“Sau khi tốt nghiệp đại học, các bạn nên đi tìm sự thất bại”
Thất bại mang lại sự trải nghiệm. Thất bại càng nhiều thì thành công càng mỹ mãn.
Nội dung nổi bật:
- Các bạn đang sợ thất bại, khao khát sự thành công. Các bạn tìm đến vùng biển lặng mà không biết rằng cuộc đời đầy bão táp. Khi gặp cơn bão to thực sự, con thuyền của các bạn sẽ vỡ thành từng mảnh. Nó chỉ còn là một con thuyền mục nát.
- 2 đến 3 năm đầu đời, khi còn được bố mẹ bao bọc, các bạn nên tìm sự thất bại, nên đi thực tập. Bởi khi thực tập, mắc sai lầm các bạn không bị trừ lương, không bị cho vào hồ sơ, không bị đuổi việc, vì các bạn mới chỉ là thử việc, là thực tập, là cộng tác viên thời vụ…
“12 năm học từ lớp 1 tới lớp 12, 4 năm đại học, thậm chí học thạc sỹ, tiến sỹ… chỉ là một quá trình sản xuất, nhưng thành công hay không chưa thể định nghĩa được”, ông Nguyễn Minh Đức – Quản lý 2 nhà hàng và 1 quán bar tại khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake chia sẻ tại “Ngày hội việc làm – Career Fair 2015” diễn ra chiều 30/8 tại Hà Nội.
Ông Đức lập luận rằng: Nếu coi những sinh viên sau tốt nghiệp như một con thuyền mới ra khơi, thì các bạn sinh viên thời này thường có xu hướng tìm đến “vùng biển lặng”.
“Các bạn đang sợ thất bại, khao khát sự thành công. Các bạn tìm đến vùng biển lặng mà không biết rằng cuộc đời đầy bão táp. Khi gặp cơn bão to thực sự, con thuyền của các bạn sẽ vỡ thành từng mảnh. Nó chỉ còn là một con thuyền mục nát”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, suy nghĩ mới hiện nay là: Những con thuyền mới ra khơi còn đang ở rất gần bờ. 2 đến 3 năm sau tốt nghiệp, vẫn còn sự bao bọc của gia đình vì bố mẹ các bạn còn đi làm. Vậy nên hãy đi vòng! Đừng tìm vùng biển lặng, hãy đi vào bão táp.
“Khi đi vào bão táp, sẽ biết con thuyền của bạn hỏng chỗ nào. Bờ còn ở rất gần, các bạn hoàn toàn có thể sửa chữa lại. Sau 2 - 3 năm thử thách, đến 1 ngày, các bạn sẽ thấy mình trở thành sản phẩm toàn diện hơn”.
Ông Nguyễn Minh Đức hiện đang quản lý 2 nhà hàng và 1 bar tại khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake.
Ngay từ khi học đại học, hãy làm càng nhiều nghề càng tốt. Hãy tìm công việc bạn đam mê chứ đừng tìm công việc bạn thích. Cần trải nghiệm 3 - 4 tháng thực tập tại một công ty nào đó, tạo sự đa dạng: Một 1 chút công việc về nghệ thuật, một chút tinh tế, một chút tỉ mỉ, một chút chân tay...
“Ai cũng muốn làm nhàn hạ, nhưng không trải nghiệm nỗi khổ của người lao động, các bạn sẽ không hiểu công việc của nhân viên khi ở cương vị cao hơn”, ông Đức nói.
Với hiện trạng làm trái ngành của nhiều sinh viên, ông Đức cho rằng: Làm trái ngành không quan trọng, nhưng điều cần là làm việc với niềm đam mê.
“Thứ nhà tuyển dụng cần là sự nhiệt huyết, đam mê. Những thứ học ở đại học chỉ áp dụng 10 - 20% trong thực tế. Bạn có đam mê thì tôi và các nhà tuyển dụng khác có thể đào tạo. Thế là quá đủ! Nếu tìm vùng biển lặng, để 5 - 10 năm nữa phát hiện ra mình sai lầm thì các bạn không thể thay đổi. Còn khi tìm đến vùng bão táp, nếu cứ thất bại rồi đứng dậy làm tiếp, một ngày các bạn sẽ thành công”, ông Đức nói.
"Nếu các bạn thất bại đến lần 3, lần 4, lần 5. Rất có thể bạn sẽ bỏ cuộc, nhưng đừng! Hãy biến nó thành động lực để đứng dậy. Nếu bạn dừng lại, 10 năm sau, mọi người vẫn nói về bạn như một kẻ thất bại".
Từng đoạt 2 giải thưởng IHG Future Leader 2012 (tạm dịch: Nhà lãnh đạo tương lai) và Potential Manager of the year 2014 (Quản lý tiềm năng của năm), ông Nguyễn Minh Đức khuyên nhủ các bạn trẻ: “Thất bại mang lại sự trải nghiệm. Thất bại càng nhiều thì thành công càng mỹ mãn. Đấy là lý do 2 - 3 năm đầu đời các bạn nên tìm sự thất bại, nên đi thực tập. Bởi khi thực tập, mắc sai lầm các bạn không bị trừ lương, không bị cho vào hồ sơ, không bị đuổi việc, vì các bạn mới chỉ là thử việc, là thực tập, là cộng tác viên thời vụ…”
“Đấy là lúc các bạn có thể mắc sai lầm. Các bạn học hỏi từ những sai lầm đó. Đó mới là lúc các bạn trưởng thành”.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2011, “Ngày hội việc làm” là chương trình thường niên được tổ chức bởi CLB Marketing trường Đại học RMIT (Hà Nội).
Mục đích của sự kiện nhằm tạo ra cầu nối giữa sinh viên đang tìm kiếm việc làm với các doanh nghiệp lớn đang có nhu cầu tuyển dụng ở tất cả các ngành nghề như Marketing, Kinh tế - Tài chính, Nhân sự, Kiểm toán - Kế toán. “Ngày hội việc làm 2014” đã thu hút 975 bạn sinh viên và 21 nhà tuyển dụng tham gia.