Nếu có 5 dấu hiệu này, bạn đủ tố chất trở thành một CEO đại tài

07/12/2016 10:55 AM | Công nghệ

Nhiều người sinh ra đã có tố chất lãnh đạo giỏi trong khi đó không ít lại đạt được điều này nhờ học hỏi và rèn luyện.

Nhiều người cho rằng hầu hết những yếu tố tạo thành một CEO tài giỏi đều cần nhiều năm kinh nghiệm để hình thành, ví dụ như khả năng đưa ra những quyết định khó khăn hay tạo ảnh hưởng tới người khác.

Bạn có thể sẽ cảm thấy nản lòng trong "hành trình CEO" của mình, tuy nhiên thực tế thì để trở thành lãnh đạo giỏi lại bắt đầu từ những điều rất đơn giản dưới đây.

1. Bạn tò mò và không ngừng học hỏi

Gần như tất cả các "biểu tượng thành công" mà bạn có thể nghĩa đến trong đầu, từ Warren Buffet hay Bill Gates cho tới Oprah Winfrey, đều tự nhận mình là một người không ngừng học hỏi. Vì thế, không khó để có thấy rằng cải thiện bản thân không ngừng nghỉ là một trong những yếu tố cốt lõi để thành công.

Theo The New York Times, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạn sẽ có nhiều khả năng vươn tới đỉnh của một tổ chức hơn nếu từng trải qua nhiều vị trí, từ tài chính cho tới marketing, hơn là chỉ dính chặt ở một mảng lĩnh vực và biến mình thành chuyên gia ở mảng đó đơn thuần.

"Nhiều bằng chứng cho thấy, thành công trong thế giới kinh doanh không chỉ là sức mạnh trí não, hay leo một đường thẳng tuột tới đỉnh, mà còn là khả năng tích lũy kĩ năng đa dạng đồng thời cho thấy khả năng học hỏi vượt xa vùng an toàn của bản thân".

2. Bạn sẵn sàng tự cho rằng mình là người ngu ngốc nhất

Là người đứng đầu một tổ chức, dĩ nhiên CEO là những người thông minh. Tuy nhiên đối với lãnh đạo, khả năng tiếp thu và lắng nghe người khác còn quan trọng hơn phô diễn sức mạnh cá nhân.

Tinh thần lãnh đạo đỉnh cao bao hàm sự khiêm tốn đủ để tôn trọng khả năng của người khác và sự tự tin đủ để chấp nhận hạn chế của bản thân và cần sự giúp đỡ của người tài.

Nếu có tố chất CEO, bạn sẽ đặt việc học hỏi và kết quả lên trước cái tôi và luôn muốn được ở cùng những người tài giỏi khác. Đó là lý do Kenvin Johnson, một doanh nhân nổi tiếng, luôn muốn được làm bạn với những người thông minh.

"Họ khiến tôi cảm thấy lúc nào mình cũng thiếu một cái gì đó và đôi khi thực sự ngu ngốc nhưng tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn bình thường bởi tôi biết mình đã học được nhiều điều từ họ".

3. Bạn biết giấc mơ này là điên rồ, nhưng vẫn theo đuổi nó

Cách Elon Musk, một trong những CEO tài năng nhất làng công nghệ, đối mặt với sự sợ hãi là gì? Ông không hề né tránh nó. Thực tế, trong một bài phỏng vấn, Elon Musk thành thật thú nhận ông thực sự lo ngại và thậm chí sợ hãi trước những rủi ro vô cùng lớn khi theo đuổi các dự án đầy táo bạo như chinh phục Sao Hỏa.

Đối mặt với khó khăn, Elon Musk không bao giờ tỏ ra lạc quan một cách mù quáng, vị CEO của Tesla thừa nhận nguy cơ thất bại, đánh giá cặn kẽ cả một danh sách dài những rủi ro mà mình phải đổi mặt nhưng vẫn tiếp tục những gì mình đang thực hiện.

Đánh giá những rủi ro thấy rõ và vẫn sẵn lòng thực hiện tưởng như đối lập với nhau nhưng lại là hai yếu tố tạo thành một CEO tuyệt vời, theo Robert Scoble, một doanh nhân, blogger có tiếng trong lĩnh vực công nghệ nhận định.

Ông cho rằng một CEO lý tưởng là người "đảm bảo khả năng đạt được của những dự án dài hạn trong khi lại lo lắng về tính khả thi cũng những mục tiêu ngắn hạn. Cách nghĩ này đảm bảo rằng một doanh nhân luôn duy trì niềm tin hiện thực hóa tầm nhìn trong khi không bao giờ xem nhẹ việc thực hiện những công việc cơ bản khác của một startup".

4. Bạn dễ bị "ám ảnh"

Bạn dễ bị "ám ảnh" hay nói một cách đơn giản hơn là bạn có đam mê hay bạn đặt toàn tâm toàn ý vào một việc gì đó. Dù hiểu theo cách nào thì đây cũng là những nét tính cách của một CEO tuyệt vời khi họ luôn dễ bị cuốn vào các vấn đề thú vị, gạt bỏ mọi vướng bận và làm việc không mệt mỏi cho tới khi tìm ra câu trả lời.

5. Bạn có thể kể một câu chuyện hấp dẫn

Bạn làm kinh doanh chứ không phải một người dẫn chương trình truyền hình, vậy tại sao lại cần có khả năng kể chuyện hấp dẫn nếu muốn là một CEO lý tưởng?

Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh con người thường không thích hấp thu những thứ mang tính logic đơn thuần (thử nhìn vào các cuộc tranh luận chính trị thì bạn sẽ thấy). Nếu bạn muốn thay đổi quan điểm và thuyết phục người khác, bạn cần phải sử dụng cảm xúc. Và không có gì khơi gợi cảm xúc tốt bằng một câu chuyện tuyệt vời.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM