Ngân hàng có chủ tịch hát nhảy gây sốt mua lại 10.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

13/06/2023 18:33 PM | Kinh doanh

Ngân hàng TMCP Á Châu sẽ mua lại 4 lô trái phiếu với tổng mệnh giá tối đa là 10.000 tỷ đồng, lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) vừa có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4, năm 2022.

Theo đó, ACB sẽ mua lại 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá tối đa là 10.000 tỷ đồng. Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Cụ thể, ACB sẽ mua lại lần lượt 4 lô trái phiếu vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB - thông tin, căn cứ vào báo cáo kiểm toán năm 2022, có phần vốn đầu tư vào trái phiếu thì có tới 85% là trái phiếu Chính phủ, 15% còn lại là trái phiếu của các tổ chức tín dụng lớn của Việt Nam.

“Chiến lược kinh doanh năm 2023 chúng tôi cũng tiếp tục nhấn mạnh lại một lần nữa là không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ngoại trừ trái phiếu của các tổ chức tín dụng”, ông Phát nhấn mạnh.

Ngân hàng có chủ tịch hát nhảy gây sốt mua lại 10.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn - Ảnh 1.

ACB sẽ mua lại lần lượt 4 lô trái phiếu vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7.

Về tỷ lệ nợ xấu, ông Phát cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong quý I năm nay có những bước chuyển không khả quan vì nhiều yếu tố tác động. Do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lãi suất cao dẫn đến các khoản vay có xu hướng chuyển nợ xấu.

“Thực tế cho thấy tỷ lệ nợ xấu tại ACB vào cuối năm ngoái là 0,74%, sang đến hết quý I/2023 nhích lên 0,84%, tức là tăng 0,1%. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ quyết liệt trong vấn đề xử lý nợ xấu để luôn nằm dưới 1%”, ông Phát nói.

Liên quan đến tín dụng bất động sản, ông Phát khẳng định, tỷ lệ cho vay bất động sản tại ACB là 24%, trong đó có tới 82% là cho vay người mua nhà để ở, phần còn lại là cho vay đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản. Riêng đối với tín dụng đầu tư bất động sản thì dư nợ tại ACB chỉ có dưới 1% và đây là một tỉ lệ rất thấp.

Tránh mảng kinh doanh nào?

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho biết, trong quá trình đưa ra kế hoạch, ACB kiên định nói không với những mảng kinh doanh không phù hợp, tiềm ẩn rủi ro. Ví dụ, trong năm 2022, ACB đã tránh được tác động xấu từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Huy, 5 năm tiếp theo, ACB tập trung phát triển lãnh đạo kế thừa, thúc đẩy số hóa quy trình, phát triển quy mô khách hàng theo nhiều hướng. Đồng thời, chú trọng phát triển bền vững, tập trung bảo vệ môi trường, giảm khí thải, góp phần cam kết của Chính phủ vào 2025.

Năm 2022, ACB đạt kỷ lục lợi nhuận trước thuế hợp nhất với 17.114 tỷ đồng, tăng gần 43% nhờ không còn phải dành phần nhiều lợi nhuận cho trích lập dự phòng rủi ro. Trong quý I năm nay, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được khống chế dưới 1%. Về nguồn vốn, cuối quý I/2023, ACB có 422.755 tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 2,1% so với đầu năm.

Theo Duy Quang

Cùng chuyên mục
XEM