Này các bạn trẻ, hãy dẹp mộng làm chủ nếu đến bản thân mình còn chưa quản lí nổi!
Nếu bạn không thể dẫn dắt và quản lí bản thân thì bạn cũng không thể làm được điều đó với bất kì ai. Những gì bạn xây dựng và kết quả cuối cùng của nó là sự phản ánh cho chính con người bạn. Vậy nên để nói được chuyện trên trời, hãy đứng vững dưới mặt đất trước đã nhé!
Ai cũng muốn làm chủ nhưng khoan, làm chủ là như thế nào ấy nhỉ???
Chúng ta đang sống giữa thời đại mà thành công, sự giàu có và thành đạt trông có vẻ quá dễ dàng để đạt được. Qua rồi cái thời mà phải tốt nghiệp Đại học, ra trường cái đã thì mới mong tìm được công ăn việc làm hay nghĩ đến chuyện khởi nghiệp làm giàu. Thế giới phẳng trao cho người trẻ nhiều cơ hội, mở ra nhiều đường tắt và cũng vô tình tạo nên cái nhìn mơ mộng, thiếu toàn diện về việc làm chủ, làm giàu.
Khắp mọi ngóc ngách trên mạng xã hội là những bạn trẻ mới 15-16 nhưng tuổi đã làm ra cả núi tiền mỗi tháng. Tôi vẫn còn nhớ lần đang ngồi giữa quán cà phê thì bỗng có một bạn nữ thốt lên thật lớn với đám bạn của mình rằng: "Trời ơi, cái A chỉ mở shop bán quần áo thôi mà một tháng lời tận 50 triệu. Tao cũng phải làm thôi!".
Cô bạn đó chắc hẳn không phải người trẻ duy nhất gặp áp lực kiểu vậy. Cũng phải thôi, trong khi mỗi ngày mình còn phải xin mẹ 50k đổ xăng mà đứa bạn bằng tuổi đã kiếm đủ tiền để đi du lịch châu Âu thì sao mà không lăn tăn cho được! Cảm giác như việc được làm chủ hay đứng đầu một thứ gì đó giờ đây đã thành tiêu chuẩn mới đánh giá sự thành công của người trẻ hiện đại. "Thế còn cái B? Nó bao nhiêu tuổi rồi? Nhà lắm tiền thế mà sao không mở cái gì ra mà buôn mà bán à? Thất bại nhỉ!" – một người bạn khác trong nhóm trên bình luận.
Thế là giấc mộng làm chủ bắt đầu nhen nhóm và lây lan. Có thể bạn không thấy, nhưng nó vẫn đang âm thầm lớn lên trong nhiều người trẻ. Đến nỗi gần đây khi tôi tham gia một buổi trò chuyện, một diễn giả đã đặt câu hỏi "Ở đây có bao nhiêu người sau này muốn có thứ gì đó của riêng mình, ví dụ như một cửa hàng thời trang, một quán cà phê, một công ty?" và đến hơn 80% bạn trẻ có mặt ngày hôm đó đã giơ tay lên không chút lưỡng lự.
Một thứ gì đó mang tên mình, một thứ gì đó do chính mình tạo ra và xây dựng – nghe hấp dẫn quá nhỉ! Nhưng câu hỏi tiếp theo đã ngay lập tức khiến cả hội trường rơi vào im lặng: "Bạn hiểu thế nào về việc làm chủ?"
Xin giấy phép kinh doanh như thế nào, lập kế hoạch kinh doanh ra sao, những điều cần lưu ý khi mở shop online… - chỉ cần Google một phát là ra cả trăm ngàn kết quả tha hồ để tham khảo và làm theo. Nhưng nhiều người quên mất rằng để làm chủ, làm CEO hay nhà quản lí cần nhiều hơn một niềm tin cùng vài ba bảng kế hoạch đẹp đẽ trên Powerpoint.
Nó đòi hỏi khả năng quản trị, tư duy, tầm nhìn, khả năng hoạch định chiến lược, quản lí tài chính, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lãnh đạo và cả một bản lĩnh hơn người. Làm chủ một quán cà phê sân vườn hay làm chủ một công ty lớn đều cần những thứ trên - nếu bạn thực sự muốn đứa con của mình phát triển. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa bao gồm điều kiện đủ. Nghĩa là một người với đầy đủ những phẩm chất trên cũng chưa chắc đã có thể làm nên chuyện lớn.
Tôi biết có những người trẻ một tháng làm được 5 đồng nhưng ăn đến 10 đồng, hoàn toàn không có khái niệm về quản lí tài chính cá nhân, đến cuối tháng chạy vạy đủ đường thiếu điều tìm đến những chỗ cho vay nặng lãi. Hay một số người khác thì đụng đâu chửi đó, làm vài ba việc cỏn con đã than thở như thể trời sập đến nơi. Hoặc một số người làm việc hoàn toàn dựa vào cảm xúc, vui thì làm, chán thì đóng laptop tắt điện thoại mặc kệ bao nhiêu người đang sốt sắng tìm mình. Điều hài hước nhất là tất cả những người trẻ này đều ôm mộng làm chủ, có được một cơ ngơi riêng và muốn quản lí người khác, trong khi đến chính bản thân mình còn buông lơi "đến đâu thì đến".
Bạn đã từng bao giờ nghe tin Bill Gates tiêu tiền phung phí chưa? Hay tin Mark Zuckerberg rượu chè chơi bời bỏ quên Facebook chẳng hạn? Đó chính là mấu chốt vấn đề.
Xây dựng một công ty, một thương hiệu hay bất kì thứ gì kiếm ra tiền thực chất chính là xây dựng con người. Bắt đầu từ người đứng đầu của nó. Nếu bạn không thể dẫn dắt và quản lí bản thân thì bạn cũng thể làm được điều đó với bất kì ai. Những gì bạn xây dựng và kết quả cuối cùng của nó là sự phản ánh cho chính con người bạn. Vậy nên để nói được chuyện trên trời, hãy đứng vững dưới mặt đất trước đã nhé!
Ngưng đổ lỗi cho những "ước mơ chung"!
Cũng chính vì tâm lí "làm chủ mới là nhất" như vậy nên dẫn đến một luồng suy nghĩ khác cũng lệch lạc không kém, rằng tất cả những ai đang làm việc cho một nơi nào đó cũng chỉ đang là bọn làm thuê, không có ước mơ, không có hoài bão.
Câu nói "Nếu bạn không xây dựng ước mơ của chính mình thì sẽ có người khác thuê bạn làm điều đó" không hiểu từ khi nào đã thành châm ngôn sống của nhiều bạn trẻ hiện nay. Có những người mới chỉ 22-23 nhưng lúc nào cũng nơm nớp nghĩ đến việc phải mở công ty riêng thôi, phải nhảy việc thôi, không thể cứ mãi làm thuê ở một chỗ như thế này được. Và tất nhiên ở chiến tuyến bên kia là vô số những cá thể khác đang "áp" cái câu kia lên tất cả mọi người để đánh giá sự thành – bại của nhân loại.
Tôi thật sự cảm thấy đáng tiếc cho những bạn trẻ như vậy. Vì phần trăm rất cao họ chưa bao giờ được làm việc ở một môi trường có thể giúp họ phát huy hết khả năng hoặc khiến họ cảm thấy được trân trọng. Cảm giác làm chủ rất tuyệt – đó là điều không thể phủ nhận! Nhưng cảm giác mình thuộc về một tập thể nào đó, được góp sức làm nên những điều lớn lao, được có đồng đội bên cạnh, cùng khóc khi thất bại, cùng cười khi thành công cũng là một điều rất đáng trân quý.
Một công ty, một tập thể vững mạnh và phù hợp không chỉ giúp bạn phát triển bản thân mà còn trao cho bạn những cơ hội, những người anh em tốt, những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời. Tôi đã từng miệt mài làm việc cho một nơi trong suốt 6 năm, và chính những năm tháng đó đã giúp tôi có được vô số những kinh nghiệm quý báu, những người sếp, người đồng nghiệp không gì có thể so sánh được và những năm tháng tuổi trẻ đầy thử thách lẫn niềm vui. Đó là những thứ mà chắc chắn nếu chỉ cặm cụi "làm chủ" chưa chắc tôi đã có được.
Đã đến lúc ngưng đổ lỗi cho những ước mơ chung. Và cũng đừng ép buộc mình phải đi vào cái khuôn, chạy theo những chuẩn mực của sự thành công mà người khác đang nhào nặn. Thành công không phải là một cái bảng tên với chức vụ khiến người khác phải cúi đầu, cũng không phải số tiền mà bạn đang có trong tài khoản ngân hàng. Thành công là khi bạn được đặt đúng vị trí, tìm được niềm vui trong công việc và hiểu được ý nghĩa của những gì mình đang làm.
Nếu có đủ tố chất và thật sự mong muốn được có thứ gì đó của riêng mình – bạn hoàn toàn có quyền theo đuổi nó đến cùng. Nhưng nếu không thì cũng không có nghĩa rằng bạn là một người thất bại hay thua kém. Đôi khi cống hiến trọn vẹn sức mình cho một nơi nào đó và được trân trọng, được thấy mình có ích cũng là một cảm giác hạnh phúc.
Xin kết bài bằng một câu nói đến từ một người mà tôi rất tôn trọng: "Mỗi con người đều có vị trí riêng trong cuộc đời này. Nếu làm một thứ mà không được ai yêu mến, bản thân cũng không thấy hài lòng, nghĩa là mình đang không ở đúng chỗ lẽ ra mình nên ở."
Chúc bạn sẽ sớm tìm ra được vị trí riêng cho chính mình!