Ngành bán lẻ Việt Nam 'nóng và ngon' ra sao nhìn từ thương vụ bom tấn sáp nhập VinCommerce vào Masan Group của tỷ phú Vượng và tỷ phú Quang?

03/12/2019 12:29 PM | Kinh doanh

Ngành bán lẻ trong vài năm gần đây liên tục cạnh tranh khốc liệt với các thương vụ M&A. Trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp thuộc ngành này luôn được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón.

Cú bắt tay của hai gã khổng lồ nội địa

Thông tin ngày 3/12 từ tập đoàn Vingroup cho biết,  Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Thực tế sự kết hợp giữa 2 doanh nghiệp nội địa tầm cỡ Việt Nam gồm Vingroup và Masan được ví như hổ mọc thêm cánh khi tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Ngành bán lẻ Việt Nam nóng và ngon ra sao nhìn từ thương vụ bom tấn sáp nhập VinCommerce vào Masan Group của tỷ phú Vượng và tỷ phú Quang? - Ảnh 1.

Xét về chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ hiện nay được xem là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam khi tính đến hết tháng 9/2019, đơn vị này đã sở hữu hơn 2.300 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc. Mới đây tại Hội nghị các đối tác và nhà cung cấp, VinCommerce khá tự tin khi khẳng định mình là nhà bán lẻ có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất với tốc độ từ 80-110%/năm.

Dù mới ra đời từ năm 2015 nhưng đến nay, VinMart cũng mở rộng độ phủ một cách chóng mặt khi liên tục mở mới và sáp nhập và chuyển đổi thành công một loạt các thương hiệu bán lẻ lâu đời tại Việt Nam như: Vinatexmart, Maximart, Fivimart, Zakka Mart, Shop&Go, Queenland Mart.

Cũng trong Hội nghị này, bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty VinCommerce  cho biết dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên với việc sáp nhập vào Masan, kế hoạch tham vọng này của VinCommerce liệu có được tiếp tục thực hiện hay có sự điều chỉnh khác là điều còn bỏ ngỏ.

Nhưng điều có thể kỳ vọng tích cực là phát biểu của ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan khẳng định: "Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt".

Ngành bán lẻ Việt Nam nóng và ngon ra sao nhìn từ thương vụ bom tấn sáp nhập VinCommerce vào Masan Group của tỷ phú Vượng và tỷ phú Quang? - Ảnh 2.

Vingroup bắt tay với Masan liệu có tạo ra một khủng long ngành bán lẻ Việt Nam?

Về phía Masan Consumer, đây hiện được xem là tập đoàn tiêu dùng hàng lớn nhất Việt Nam khi giữ thị phần lớn trong 3 ngành hàng: Gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống. Năm 2018, công ty này đạt mức lợi nhuận 17.000 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 3.900 tỷ đồng.

Hiện Masan Consumer chiếm 66% thị phần nước mắm, 67% thị phần nước tương và 71% thị phần tương ớt theo như số liệu được công bố trong báo cáo thường niên năm 2017.

Các sản phẩm cao cấp trong ngành hàng gia vị chiếm khoảng 10% tổng doanh thu ngành hàng. Các sản phẩm cao cấp trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi - chủ yếu là mì ăn liền - chiếm khoảng 40% tổng doanh thu ngành hàng.

"Miếng bánh ngon" mang tên bán lẻ

Theo dự báo vào năm 2030, châu Á sẽ là nơi ở của 3 tỷ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, những người có nhu cầu tiêu dùng rất cao khi lần đầu tiên họ có khả năng tài chính như vậy. Economist Intelligent từng dự báo Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong không gian ngày càng chật chội hơn ở đô thị, thời gian ngày càng eo hẹp do con người muốn làm nhiều việc trong một ngày, từ công việc, nghỉ ngơi, giao lưu xã hội… người dân tìm cách để làm cho cuộc sống của mình dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhưng vẫn cần hàng hóa tươi, chất lượng.

Mặc dù Việt Nam là nước trong top tỷ lệ đô thị thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ 35% trong khi Phillipines và Thái Lan tương ứng 44% và 53% nhưng lại là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, dự đoán hơn 2,6%/năm cho giai đoạn từ 2015-2020. Tốc độ đô thị hóa nhanh là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ cộng thêm điểm tựa từ cơ cấu dân số vàng.

"Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, thì đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam", báo cáo MBS nhận định.

Nếu chia chiếc bánh bán lẻ ra nhiều phần, hiện bán lẻ bách hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng giá trị thị trường khoảng 60 tỷ USD trong tổng 159 tỷ USD. Điều này cũng không khó hiểu khi bán lẻ bách hóa trong vài năm gần đây liên tục cạnh tranh khốc liệt với các thương vụ M&A. Trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp thuộc ngành này luôn được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón.

Ngành bán lẻ Việt Nam nóng và ngon ra sao nhìn từ thương vụ bom tấn sáp nhập VinCommerce vào Masan Group của tỷ phú Vượng và tỷ phú Quang? - Ảnh 3.

VinCommerce cũng là ví dụ cụ thể cho việc săn lùng đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Hồi tháng 3, thông tin từ Bloomberg dẫn thông tin từ tờ Maeil Business của Hàn Quốc cho biết SK Group quyết định đầu tư 1 tỷ USD để sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Vingroup. Việc đầu tư dự kiến được thực hiện thông qua công ty đầu tư SK South East Asia Investment. Số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được Vingroup sử dụng 10.000 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ vay, 6.000 tỷ đầu tư vào công ty con (VinFast, VinTech, Vinsmart), 9.000 tỷ đồng dùng cho hoạt động kinh doanh, cấp vốn ngắn hạn cho tập đoàn và các công ty con. Tuy nhiên một nguồn tin từ VinMart cho biết SK cũng muốn rót tiền đầu vào VinCommerce.

Hay mới đây, hồi tháng 9, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã thông báo dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mới được thành lập đang sở hữu 100% vốn VinCommerce.

Một điều khá thú vị khác là ngay trước thương vụ đầu tư vào Vingroup, SK Group vào tháng 9/2018 đã chi 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Việc Vingroup hoán đổi cổ phần VinCommerce và VinEco với tập đoàn Masan là bước đi khá kỳ lạ khi có thể lựa chọn bán cho các đối tác nước ngoài lớn. 

Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn rót tiền vào VinCommerce - một “con gà đẻ trứng vàng” trong tương lai thì Vingroup lại chọn Masan, một doanh nghiệp nội để cùng chung tay phát triển mảng bán lẻ. Nhãn tiền đều thấy Big C về tay người Thái là việc hàng Thái đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị; Lotte chủ yếu hàng Hàn; Parkson toàn mấy thương hiệu Malaysia. Đó là lý do Vingroup làm chuỗi bán lẻ và nông nghiệp vì muốn bảo vệ các nhà sản xuất Việt muốn bảo vệ thị trường trong nước, nên khi cần chuyển giao Vingroup sẽ chỉ chọn doanh nghiệp Việt, nhất quán với hướng đi của VinCommerce từ khi thành lập đến nay.

Trao lại VinCommerce cho Masan sẽ không chỉ cùng hợp lực tạo ra một thế lực bán lẻ mới, đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài, mục tiêu vươn tầm quốc tế mà giao dịch này giúp Vingroup có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp, khẳng định quyết tâm trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM