Nền kinh tế Canada đang khiến vị thủ tướng đẹp trai nhất thế giới phải đau đầu

11/10/2017 20:15 PM | Xã hội

Canada cũng bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và có một số hổi phục nhất định sau đó. Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng với những biến động chính trị và cơn xì hơi của thị trường bất động sản đang tác động xấu đến nền kinh tế phát triển này.

Canada là một nền kinh tế phát triển khi đứng thứ 10 về GDP danh nghĩa trên toàn cầu, có chất lượng sống cao. Quốc gia này cũng đứng thứ 4 thế giới về tổng giá trị trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vào khoảng 33,2 nghìn tỷ USD năm 2016.

Canada đứng thứ 3 thế giới về trữ lượng dầu khí và đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, đứng thứ 8 toàn cầu về xuất khẩu thủy sản. Nền kinh tế này cũng nằm trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.

Với tỷ lệ tài sản tư nhân trên tài sản công ở mức 60/40, Canada được đánh giá là một trong những nền kinh tế tự do nhất trên thế giới.

Do vị trí địa lý, Canada được hưởng lợi rất nhiều từ việc giao thương với Mỹ khi xuất khẩu tới 73% kim ngạch sang đây vào năm 2009. Mỹ cũng chiếm tới 63% kim ngạch nhập khẩu của Canada trong cùng năm.

Nền kinh tế Canada đang khiến vị thủ tướng đẹp trai nhất thế giới phải đau đầu - Ảnh 1.

Canada đứng ở mức thấp trong bảng xếp hạng các chỉ số cạnh tranh của WEF so với Châu Âu và Bắc Mỹ

Nằm trên trữ lượng lớn về tài nguyên thiên nhiên nên không có gì là khó hiểu khi Canada đứng hàng đầu thế giới về sản xuất kim cương, vàng, uranium… Tính đến năm 2009, xuất khẩu dầu mỏ đóng góp tới 2,9% GDP cho Canada.

Tuy nhiên, khai khoáng chỉ chiếm 7,96% GDP của Canada năm 2012 trong khi ngành bất động sản chiếm tới 12,34% còn sản xuất chiếm tới 10,86%.

Mảng dịch vụ chiếm tới 3/4 lao động ở Canada cũng như đóng gớp tới 70% GDP cả nước. Ngành bán lẻ là mảng tuyển dụng nhiều lao động nhất ở quốc gia này.

Xét về ngành sản xuất, do không chịu nhiều ảnh hưởng bởi chiến tranh nên Canada có được một nền công nghiệp phát triển. Do có chi phí lao động rẻ hơn Mỹ lại giáp biên giới nên rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt nhà máy sản xuất tại đây. Hơn nữa, hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) cũng giúp cho hàng hóa Canada được hưởng lợi khi nhập khẩu vào đây.

Tính đến năm 2010, mảng sản xuất đóng góp 13% GDP cho Canada.

Hồi phục chậm

Canada cũng bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và có một số hổi phục nhất định sau đó. Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng với những biến động chính trị và cơn xì hơi của thị trường bất động sản đang tác động xấu đến nền kinh tế phát triển này.

Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế Canada đang giảm tốc khi chỉ đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng môi trường cạnh tranh năm vừa qua.

Cụ thể, môi trường kinh tế vĩ mô của Canada chỉ xếp hạng 47 trong khi mức độ an toàn nợ công đứng tận thứ 118 trong bảng xếp hạng. Chỉ số về cải tiến công nghệ của nước này cũng chỉ đứng thứ 23 bất chấp chính phủ đã đổ một khoản tiền lớn vào nghiên cứu và phát triển kỹ thuật.

Những rắc rối mà Canada gặp phải bắt đầu từ khi giá dầu lao dốc khiến nguồn thu của nước này giảm mạnh, trong khi đó lượng vốn đổ quá nhiều vào thị trường bất động sản chưa đem lại nhiều hiệu quả qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Nền kinh tế Canada đang khiến vị thủ tướng đẹp trai nhất thế giới phải đau đầu - Ảnh 2.

Xếp hạng cạnh tranh của Canada năm 2017-2018

Các công ty lớn của nước này cắt giảm chi tiêu cho nghiên cứu và đầu tư để tiết kiệm chi phí, trong khi những trường đại học của nước này chưa thực sự phổ biến được những thành quả nghiên cứu hay các lý thuyết của họ ra thị trường. Bất chấp việc Canada có một số trường đại học thuộc top 500 thế giới và chính phủ cũng đầu tư mạnh cho giáo dục nhưng hiệu quả mà chúng đem lại cho nền kinh tế là chưa cân xứng.

Ngoài ra, việc Canada có mức thuế cao đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải dè chừng khi đổ tiền vào đây. Khảo sát của WEF cho thấy thuế là một trong những yếu tố chủ chốt ngăn cản các doanh nghiệp đổ tiền đầu tư sản xuất ở Canada.

Bên cạnh đó, mặc dù là một nền kinh tế phát triển có mức sống cao nhưng hệ thống hành chính quan liêu lại đang kìm hãm đà phát triển của đất nước này. Việc đảm bảo tiêu chuẩn sống đi kèm với hàng loạt các quy định khắt khe đã khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế lo ngại khi xem xét tiếp cận thị trường này.

Mặc dù Canada cũng có những tiến bộ đang kể như việc mở rộng hệ thống Internet không dây hay phát triển ngành y tế, nhưng mức giá truy cập mạng không dây quá cao trong khi đầu tư an sinh xã hội bị thu hẹp nhằm tiết kiệm ngân sách đang làm lu mờ những bước tiến này của Canada.

Trong khi đó, việc thị trường bất động sản Canada xì hơi đang khiến hàng loạt những dự án tại đất nước này nằm trong tình cảnh lao đao. Những nhà đầu tư rót vốn vào dự án không lấy lại được tiền trong khi các ngân hàng tồn đọng lượng lớn nợ xấu.

Tồi tệ hơn, những biến động chính trị tại Mỹ với tư tưởng bảo hộ lên cao đang khiến các nhà đầu tư lo lắng cho thương mại của Canada. Việc Mỹ đàm phán lại hiệp định NAFTA là minh chứng rõ ràng nhất cho mối lo ngại này.

Có lẽ, Thủ tướng Justin Trudeau, một trong những nhà lãnh đạo được coi là đẹp trai cũng như thu hút nhất thế giới sẽ phải cố gắng nhiều hơn để vực lại đà tăng trưởng đang giảm tốc của Canada.

AB

Cùng chuyên mục
XEM