Một Tổng công ty lớn của Bộ Công Thương lỗ cả nghìn tỷ, âm vốn vì xi măng
Tình hình tài chính của Xi măng Quang Sơn – với biểu trưng là con tê giác – cũng nguy nan như tương lai của loài thú quý hiếm này.
Không được biết đến nhiều như Tổng Công ty Sông Đà, Vinconex, Hancorp, Xây lắp Dầu khí… nhưng lâu nay Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam – Vinaincon luôn là một trong những đơn vị lớn của ngành xây dựng Việt Nam. Lực lượng lao động hàng năm của Vinaincon luôn dao động quanh mức 10.000 người với tổng doanh thu hàng năm đạt trên 6.000 tỷ.
Vinaincon được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thành lập vào năm 1998 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây lắp thuộc EVN, Vinachem, VNSteel và các Công ty xây dựng chuyên ngành thuộc ngành Công nghiệp Việt Nam.
Năm 2011, Vinaincon tiến hành cổ phần hóa và Bộ Công thương vẫn là cổ đông chính với 83% cổ phần.
Bước ngoặt với ngành xi măng
Vào đầu những năm 2000, giống như nhiều đơn vị lớn trong ngành xây dựng đổ mạnh vốn thành lập các công ty sản xuất xi măng sắt thép, Vinaincon cũng tham gia vào trào lưu này với việc thành lập Dự án xi măng Thái Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng với công suất 1,5 triệu tấn xi măng/năm.
Sau đó, dự án được chuyển giao sang cho Công ty Xi măng Quang Sơn, công ty con do Vinaincon sở hữu 100% vốn.
Cũng như nhiều doanh nghiệp xi măng được các tổng công ty của ngành xây dựng lập nên thời kỳ đó như Xi măng Cẩm Phả của Vinaconex, Xi măng Sông Thao của HUD, Xi măng Hạ Long của Tổng Sông Đà và Xây lắp Dầu khí… Xi măng Quang Sơn càng hoạt động càng lỗ.
Bên cạnh yếu tố cung cầu của thị trường xi măng phụ thuộc lớn vào ngành xây dựng thì việc các doanh nghiệp xi măng này lỗ lớn gần như đã được dự báo trước do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, cộng thêm vào đó là lỗ tỷ giá do hầu hết các dự án xi măng đều vay ngoại tệ để đầu tư.
Công ty mẹ Vinaincon và Xi măng Quang Sơn chỉ có vốn chủ sở hữu lần lượt là 550 tỷ và 200 tỷ trong khi tổng mức đầu tư của dự án lên đến 3.500 tỷ đồng.
Tính trong 5 năm gần nhất, Xi măng Quang Sơn đã lỗ ròng hơn 1.300 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần vốn điều lệ. Mặc dù hoạt động kinh doanh xây lắp vẫn có hiệu quả nhưng với vai trò là công ty mẹ, Vinaincon cũng phải gánh khoản lỗ trên của Quang Sơn.
Tính đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế trên báo cáo hợp nhất của Vinaincon đã lên đến trên 1.100 tỷ, dẫn tới vốn chủ sở hữu âm 350 tỷ (nếu loại trừ lợi ích cổ đông không kiểm soát, vốn chủ sẽ âm 570 tỷ). Đây đều là những yếu tố có thể tác động nghiêm trọng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tổng nợ phải trả của tổ hợp Vinaincon đến cuối năm 2015 là hơn 7.100 tỷ đồng, trong đó có khoảng 5.000 tỷ nợ gốc và lãi vay phải trả.
Bước sang năm 2016, Xi măng Quang Sơn dự kiến lỗ tiếp 282 tỷ, kéo theo Vinaincon sẽ lỗ khoảng 187 tỷ. Với tình hình hiện tại, khi nào Xi măng Quang Sơn có thể cắt lỗ vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ.