CEO Thái Hà Books: 'Khi tuyển dụng, tôi thấy ứng viên có 2 bằng là tôi đuổi luôn'
Học 1 lúc 2 bằng bạn khó có thể có kiến thức chuyên sâu, cái gì cũng hời hợt và khi vào làm việc rất chung chung, khó thành công.
Tuyển dụng chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với doanh nghiệp. Theo khảo sát của công ty kiểm toán PWC, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết khó tuyển dụng nhân sự phù hợp tại Việt Nam. Nguyên nhân hàng đầu được các doanh nghiệp nêu ra đó là thiếu nhân lực ứng tuyển vào các vị trí.
Trong khi doanh nghiệp đang khát nhân sự thì hàng năm, có hàng triệu sinh viên ra trường không xin được việc làm. Đây là nghịch lý khá đau đầu cho thị trường nhân sự Việt Nam.
Theo tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books, thực trạng này tồn tại do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần lớn đến từ nhà trường và bản thân các ứng viên.
- Đầu tiên, ông có thể cho biết cái nhìn khái quát của ông với thị trường nhân sự Việt Nam?
Thống kê cho thấy 63% sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Như vậy cứ 3 sinh viên tốt nghiệp thì có 2 người không đáp ứng được. Trên 50% sinh viên xin được việc thì làm trái nghề. Những con số cho thấy chất lượng đào tạo của Việt Nam còn kém.
Với nhân sự cao cấp còn khó hơn nữa. Tôi chưa gặp được doanh nghiệp nào nói đủ người. Nhân sự vẫn thiếu mà chúng tôi chẳng tuyển được vì người ứng tuyển không đáp ứng được yêu cầu.
- Theo ông, điều gì dẫn tới tình trạng này?
"Nhiều giảng viên không có thực tế, không biết làm thật công việc mà mình đang đào tạo. Giảng viên dạy kế toán mà không biết làm kế toán, người không kiếm được tiền thì lại đi dạy kiếm tiền. Thế thì làm sao có chất lượng của người học được".
Nguyên nhân đầu tiên là khâu đào tạo. Các trường đại học phần lớn chú tâm vào dạy lý thuyết, thiếu thực hành, thiếu thực tế. Nếu giảng viên không thật sự giỏi, không có chuyên môn tốt thì khó có thể đào tạo ra những sinh viên tốt.
Hơn nữa, nhiều giảng viên không có thực tế, không biết làm thật công việc mà mình đang đào tạo. Giảng viên dạy kế toán mà không biết làm kế toán, người không kiếm được tiền thì lại đi dạy kiếm tiền. Thế thì làm sao có chất lượng của người học được.
Thứ hai, sinh viên khá thụ động, lười đọc sách tham khảo, chỉ chăm chăm học theo giáo trình, thích thuộc lòng để lấy điểm cao. Các bạn thiếu cọ sát. Nhiều em không đi thực tập, hoặc thời gian thực tập quá ngắn. Đã vậy, khi thực tập lại không làm thật mà chỉ làm chiếu lệ, cho xong trong khi tôi nghĩ thực tập tức là tập làm việc một cách thực sự, thực thụ.
- Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không coi trọng sinh viên, khi tỏ ra khắt khe ngay từ khi các bạn nộp đơn xin thực tập. Vậy lấy đâu ra cơ hội nào cho các bạn sinh viên lấy kinh nghiệm?
Thực ra bất cứ cơ quan nào cũng cần tuyển người và mong có sinh viên chất lượng vào thực tập. Tuy nhiên các em sinh viên bằng cách này hay cách khác cần chứng minh cho doanh nghiệp rằng quá trình thực tập của họ không những không làm hại mà còn làm lợi cho doanh nghiệp.
Nếu các em sinh viên thật sự có thành tích, cam kết, đam mê và quyết tâm chắc chắn được nhận thực tập. Các em có thể không có kinh nghiệm trong chuyên môn, nhưng các thành tích nhỏ như tham gia hoạt động tình nguyện, từ thiện, câu lạc bộ, những đam mê trong chuyên nghành,… sẽ làm cho các doanh nghiệp tin tưởng và nhận vào thực tập. Cũng lưu ý các em tính tự tin trong giao tiếp, cách viết CV khi nộp đơn xin thực tập.
- Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Coca-cola, Pepsi đều có chương trình thực tập sinh cho sinh viên Việt Nam. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn như Garena cũng bắt đầu áp dụng chương trình này, tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không áp dụng mô hình đó?
Đúng là mô hình này rất hay, cần được nhân rộng. Hiện tại, các công ty Việt Nam đã bắt đầu nhận. Công ty sách Thái Hà cũng nhận sinh viên thực tập làm việc ngay từ năm thứ nhất, với điều kiện các em phải chứng minh được mình vào đây để cống hiến.
Mặc dù vậy, là chủ một doanh nghiệp, chúng tôi cũng có điều cần lo lắng. Thứ nhất là việc bảo mật thông tin, thứ hai là trách nhiệm và khả năng chuyên môn. Nếu không các em có thể làm hỏng việc, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Như anh biết đấy, mất tiền là mất ít, mất thời gian là mất nhiều, còn mất uy tín là mất tất cả.
- Với Thái Hà Books, doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự giỏi như thế nào?
Với nhân sự phổ thông, chúng tôi tìm kiếm những em sinh viên giỏi, đáp ứng được nhu cầu sau đó đào tạo thêm. Với nhân sự cao cấp thì quả thật là khó. Thời nay người ta tranh dành nhau nhân sự cấp cao. Chúng tôi thường phải tìm kiếm và tìm mọi cách mời và “rước” người tài về.
- Ông có hay trực tiếp tham gia tuyển dụng không?
Có chứ.
- Vậy ông quan tâm đến điều gì nhất khi nhìn vào CV của ứng viên?
Có 2 chi tiết. Đầu tiên là kinh nghiệm xem ứng viên đã từng làm việc ở đâu, bao nhiêu năm, làm cái gì. Thứ hai đó là người tham chiếu. Nếu người tham chiếu đều là những người có tiếng, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ thì tất nhiên ứng viên đó sẽ đáng giá hơn.
- Trong vòng phỏng vấn, ông thường đặt câu hỏi nào cho ứng viên?
Tôi đặt nhiều câu hỏi. Đó có thể là những câu hỏi đơn giản như kế hoạch trong 3 năm tới của bạn là gì, bạn chơi thân với ai, thần tượng của bạn là ai. Hoặc đó có thể là những câu hỏi trừu tượng hơn như “khi chết đi bạn muốn người ta ghi gì trên bia mộ của mình?”
- Vậy một câu trả lời như thế nào sẽ khiến ông hài lòng?
Chẳng hạn với câu hỏi về kế hoạch trong 3 năm tới, nếu ứng viên trả lời em sẽ đi học, hoặc sẽ mở một công ty riêng, thì chắc chắn là tôi sẽ không nhận. Đó không phải là những câu hỏi bẫy nhưng thông qua câu trả lời, mình hiểu rõ được ứng viên hơn và biết được họ có phù hợp với công ty không.
"Khi tuyển dụng tôi mà thấy người có 2 bằng là tôi đuổi luôn. Bởi học 1 lúc 2 bằng bạn khó có thể có kiến thức chuyên sâu, cái gì cũng hời hợt và khi vào làm việc rất chung chung, khó thành công".
- Nhiều người hiện đang dịch chuyển từ Bắc vào Nam, vì họ cho rằng miền Nam nhiều cơ hội việc làm hơn. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Theo tôi, miền Nam họ thực tế hơn ngoài Bắc. Dân miền Bắc thích lý luận, thích tranh luận nọ kia và đặc biệt thích… khoe khoang bằng cấp. Tôi từng phỏng vấn 1 bạn và hỏi nếu học đại học xong, không xin được việc thì em làm gì. Bạn ấy trả lời tôi là em sẽ học thạc sĩ. Tôi hỏi tiếp nếu học thạc sĩ xong vẫn không xin được việc thì em làm thế nào. Câu trả lời là em sẽ học tiếp lên tiến sĩ.
Trả lời như thế hóa ra thạc sĩ, tiến sĩ là dành cho những người không xin được việc à? Nó cũng phản ánh thực tế nhiều bạn trẻ học lên cao do không xin được việc. Thế nên khi tuyển dụng tôi mà thấy người có 2 bằng là tôi đuổi luôn. Bởi học 1 lúc 2 bằng bạn khó có thể có kiến thức chuyên sâu, cái gì cũng hời hợt và khi vào làm việc rất chung chung, khó thành công.
Cuối cùng, ông có gợi ý nào cho những người trẻ tuổi để họ có thể tìm được một công việc ưng ý?
Hãy ý thức sớm về công việc, về tương lai của mình. Hãy nghĩ đến việc có NGHỀ chứ không nên nghĩ đến có VIỆC. Tại công ty chúng tôi, nếu có trình độ, chăm chỉ học hỏi, nghiêm túc thì chỉ sau 2 năm là các bạn có thể trở thành nhân sự trung cấp của công ty. Vì vậy tôi luôn khuyến khích các em sinh viên học năm thứ 3 bắt đầu đi làm luôn, để đến lúc ra trường thì các em đã có kinh nghiệm thực tế 2 năm và có thể làm lãnh đạo cấp trung rồi.
Thực chất, nếu thiếu kinh nghiệm thì cho dù các em học xong 5 năm đại học vẫn không khác gì các em sinh viên năm 3. Cũng nhắc các em sinh viên rằng, khi đi thực tập nghiêm túc tại các cơ quan mà bạn không được trả lương tức bạn đã được đào tạo miễn phí. Mà cái đó gọi là on job training, mà loại training này thuộc loại đắt tiền đấy.
Tôi khuyên các em nên ý thức công việc ngay từ khi còn là sinh viên, chứ đợi đến khi khi ra trường mới đi xin việc thì quá muộn mất rồi.
Xin cảm ơn ông!
>> Nguyên tắc mỏ neo - Bí quyết "deal" lương với nhà tuyển dụng
Trang Lam