. Chi phí để được hưởng cuộc sống chăm sóc y tế tốt, tất nhiên không bao giờ rẻ.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM