Mới được định giá hơn 3 tỷ USD cao hơn cả Thế giới di động, hệ thống VinMart, VinMart+ lại được VNR xếp hạng uy tín vượt cả Saigon Co.op, Big C, Aeon?
VNR đánh giá hai doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là Vincommerce, với hệ thống VinMart và VinMart+, và Thế giới di động, gắn liền với thương hiệu Điện máy xanh, là hai cái tên có điểm số uy tín hàng đầu và giữ vững được vị trí đầu bảng trong hai năm liên tiếp.
Mới đây thông tin từ CafeF cho biết hồi đầu tháng 9, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã thông báo dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mới được thành lập đang sở hữu 100% vốn Vincommerce. Trong năm qua, Vincommerce đã tiến hành đã mua lại Shop & Go, Qeenland Mart, tính đến hết tháng 9/2019, đơn vị này đã sở hữu hơn 2.300 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc.
Trước giao dịch này, Vingroup nắm giữ 64,3% cổ phần của VCM. Theo thông tin của CafeF, GIC - thông qua công ty con Ardolis Investment - cùng chi nhánh Singapore của Credit Suisse đã mua hơn 104,66 triệu cổ phần phổ thông, tương ứng với 16,26% cổ phần của VCM. Trong đó, Ardolis nắm giữ 9,76% và Credit Suisse nắm giữ 6,5%. Ardolis Investment hiện cũng trực tiếp sở hữu 5,64% cổ phần của Masan Group.
Nếu như toàn bộ 500 triệu USD đã được giải ngân đổi lấy 16,26% cổ phần thì GIC đã định giá VCM ở mức 3,08 tỷ USD, tương đương 71.300 tỷ đồng - cao hơn 26% so với vốn hóa thị trường hiện tại của Thế giới Di động là 2,44 tỷ USD (~ 56.700 tỷ đồng) và thấp hơn một chút so với Vincom Retail, hiện đạt 3,3 tỷ USD.
Ngày 10/10, chuỗi bán lẻ VinMart lại được Vietnam Report (VNR) xếp vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2019. Bảng xếp hạng này được VNR đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát người tiêu dùng về mức độ nhận biết và sự hài lòng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2019 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019.
Nguồn: VNR
VNR đánh giá hai doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là Vincommerce, với hệ thống VinMart và VinMart+, và Thế giới di động, gắn liền với thương hiệu Điện máy xanh, là hai cái tên có điểm số uy tín hàng đầu và giữ vững được vị trí đầu bảng trong hai năm liên tiếp. Khảo sát người tiêu dùng và chuyên gia cho thấy, VinMart được đánh giá rất cao về sự đa dạng hàng hóa, chất lượng của sản phẩm và khâu hậu mãi, chăm sóc khách hàng trong khi Thế giới di động được đánh giá cao về tài chính và thương hiệu.
Từ kết quả khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng, VNR cũng đưa ra nhận định về ngành bán lẻ Việt Nam như sau:
Thứ nhất, mặc dù ngành bán lẻ đang có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng đi cùng với đó là mức độ cạnh tranh rất khốc liệt với sự "đổ bộ" của nhiều doanh nghiệp nước ngoài và cả trong nước, không ít doanh nghiệp cả nội và ngoại đã buộc phải rời bỏ thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen người tiêu dùng Việt Nam để điều chỉnh các hướng chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, mặc dù các kênh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhưng các kênh bán hàng truyền thống vẫn có sức thống trị thị trường. Trong khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý, chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Đây cũng là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng gia nhập vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 thì thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước.
Thứ ba, xu hướng ứng dụng thành tựu cách mạnh công nghiệp 4.0 nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Thứ tư, xu hướng đầu tư và M&A trong ngành. Với một môi trường đầu tư được đánh giá là có nhiều cải thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam thông qua các chiến lược M&A, nhượng quyền thương mại và các mô hình hợp tác khác nhằm khai thác tối đa quy mô thị trường với dân số gần 100 triệu người.
Thứ năm, hoạt động truyền thông của các thương hiệu bán lẻ Việt Nam chưa đủ mạnh. Trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, thống kê dữ liệu mã hóa thông tin trên truyền thông cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn còn rất hạn chế xuất hiện trên truyền thông.