Mỹ, Anh và Canada căng thẳng vì đánh thuế máy bay

09/10/2017 09:17 AM | Xã hội

Cuối tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ đã nâng mức thuế nhập khẩu đối với dòng máy bay phản lực CSeries của Bombardier lên đến gần 300%, sau khi chấp thuận đơn khiếu nại của Boeing về việc hãng sản xuất máy bay Canada được chính phủ ưu đãi phi lý để phá giá thị trường.

Quyết định sẽ có hiệu lực ngay lập tức nếu được Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) chấp thuận vào đầu năm tới.

Canada và Anh bức xúc

Quyết định trên một lần nữa khẳng định chính sách thương mại theo hướng bảo thủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể ảnh hưởng đến doanh số bán máy bay mới của Bombardier cho các hãng hàng không Mỹ, vì chi phí nhập khẩu giờ đã tăng gấp 4 lần.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đề xuất thuế chống bán phá giá 79,82%, trên cơ sở kết luận ban đầu, rằng Bombardier đã bán 75 chiếc máy bay CSeries cho hãng Delta Air Lines vào năm 2016 với giá rẻ hơn cả chi phí sản xuất. Trước đó có mấy ngày, với lý do Canada có chính sách trợ cấp trái pháp luật dành cho Bombardier, Mỹ đã quyết định đánh thuế CSeries 219,63%, cao hơn rất nhiều so với yêu cầu 80% của chính Boeing.

Sau công bố của DOC, quan hệ thương mại giữa Mỹ, Canada và Anh (nơi sản xuất CSeries) dự kiến sẽ gia tăng căng thẳng. Canada và Anh còn chưa nguôi giận với mức thuế gần 220%, vì lo ngại doanh số CSeries tại Mỹ sẽ sụt giảm mạnh và ảnh hưởng tới hàng nghìn việc làm của Bombardier ở các nước này.

Hai quốc gia cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng cách dừng đặt hàng các thiết bị quân sự của Boeing, ví dụ như 18 máy bay chiến đấu Super Hornet, trị giá 6 tỷ USD hay gói thầu gần 20 tỷ USD thay thế đội máy bay CF-18 cũ kỹ mà Canada dự định triển khai. “Duyên nợ” của Canada thậm chí còn nặng nề hơn, vì đang phải đau đầu đàm phán với Mỹ về việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Bộ Ngoại giao Canada cho rằng Boeing đã “lợi dụng hệ thống xử lý tranh chấp thương mại của Mỹ” nhằm hất cẳng CSeries khỏi thị trường. Bộ trưởng Christia Freeland tuyên bố, Canada “kịch liệt phản đối” quyết định trên và sẽ tiếp tục nêu vấn đề này lên với Mỹ và Boeing,

Về phần mình, Boeing - hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, đương nhiên hoan hỉ ủng hộ quyết định của DOC: “Đó là hệ quả dành cho Bombardier, vì đã vi phạm luật thương mại và phá giá máy bay CSeries để tranh giành hợp đồng”. Boeing cũng lý giải ý định của mình là nhằm “duy trì một sân chơi bình đẳng”, chứ không phải gây sự với Canada hay Anh.

Để giành chiến thắng cuối cùng bằng cái gật đầu của ITC, Boeing phải chứng minh được rằng mình bị tổn thất do hàng giá rẻ của Bombardier, kể cả khi không cạnh tranh với Bombardier trong gói thầu bán máy bay cho Delta Airlines.

Về vấn đề đó, Bombardier tự tin ITC sẽ chẳng thể tìm thấy bằng chứng về sự tổn thất đó của Boeing và cho rằng DOC đã đi quá xa trong vụ việc này.

Delta Airlines cũng đứng về phía đối tác, khi lạc quan cho rằng đó mới chỉ là quyết định sơ bộ và tin tưởng ITC sẽ kết luận “không có hãng sản xuất nào của Mỹ phải chịu rủi ro” vì máy bay của Bombardier.

Mỹ, Anh và Canada căng thẳng vì đánh thuế máy bay - Ảnh 1.

Doanh số CSeries tại Mỹ sẽ sụt giảm mạnh

Bên nào cũng tự tin

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động Mỹ”.

Tuy nhiên, có thể ông chưa hình dung được rằng ngành công nghiệp này không đơn giản như vậy. Hơn một nửa thành phần của mỗi chiếc máy bay CSeries có xuất xứ từ chính nước Mỹ, hỗ trợ khoảng 22.700 việc làm cho người dân Mỹ tại 17 bang; bộ phận hàng không vũ trụ của Bombardier đã đầu tư tới 2,14 tỷ USD ở Mỹ năm 2016.

Một số ý kiến khác thì chất vấn ngược lại Boeing, khi chính tập đoàn này cũng nhận được hỗ trợ của nhà nước nhiều nhất thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Ex-Im Bank). Năm 2003, Boeing từng “dọa” Seattle rằng sẽ rời đi, cho tới khi chính quyền bang Washington nhân nhượng ưu đãi trị giá khoảng 3,2 tỷ trong 20 năm để giữ chân họ.

Chưa dừng lại ở đó, Boeing vẫn mời gọi các bang khác đưa ra những đề nghị hấp dẫn và thế là đẩy 21 bang vào thế cạnh tranh, dù nhiều người nghi ngờ rằng cuộc đua đó chỉ là chiến lược của Boeing để “ép giá” Washington.

Khoản hỗ trợ mà Boeing nhận được rất đa dạng, từ miễn giảm thuế thu nhập, miễn thuế bán hàng, giảm thuế đất (có loại kéo dài mấy chục năm), giảm giá tiện ích công cộng, cho tới cải thiện đường sá, cầu cảng và sân bay theo yêu cầu, vay lãi suất 0% và bảo đảm tiền vay, chi phí đất và nhà miễn phí hoặc giảm giá...

Theo Hải Châu

Cùng chuyên mục
XEM