Chủ tịch Fsoft Hoàng Nam Tiến: “Chỉ kẻ thất bại mới biết dừng lại đúng lúc”

30/08/2015 08:38 AM | Kinh doanh

"Rất ít người chịu dừng lại khi họ đang thành công, nhưng chẳng có ai là thành công mãi mãi", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến chia sẻ với học viên chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh FeMBA của Viên Quản trị Kinh doanh FSB.

Theo ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software (Fsoft), khi xây dựng chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh, ai cũng nghĩ mình phải có sự khác biệt, phải có cái mới. Tuy nhiên không dễ để làm được điều đó.

“Thực tế cho thấy có tới 80% doanh nghiệp ở mức bình bình, 10% doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, chỉ có 10% doanh nghiệp có thể nhảy vọt nhờ khác biệt.” – ông Tiến khẳng định.

Theo tôi, thường cái hay thì không mới, cái mới thì không hay. Còn nếu bạn tìm ra được cái vừa hay vừa mới thì bạn quá không may mắn. Bởi khi đó bạn sẽ phải toàn tâm toàn ý để xây dựng nó cho bằng được. Bạn sẽ không có thời gian quan tâm tới những người bạn yêu thương, thậm chí phải tàn nhẫn với bạn bè, đồng nghiệp, đối thủ mới có thể đạt được mục đích.

Và rồi khi thành công, bạn sẽ lại theo đuổi những mục tiêu mới. Vòng xoáy đó sẽ chỉ dừng lại khi bạn thất bại. Bởi lẽ tất yếu, rất ít người chịu dừng lại khi họ đang thành công, nhưng chẳng có ai là thành công mãi mãi. Nên chỉ có những người thất bại mới biết dừng lại đúng lúc.” - Chủ tịch Fsoft chia sẻ.

“Nhưng hãy học những người thất bại. Bạn sẽ học được nhiều hơn từ việc tránh lặp lại sai lầm của họ hơn là học thành công từ những người thành công”.

Bản thân Fsoft cũng từng thất bại rất nhiều lần, tiêu sạch 2 triệu đô la mà không làm ra được 1 đồng nào.” - ông Tiến cho biết.

“Năm 1999, khi mới được thành lập, Fsoft (khi đó có tên là trung tâm phần mềm FSU1 gồm 13 thành viên – PV) đặt mục tiêu năm 2005 sẽ đạt được số lập trình viên là 5.000. Fsoft nghĩ rằng đã là công ty phần mềm thì phải sang Silicon Valley, Mỹ mới có thể “cất cánh”. Thế là mở văn phòng FPT USA. 2 năm sau công ty phá sản.

Sau đó anh Bình (Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT) nghĩ là chúng ta không biết làm phần mềm. Vậy là chúng tôi lập công ty ở Ấn Độ, thuê người Ấn Độ làm, điều toàn các “đại tướng” ở Việt Nam sang để học công nghệ. Kết quả, công ty ở Ấn Độ lại tiếp tục phải đóng cửa.

Năm 2002, Fsoft tổ chức buổi họp gồm 8 lãnh đạo chủ chốt để đưa ra quyết định có giải tán hay không. Vì tiêu hết 2 triệu đô rồi mà chưa làm được đồng nào. Kết quả đưa ra là trừ 1 thành viên (anh Nguyễn Thành Nam) không được bỏ phiếu, 6/7 người chọn giải tán Fsoft . Tuy nhiên anh Bình vẫn kiên trì quyết định làm tiếp. Không từ bỏ.

Sau đó, Fsoft đã chuyển hướng sang Nhật Bản. Và rất may mắn đây là quyết định đúng đắn bởi khi đó người Nhật đã bắt đầu nghĩ tới chiến lược Trung Quốc + 1. Và họ quyết định đưa tất cả nhà máy ô tô ở Trung Quốc chuyển về Thái Lan, phần mềm sang Ấn Độ và chọn Việt Nam để phát triển công nghệ.

Đó là bước đi rất quan trọng để có ngày Fsoft hôm nay. Năm 2004, Fsoft cán mốc 6.500 nhân viên, đạt doanh thu 130 triệu đô la.” – Chủ tịch Fsoft kể lại.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM