Nếu không phải là Trung Quốc, Jack Ma còn lâu mới thành công với Alibaba?

18/10/2016 14:49 PM | Xã hội

Có một thực tế mà Jack Ma chưa bao giờ thừa nhận rõ ràng khi nói về thành công của đế chế Alibaba, đó là vai trò của chính phủ cũng như những đặc điểm mà chỉ Trung Quốc mới có.

Sau khi đã chinh phục được thị trường bán lẻ Trung Quốc, giờ đây tỷ phú Jack Ma với đế chế Alibaba của mình đang thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa của mình.

Trong bức thư gửi các cổ đông tại đại hội thường niên mới đây, Jack Ma kỳ vọng các quốc gia khác cũng sẽ học tập mô hình của Alibaba, từ hệ thống bán hàng cho đến thanh toán. Tỷ phú Ma hy vọng mô hình này sẽ phát triển những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như kết nói được các khách hàng nhỏ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế mà Jack Ma chưa bao giờ thừa nhận rõ ràng khi nói về thành công của đế chế Alibaba, đó là vai trò của chính phủ cũng như những đặc điểm mà chỉ Trung Quốc mới có.

Hỗ trợ của chính phủ

Vai trò của chính quyền Bắc Kinh trong thành công của Alibaba là vô cùng rõ ràng, nhưng lại thường bị giới truyền thông sao lãng.

Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã từng chi 300 triệu USD để xây dựng các nhà kho và thực hiện các chương trình đào tạo nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh của Alibaba tại khoảng 200 vùng nông thôn khác nhau.

Chỉ trong 1 năm rưỡi qua, chương trình Rural Taobao đã phát triển tới hơn 15.000 ngôi làng và Alibaba kỳ vọng sẽ có khoảng 400.000 ngôi làng nữa tham gia chương trình này. Theo đó, các nông dân có thể mua nguyên liệu rẻ hơn qua Taobao và bán được giá hơn nhờ trang mạng này, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các vùng nông thôn.


Người nông thôn Trung Quốc ngày càng thích mua trực tuyến.

Người nông thôn Trung Quốc ngày càng thích mua trực tuyến.

Chương trình này đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Bộ tài chính Trung Quốc nhằm mở rộng dự án.

Vào tháng 3 vừa qua, Alibaba đạt được thỏa thuận với Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc trong việc đào tạo hơn 1 triệu thanh thiếu niên nông thôn về khởi nghiệp và thương mại điện tử.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục tích cực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, hệ thống Internet nhằm phát triển mô hình Alibaba trên toàn quốc. Đặc biệt, nước này đang có kế hoạch xây dựng hệ thống logistic cho các mặt hàng đông lạnh để có thể vận chuyển từ nông thôn lên thành phố nhờ giao dịch qua Taobao.

Rõ ràng, những quốc gia khác muốn có được thành công theo mô hình của Alibaba sẽ phải đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, nhân lực. Thêm vào đó, hệ thống sản xuất phải đủ sức đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên rất nhiều loại sản phẩm.

Những loại hàng nông sản và thổ cẩm có thể là một khởi điểm tốt cho các mô hình kinh doanh như Alibaba, nhưng kể cả như vậy thì chúng cũng không thể tạo được nhiều việc làm ngay trong thời gian ngắn hạn, qua đó giải quyết vấn đề dư thừa lao động từ ngành sản xuất.

Alibaba- mô hình riêng của người Trung Quốc

Đối với nhiều nước đang phát triển như Ấn Độ hay Indonesia, viễn cảnh tự động hóa cũng như suy giảm nhu cầu tiêu dùng khiến các ngành sản xuất cần nhiều lao động phá sản là một thảm họa. Bởi vậy, ý tưởng thiết làm hàng triệu việc làm thông qua bán lẻ trực tuyến như Alibaba là một điều khá hấp dẫn.

