Dự thảo: DN niêm yết có tỷ lệ NĐT ngoại trên 51% vẫn được coi như DN trong nước

08/10/2015 08:11 AM | Pháp luật

Giả sử nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 52% vốn của Vinamilk thì Vinamilk được coi là nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên UBCK trình không xem xét VNM là nhà đầu tư nước ngoài bất luận tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại VNM trên 51% hay dưới 51%.

Sáng nay tại Hội thảo hướng dẫn về giao dịch chứng khoán do UBCK tổ chức, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCK cho biết UBCK đã bổ sung nội dung quy định thế nào là tổ chức đầu tư nước ngoài vào dự thảo sửa đổi Thông tư 74 về giao dịch chứng khoán.

Trước đó, UBCK và Bộ Tài chính đã có kiến nghị về Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Chính phủ. Luật Đầu tư quy định về nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức được áp dụng như nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức kinh tế tại Việt Nam có tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại doanh nghiệp trên 51%.

Điều này sẽ gây khó cho các công ty niêm yết, các công ty đã đăng ký giao dịch trên TTCK vì hôm nay có thể là nhà đầu tư trong nước, ngày mai có thể là NĐT nước ngoài, phụ thuộc vào giao dịch mua bán của khối ngoại vì NĐT nước ngoài mua bán liên tục. Ngoài ra, việc áp dụng mã số nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khác nhau nên UBCK đề nghị Luật Đầu tư áp dụng riêng với quy định theo pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Ông Nguyễn Sơn lấy một ví dụ. Giả sử nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 52% vốn của Vinamilk thì Vinamilk được coi là nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên UBCK trình không xem xét VNM là nhà đầu tư nước ngoài bất luận tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại VNM trên 51% hay dưới 51%. Tuy nhiên trong trường hợp nếu VNM mua cổ phiếu ngân hàng thì vẫn xem VNM là NĐT nước ngoài vì ngân hàng hạn chế tỷ lệ 30%.

Điều 14 dự thảo sửa đổi Thông tư 74

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là công ty đại chúng đăng ký giao dịch, công ty niêm yết, quỹ đại chúng thực hiện thủ tục và điều kiện đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi giao dịch chứng khoán, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan quy định về hạn chế sở hữu nước ngoài đối với tổ chức nêu trên.

Công ty đại chúng đăng ký giao dịch, quỹ đại chúng đáp ứng được các tiêu chí dưới đây phải tuân thủ điều kiện trình tự, thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật liên quan:

a) Là tổ chức không hạn chế sở hữu nước ngoài hoặc được ĐHCĐ, đại hội NĐT hạn chế sở hữu nước ngoài với mức hạn chế trên 49% vốn điều lệ

b) Tại thời điểm thực hiện giao dịch mua, tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực tế đạt tới các mức phải tuân thủ quy định áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật liên quan.

c) Đầu tư vào các cổ phiếu của các tổ chức phát hành trong ngành nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật liên quan quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Trong trường hợp nào công ty niêm yết thực hiện quy định của Luật Đầu tư?

Theo đại diện của Bộ Kế hoạch đầu tư tại Hội thảo hướng dẫn về Nghị định 60 của UBCK cuối tháng 9 vừa qua, Luật Đầu tư áp dụng cho mọi chủ thể kinh doanh của nền kinh tế và không ngoại trừ DN niêm yết hay không niêm yết.

Các DN phải áp dụng Luật đầu tư là (i) các DN hình thành các tổ chức kinh tế mới (lập công ty con) thực hiện thủ tục về đầu tư phải theo Luật đầu tư, (ii) góp vốn mua cổ phần của các công ty không niêm yết trên sàn, không phải là công ty đại chúng, (iii) thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân mới với các đối tác Việt Nam, (iv) thay đổi ngành nghề đầu tư kinh doanh.

Thời điểm DN thực hiện 1 trong 4 nghiệp vụ đó, thì cơ quan về quản lý chứng khoán sẽ căn cứ thời điểm phát sinh quan hệ với cơ quan nhà nước để xác định là NĐT nước ngoài hay không.

Ngoài ra, hiện bộ KHĐT và UBCK đang tìm cách gỡ, đó là các giao dịch thực hiện bên ngoài sàn thì theo Luật Đầu tư nhưng góp vốn mua đầu tư lẫn nhau trên sàn chứng khoán có áp dụng Luật Đầu tư với các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài trên 51% hay không. Theo đại diện Bộ KHĐT, hiện Bộ đang cố gắng báo cáo Chính phủ đưa vào hướng dẫn dự thảo nghị định Luật Đầu tư, dự kiến trong tháng 10 sẽ ban hành. Theo đại diện này, UBCK đề xuất có 2 nhóm đối tượng bị loại trừ khỏi Luật Đầu tư khi đầu tư lẫn nhau trên sàn chứng khoán là công ty niêm yết và quỹ đại chúng.

Theo Phương Mai - Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM