Một doanh nghiệp lãi đột biến gần 5.000 tỷ nhờ Bia Heineken và xúc xích Vissan
Dù thị phần kém xa Sabeco nhưng Heineken Việt Nam lại có mức lợi nhuận vượt trội và phân phối phần lớn lợi nhuận làm ra cho 2 thành viên góp vốn.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016 của riêng công ty mẹ đã được kiểm toán. So với năm trước, hoạt động kinh doanh chính – tức hoạt động thương mại – của công ty mẹ Satra không có nhiều điểm đáng chú ý. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 5% lên gần 6.400 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận gộp tăng tới 35% lên 446 tỷ nhưng con số này không đáng là bao so với hơn 1.100 tỷ đồng chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Các năm gần đây, Satra đều đặn luôn có từ 2.200-2.500 tỷ đồng doanh tài chính mỗi năm, chủ yếu là lợi nhuận được chia từ Heineken Việt Nam. Năm 2016, cổ tức và lợi nhuận được chia của Satra đạt xấp xỉ 2.750 tỷ đồng.
Satra hiện đang sở hữu 40% vốn của Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của Cty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).
Heineken Việt Nam – tên cũ là Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam ( VBL ) - một trong hai đầu mối sản xuất bia các sản phẩm Heineken, Tiger, Larue tại Việt Nam. Còn Heineken Trading là công ty phụ trách hoạt động phân phối các sản phẩm bia do Heineken Việt Nam sản xuất.
Heineken hiện chỉ đứng thứ 2 về thị phần bia tại Việt Nam với cách biệt khá xa so với Sabeco nhưng lợi nhuận của Heineken thì ngay cả Sabeco cũng phải “thèm muốn”. Theo ước tính của chúng tôi, tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm của 2 công ty bia mà Satra tham gia góp vốn không dưới 6.000 tỷ đồng.
Năm 2016, Sabeco đạt mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước đến nay cũng mới chỉ đạt 4.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh khoản lợi nhuận đều đặn từ Heineken, công ty mẹ Satra còn thu về 2.260 tỷ đồng lãi từ bán các khoản đầu tư dẫn đến doanh thu tài chính tăng vọt lên gần 5.500 tỷ đồng.
Satra không thuyết minh cụ thể về việc đã thoái khoản đầu tư nào nhưng không khó để nhận thấy nguồn gốc của khoản lãi này đến từ việc cổ phần hóa và thoái bớt vốn của Satra tại Vissan.
Phiên đấu giá cổ phần của Vissan là một trong những phiên đấu giá “nóng” nhất trong năm 2016. Theo đó, Satra đã thu về 1.428 tỷ đồng từ bán 14% cổ phần của Vissan cho nhà đầu tư chiến lược ANCO với giá 126.000 đồng/cp cũng như thu về 900 tỷ đồng thông qua đấu giá công khai 14% cổ phần.
Sau cổ phần hóa, Satra nắm giữ gần 68% cổ phần của Vissan.