Số liệu công bố bởi Trung Quốc năm 2014 cho thấy hơn 10 triệu lao động nước này đã được tuyển dụng trong ngành thương mại điện tử và rất nhiều trong số họ làm việc tại những công ty có cấu trúc tương tự Alibaba.

Tháng 9 vừa qua, chính phủ Indonesia đã bổ nhiệm Jack ma làm cố vấn đặc biệt cho chương trình thúc đẩy thương mại điện tử toàn quốc, trong khi Liên Hợp Quốc (UN) đưa ông chủ Alibaba trở thành cố vấn đặc biệt cho chương trình phát triển khởi nghiệp và doanh nhân trẻ.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nếu các quốc gia khác không có được những yếu tố giúp phát triển thương mại điện tử như Trung Quốc thì họ rất khó để sao chép thành công của Alibaba.

Đầu tiên, thương mại điện tử đang rất phát triển ở Trung Quốc, đặc biệt là nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của quốc gia này khiến người dân tiếp cận được Internet nhiều hơn. Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, thương mại điện tử chiếm tới 82,6% tổng doanh số bán lẻ.

Trong khi đó, hệ thống bán lẻ của Trung Quốc lại không hề được phát triển tại các vùng nông thôn do thu nhập thấp và hệ thống hậu cần, giao thông cũng như logistic quá yếu kém.

Do đó, hệ thống siêu thị và các cửa hàng tại nông thôn Trung Quốc không có quá nhiều hàng hóa và thường kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng hoặc thậm chí quá hạn sử dụng.

Chính vì vậy, những mặt hàng được quảng cáo là chất lượng qua các trang mạng thu hút được ngày càng nhiều khách hàng hơn tại vùng nông thôn.


Vận chuyển hàng hóa về thôn xã Trung Quốc

Vận chuyển hàng hóa về thôn xã Trung Quốc

Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập của người dân nông thôn Trung Quốc đã vượt qua được khu vực thành thị và đây rõ ràng là nhóm khách hàng mục tiêu mới của thương mại điện tử. Năm 2015, mua sắm trực tuyến tại nông thôn Trung Quốc đã tăng 96% lên mức 55 tỷ USD.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã phát triển được một hệ thống sản xuất rộng khắp sau 30 năm phát triển. Họ dường như có thể sản xuất mọi thứ nhằm đáp ứng người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, nhiều lao động tay nghề cao rời bỏ thành phố trở về quê muốn lập nghiệp, mở startup.

Với tình trạng đó, những trang mạng kết nối người mua kẻ bán như Taobao của Alibaba đương nhiên trở nên hấp dẫn. Hệ thống kinh doanh này đã kết nối thành công những xưởng sản xuất nhỏ hay các hộ nông dân với toàn thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Số liệu chính thức cho thấy 90% các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc được sở hữu bởi cá nhân và khoảng 6 triệu lao động đã được các công ty này tuyển dụng.


Những đại lý của Alibaba tại vùng nông thôn,chuyên nhận chuyên trở vật liệu hay hàng hóa cho người dân trong vùng.

Những đại lý của Alibaba tại vùng nông thôn,chuyên nhận chuyên trở vật liệu hay hàng hóa cho người dân trong vùng.

Đặc biệt hơn, năm 2009 Alibaba còn dẫn chứng ra ví dụ rằng làng Junpu-tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc bao gồm rất nhiều lao động may mặc lành nghề trở về từ các nhà máy đã tự mở xưởng kinh doanh và bán hàng qua Taobao. Hiện trang mạng của Alibaba đang trở thành nơi rao hàng của toàn làng Junpu.

Năm 2015, khoảng 750 ngôi làng ở Trung Quốc được mệnh danh là “làng Taobao” khi ít nhất 10% dân số của làng có hoạt động thương mại điện tử liên quan đến trang mạng này của Alibaba. Tổng giá trị giao dịch của các ngôi làng này lên tới 1,5 triệu USD.

Những loại sản phẩm được các “làng Taobao” này sản xuất có phạm vi rất rộng, từ lều cắm trại cho tới ba lô du lịch.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM