Thưởng Tết năm nay ra sao?

12/12/2014 11:30 AM | Nghề nghiệp

Thưởng Tết luôn là khoản tiền được người lao động (NLĐ) quan tâm nhất mỗi khi năm hết Tết đến. Theo dự báo, thưởng Tết năm nay cũng chỉ ở mức khiêm tốn do tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Khối ngân hàng, BĐS...dè chừng

Trưởng bộ phận tín dụng (thuộc một phòng giao dịch Ngân hàng TMCP An Bình - ABBANK) tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, còn 20 ngày nữa là hết năm nhưng vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cho vay. “Hiện, tôi và một cán bộ nữa vẫn thiếu tới 2 tỷ đồng trong tổng số 30 tỷ đồng phải giải ngân cho khách hàng theo chỉ tiêu được giao”, vị này nói. Cũng theo vị này, năm ngoái, nhận được khoản tiền thưởng Tết bằng 2 tháng lương (khoảng 18 triệu đồng), nhưng năm nay “chưa biết thế nào vì phải chờ lãnh đạo ngân hàng họp quyết định”.

Theo phó giám đốc một chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Hà Nội, thời điểm này đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch nhưng vẫn chưa dám nói đến chuyện thưởng Tết. “Cấp trên chưa có công văn xuống nên lãnh đạo chi nhánh chưa dám quyết thưởng. Dù năm nay, chúng tôi đạt tăng trưởng tốt, số lượng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ngày một tăng nhưng không kỳ vọng mức thưởng Tết sẽ cao”, vị này nói.

Chi nhánh này có 146 nhân viên, lương trung bình nhân viên giao dịch khoảng 7 triệu đồng/tháng. “Năm ngoái, mỗi nhân viên thưởng 1 tháng lương. Làm cương vị lãnh đạo như tôi, ai cũng nghĩ thưởng nhiều nhưng năm ngoái đưa về cho vợ được 15 triệu đồng. Năm nay, nếu không có gì thay đổi, sẽ vẫn giữ nguyên mức thưởng năm ngoái”, vị này nói.

Dù thị trường bất động sản (BĐS) năm 2014 có những điểm sáng khi thanh khoản trên thị trường tăng, doanh nghiệp đã khá hơn. Tuy nhiên, nói về chuyện thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn dè chừng. Ông Phan Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Hud 3 cho biết, năm 2014, doanh nghiệp vui mừng khi dự án CT3 Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bán hết hàng.

“Mặc dù là một trong nhiều doanh nghiệp có công ăn việc làm ổn định cho nhân viên, nhưng thị trường BĐS vẫn đỏng đảnh nên thưởng Tết không dám quá tay. Năm nay, chúng tôi dự kiến duy trì mức thưởng 2 tháng lương (khoảng 10 triệu đồng) cho nhân viên. Chúng tôi phải “ăn dè” để dành cho những lúc đói”, ông Sơn nói.

“Do điều kiện khó khăn, sẽ có nhiều doanh nghiệp có mức thưởng khiêm tốn”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân

“Chúng tôi sẽ cố duy trì mức thưởng Tết như năm ngoái” là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng GĐ Cty Cổ phần Đầu tư Hải Phát. Theo ông Thái, dự án The Pride (Hà Đông, Hà Nội) đang bàn giao cho khách hàng. Do đó, khi thu được tiền của khách hàng mới có tiền thưởng cho nhân viên. “Tuy nhiên, Cty chỉ cố gắng mức thưởng lương tháng thứ 13”, ông Thái nói.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng GĐ Cty TNHH Hòa Bình, chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City (Minh Khai, Hà Nội) cho hay, dù Cty đang làm ăn tốt nhưng thưởng tết của nhân viên không cao hơn mọi năm. “Ngoài hoạt động kinh doanh, chúng tôi phải làm các chương trình xã hội. Mức thưởng Tết không có gì thay đổi so với mọi năm”, ông Đường nói.

Nhận định về việc thưởng Tết của doanh nghiệp kinh doanh BĐS năm nay, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hà Nội cho rằng, tình hình thưởng Tết của doanh nghiệp BĐS cũng ấm dần lên theo thị trường. Nếu như năm trước, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, năm nay có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn.

Nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, dù hơn 2 tháng nữa là đến Tết Ất Mùi 2015, nhưng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết.

Theo ông Thanh, 2014 vẫn là năm khó khăn với doanh nghiệp. Tình hình sản xuất kinh doanh có ổn định hơn năm ngoái, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản. Chính vì thế, sẽ ít nhiều tác động đến tình hình lương, thưởng đối với NLĐ. Bình luận về mức thưởng Tết năm nay, ông Thanh thẳng thắn: “Cố lắm, may ra các doanh nghiệp mới giữ được mức thưởng như Tết năm ngoái, khó có mức thưởng cao đột biến”.

Ông Thanh cho biết, Tết Giáp Ngọ năm ngoái, có 162 doanh nghiệp báo cáo về thưởng Tết. Mức cao nhất là 65 triệu đồng thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Có thể năm nay, các doanh nghiệp FDI sẽ giữ được mặt bằng lương, thưởng như năm ngoái (trung bình 3,72 triệu đồng), còn với các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ giảm”, ông Thanh nói.

Đại diện Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nếu thời điểm này dự báo về thưởng Tết hơi sớm. Tuy nhiên, theo vị này, việc báo cáo tình hình lương, thưởng Tết là vô cùng quan trọng. “Năm ngoái, tiền thưởng Tết cao nhất là 709 triệu đồng. Tuy nhiên, có tới 296 doanh nghiệp với 256 nghìn lao động ở 8 tỉnh, thành phố không có tiền thưởng Tết dương lịch; có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh (Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa) không có thưởng Tết âm lịch”, vị này nói.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Lao động- Tiền lương, khó dự báo được tình hình thưởng Tết năm nay vì thực sự số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn nhiều, dẫn tới số lượng người đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh.

Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, về mức thưởng Tết năm nay, dự đoán “do điều kiện khó khăn, sẽ có nhiều doanh nghiệp có mức thưởng khiêm tốn”. Bình luận về mức lương năm 2015, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, do có những thay đổi về lương tối thiểu vùng (hiệu lực từ 1/1/2015) nên có thể cao hơn một chút, nhưng cơ bản không khác hơn nhiều so với năm 2014.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp triển khai thực hiện; đồng thời chuẩn bị phương án về lương, thưởng Tết để báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH. “Đặc biệt, với các doanh nghiệp có tình hình khó khăn càng cần có phương án hỗ trợ NLĐ trong Tết Nguyên đán chu đáo”, ông Huân nói.

>> “Thưởng Tết năm nay nhiều khả năng sẽ khiêm tốn”

Theo Phong Cầm - Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM