Nếu nói về thiên đường trốn thuế, Panama chẳng là gì so với Mỹ
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy việc thành lập 1 công ty bù nhìn tại Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với tại Panama và thậm chí là dễ thứ 2 thế giới sau Kenya.
Hồ sơ Panama đã khiến thế giới bàng hoàng và phẫn nộ khi tiết lộ hãng luật Mossack Fonseca ở Panama đã giúp nhiều nhan vật nổi tiếng cũng như giới nhà giấu che giấu nhiều tài sản bí mật.
Tuy nhiên, Panama không phải là thiên đường trốn thuế tốt nhất thế giới và thật đáng ngạc nhiên, có lẽ Mỹ mới là thiên đường che giấu tài sản tốt nhất. Những gì mà hãng luật Fonseca tại Panama có thể làm thì nhiều hãng luật khác tại Delaware, Nam Dakota và Nevada cũng có thể làm, thậm chí tốt hơn.
Trên thực tế, Mỹ là một trong những quốc gia nhận được nhiều dòng tiền bất hợp pháp nhất trên thế giới từ các nước đang phát triển. Những tài sản này thường được tẩu tán phi pháp bởi các chính trị gia tham nhũng, những tay trùm buôn ma túy hay những kẻ tội phạm.
Mỹ là thiên đường trốn thuế tốt nhất thế giới?
Nguyên nhân chính khiến những dòng tiền bẩn thường hay đổ vào các thiên đường thuế là sự bảo mật của các công ty. Khi các cá nhân hay tổ chức muốn che giấu tài sản, họ chuyển chúng cho các công ty “bù nhìn” với những người lãnh đạo được ủy thác và chỉ mang tính danh nghĩa.
Thông thường, ban quản lý công ty không bắt buộc phải giải trình với cơ quan thuế hay với các quan chức chính phủ nào về người chủ thực sự đằng sau công ty “bù nhìn”, đặc biệt là tại các thiên đường thuế.
Hãng Mossack Fonseca cũng thực hiện các công ty bù nhìn như trên tại panama và khi những tài liệu nội bộ của họ bị tiết lộ, danh tính thực sự của các ông chủ đằng sau những công ty này được đưa ra ánh sáng.
Dẫu vậy, có một thực tế là rất ít người Mỹ được tìm thấy trong hồ sơ của Fonseca và lý do là rất dễ thành lập một công ty đầu tư tài chính nước ngoài tại Mỹ cũng như nguyên tắc công khai chủ sở hữu tại nhiều tiểu bang khá dễ dãi.
Cũng giống như những nước nhỏ nới lỏng các chính sách công khai minh bạch nhằm giữ bí mật cho chủ sở hữu công ty, nhiều tiểu bang Mỹ cũng có động thái tương tự nhằm cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư.
Ví dụ tiểu bang Delaware được nhiều người gọi là thiên đường thuế tại Mỹ nhờ những chính sách bảo mật danh tính cho chủ sở hữu công ty, qua đó đã thu được khoảng 1 tỷ USD tiền phí đăng ký kinh doanh, chiếm hơn 1/4 thu nhập ngân sách toàn bang.
Trong khi đó, các tiểu bang Wyoming và New Hampshire có chế độ bảo vệ chặt chẽ tài sản cá nhân cũng như khá dễ dãi trong việc đăng ký kinh doanh. Thậm chí bang Florida còn có chương trình đăng ký kinh doanh online trọn gói không cần dùng tên chủ sở hữu thật chỉ với giá 50 USD.
Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Mỹ là một trong những nước có sự minh bạch chủ sở hữu công ty kém nhất thế giới.
Khoảng 300 tỷ USD tiền bẩn tuồn vào Mỹ mỗi năm
Tồi tệ hơn, một nghiên cứu năm 2012 cho thấy việc thành lập 1 công ty bù nhìn tại Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với tại Panama và thậm chí là dễ thứ 2 thế giới sau Kenya. Cụ thể, tiểu bang Delaware và Nevada là 2 bang có quy định công khai chủ sở hữu lỏng lẻo nhất tại Mỹ và là thiên đường thuế cho nhiều cá nhân cũng như tổ chức trên thế giới.
Nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Global Witness đã xem xét nhiều trường hợp công ty bù nhìn tại Mỹ trong một thời gian dài. Năm 2014, tổ chức này công bố một bản báo cáo cho thấy cách mà các công ty bù nhìn tại Mỹ giúp tập đoàn tội phạm ma túy Zetas Las rửa tiền, giúp những kẻ lừa đảo tại Nga lừa tiền các nhà đầu tư hay giúp nhiều doanh nhân Mỹ hối lộ các quan chức.
Thậm chí, báo cáo này còn cho thấy chính phủ Iran sở hữu một tòa nhà cao tầng chọc trời tại New York trong nhiều thập kỷ dưới vỏ bọc một công ty bù nhìn, trong khi Mỹ đã từng có lệnh cấm vận nước này.
Trong khi đó, cựu nhân viên Bộ Tài chính Mỹ, ông John Cassara đã đăng một bài phân tích vào năm 2013, theo đó ông cho biết mình cảm thấy xấu hổ mỗi khi phải giải thích cho các cơ quan điều tra quốc tế rằng luật pháp Mỹ không thể giúp họ xác định được chủ sở hữu thực sự của những công ty bù nhìn tại đây.
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một bản kế hoạch dự thảo nhằm ngăn chặn tình trạng rửa tiền thông qua giao dịch các bất động sản cao cấp nhưng chúng chưa được Nghị viện thông qua. Rõ ràng là các tiểu bang không muốn mất đi nguồn thu từ các công ty bù nhìn và giới ngân hàng cũng không muốn mất các khách hàng giàu có của mình.
Theo bản dự thảo, các ngân hàng sẽ phải mất khoảng 700 triệu đến 1,5 tỷ USD để tuân theo các quy định nếu kế hoạch trên được thông qua. Trong khi đó, hàng năm có khoảng 300 tỷ USD tiền bẩn được tuồn vào Mỹ. Rõ ràng, ngân hàng và những chính trị gia ủng hộ họ không có nhiều lý do để thông qua đạo luật này.
Còn tiếp-(P2) Thiên đường trốn thuế: Từ Panama tới Delaware