Thủ tướng Iceland từ chức: “Nạn nhân” đầu tiên vụ Panama Papers
Quyết định từ chức của Thủ tướng Iceland được công bố sau một cuộc biểu tình rầm rộ...
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành “nạn nhân” đầu tiên của vụ rò rỉ tài liệu gây chấn động Panama Papers.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Gunnlaugsson đã từ chức ngày 5/4 sau những cáo buộc của Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) - tổ chức phanh phui vụ Panama Papers - cho rằng ông che giấu tài sản ở nước ngoài và trốn thuế.
Quyết định từ chức của Thủ tướng Iceland đã được công bố trước Quốc hội nước này sau một cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục nghìn người dân.
Với quyết định này, ông Gunnlaugsson rời nhiệm sở một năm trước khi chính thức kết thúc nhiệm kỳ. Động thái từ chức cũng đồng nghĩa với việc ông “đầu hàng” trước áp lực ngày càng lớn của phe đối lập, và thậm chí là từ nội bộ đảng cầm quyền sau khi vụ Panama Papers bị đưa ra ánh sáng.
“Vụ từ chức này cho thấy hành vi thao túng hệ thống tài chính quốc tế của những nhân vật tham nhũng thuộc giới tinh hoa chính trị đối mặt với khả năng bị trừng phạt ngày càng lớn”, ông Carl Dolan, Giám đốc phụ trách khu vực Liên minh châu Âu (EU) của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhận định.
Những tài liệu bị lộ từ công ty luật Mossack Fonseca cho thấy vị Thủ tướng 41 tuổi cùng vợ có những khoản đầu tư cất giữ ở thiên đường thuế British Virgin Islands. Tài liệu rò rỉ cũng làm dấy lên những câu hỏi xung quanh vai trò của ông Gunnlaugsson trong việc giám sát các cuộc đàm phán giữa với chủ nợ của 3 ngân hàng bị đổ vỡ của Iceland.
Đặc biệt, những khoản đầu tư trên được cất ở British Virgin Islands trong khi Iceland áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, có nghĩa là tiền từ nước này không thể chuyển qua biên giới.
Ông Gunnlaugsson là thủ tướng thứ hai của Iceland phải từ chức do sự phản đối của người dân. Trước đó, Thủ tướng Geir Haarde cũng buộc phải từ chức sau những cuộc biểu tình tương tự vào năm 2009.
Kể từ khi vụ Panama Papers được ICIJ công bố, ông Gunnlaugsson là một trong những chính trị gia có vẻ dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và chính trị gia bị cáo buộc trong vụ này từ Moscow cho tới Islamabad và Buenos Aires đều phản ứng bằng cách phủ nhận, bất bình hoặc tỏ thái độ giận giữ.
“Thủ tướng Iceland là phần nổi của tảng băng chìm về việc [vụ Panama Papers] sẽ có ảnh hưởng tới ổn định chính trị như thế nào trong dài hạn”, ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty Eurasia Group ở New York, đánh giá.
Hôm thứ Hai, cảnh sát Iceland đã phải dựng hàng rào xung quanh tòa nhà Quốc hội ở Reykjavik khi người biểu tình gõ trống ầm ĩ và ném trứng, sữa chua vào tòa nhà. Cảnh sát nói có khoảng 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình, trong khi các nhà tổ chức biểu tình đưa ra con số cao gấp đôi.
Ngoài ra, hàng nghìn người khác đã đăng ký trên mạng Facebook để tham gia vào một cuộc biểu tình thứ hai dự kiến diễn ra vào chiều ngày thứ Ba.
Ông Dolan, Giám đốc TI tại EU, nếu vụ từ chức của Thủ tướng Iceland trở thành một tiền lệ cho việc một chính trị gia “có tài sản bí mật trong một công ty hưởng lợi từ các quyết định của chính phủ”, thì rất có thể sẽ có thêm những chính trị gia nữa phải từ chức.
Trong những năm gần đây, “Thủ tướng của Slovenia và Cộng hòa Czech đã phải từ chức về những vụ tương tự”, ông Dolan nói. “Điểm khác biệt duy nhất trong vụ Panama Papers là nguồn thông tin. Thông tin đến từ một vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ”.
Ông Gunnlaugsson đã đề cử Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Iceland vào vị trí Thủ tướng thay cho ông. Sau khi từ chức Thủ tướng, Gunnlaugsson vẫn sẽ giữ cương vị Chủ tịch Đảng Tiến bộ, đảng liên minh với một chính đảng khác cầm quyền ở Iceland từ năm 2013.