Làm việc ở đâu lương cao?
Năm nay, xuất khẩu lao động được xem là cửa sáng để giải quyết nhu cầu việc làm. Ngoài một số thị trường thu nhập cao, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ mở thêm một số thị trường mới.
Chi phí thấp, thu nhập cao
Ông Vũ Minh Xuyên, Tổng giám đốc công ty XKLĐ Thương mại và Du lịch TPHCM - Sovilaco (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tâm điểm XKLĐ năm nay sẽ là các thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc). Theo ông Xuyên, trong năm 2013, ba thị trường này đã tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.
“Năm 2013, Sovilaco đưa được 300 tu nghiệp sinh sang Nhật. Dự kiến năm 2014, sẽ đưa khoảng 350 người”, ông Xuyên nói.
Theo ông Xuyên, để chuẩn bị cho Olympic 2020 (tổ chức tại Nhật Bản), thời gian tới, chắc chắn nước này sẽ gia tăng tiếp nhận lao động Việt Nam (nhất là lao động ngành xây dựng và cơ khí). Hiện, chi phí đi làm nghề xây dựng, cơ khí không quá 3.700 USD. Ngoài ra, Nhật Bản còn có nhu cầu lớn lao động làm việc trong ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, năm 2013, thị trường Đài Loan tiếp nhận tới 46 nghìn lao động. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong thời gian tới, đây vẫn là thị trường có lực hút với người lao động. “Tôi cho rằng, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là thị trường tốt nhất cho lao động Việt Nam lúc này”, ông Trào nói.
Theo ông Trào, lương cơ bản ba thị trường (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần lượt từ 700 đến hơn 1.000 USD (chưa kể làm thêm giờ) rất lý tưởng với người lao động Việt Nam. “Ngoài Đài Loan và Nhật Bản, nếu ta làm tốt nhiệm vụ giảm tỷ lệ bỏ trốn, ngay trong năm, có thể đưa được 10.000-15.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc”, ông Trào nói.
Đừng quên thị trường nhỏ
Ông Phạm Đức An, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nhân lực Quốc tế Tranconsin (Bộ GTVT) cho biết, việc đi được Đài Loan, Nhật Bản là tốt. Tuy nhiên, NLĐ cũng nên “liệu cơm gắp mắm”. Lý do, theo ông An, để đi được hai thị trường này, chi phí người lao động bỏ ra cao hơn so với một số thị trường dễ tính, phù hợp với số đông lao động Việt Nam như Ả rập Xê út, Malaysia.
Ông An cũng cho biết, một thời gian dài người lao động bỏ quên những thị trường dễ tính, chi phí thấp, thu nhập cũng không đến nỗi. “Với chi phí khoảng 650 USD, người lao động khi sang Ả rập Xê út làm việc, nhận lương bình quân 7 triệu đồng/tháng là ổn. Nước này lại có nhu cầu tiếp nhận lớn, lao động được chủ sử dụng bố trí ăn, ở, đi lại”, ông An nói.
Theo ông An, với thị trường Malaysia cũng vậy, hiện có nhiều đơn hàng tốt (chi phí thấp hoặc không cần chi phí, lương cao), nhưng vẫn không thu hút được lao động.
“Năm qua, đơn vị chúng tôi đưa được 200 lao động sang Ả rập Xê út và Malaysia. Điều này chứng tỏ, số đông lao động vẫn muốn ra nước ngoài làm việc ở những thị trường phổ thông. Vấn đề là cách thức tuyên truyền sao cho người lao động hiểu được khả năng của mình tham gia được thị trường nào”, ông An nói.
Ông Nguyễn Lương Trào cho rằng, thị trường Malaysia cho thu nhập tốt nên thu hút nhiều lao động. “Một thời gian dài thị trường này có nhiều vấn đề nên người lao động không dám đi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thông qua hình thức nhờ người lao động trực tiếp tham gia tuyên truyền nên thu hút thêm nhiều lao động cùng quê xuất ngoại”, ông Trào nói.
Sức hút lương ngàn đô từ Angola
Ông Lê Xuân Luyện, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động - Oleco (Bộ NN&PTNT) cho biết: Vừa được Cục quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho phép thí điểm đưa lao động làm nghề xây dựng sang Angola (châu Phi).
“Cục quản lý Lao động Ngoài nước vừa duyệt cho công ty đưa 50 lao động sang Angola làm việc. Đây là thị trường tốt, thu nhập cao nhưng phải chọn lao động có tay nghề và sức khỏe”, ông Luyện nói.
Theo ông Luyện, nếu chọn được nguồn lao động tốt, Angola sẽ là thị trường hứa hẹn đối với người lao động Việt Nam, do nước bạn đang trong quá trình tái thiết. “Lương lao động xây dựng tập sự khoảng 700 USD/tháng. Sau hơn một năm làm việc, lương hơn 1.000 USD”, ông Luyện khẳng định.
Nhận xét về thị trường Angola, ông Nguyễn Lương Trào cho rằng, nếu Bộ LĐ-TB&XH quyết tâm mở cửa thị trường Angola, cần vừa làm vừa nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng từng vấn đề. “Thực sự, thị trường Angola có sức hút với đông đảo người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các đơn vị đưa lao động sang nước này cần phải bảo đảm tư cách cho người lao động có giấy phép lao động”, ông Trào nói.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2014, mục tiêu sẽ đưa 87 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài thị trường Angola đang cho thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung mọi giải pháp để mở cửa thêm thị trường Belarus. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài như: Điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức; tăng cường đầu bếp, thợ làm bánh sang Australia.
Theo Theo Tiền Phong
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!