Đây là lý do Heineken, Carlsberg, AbI-Inbev, San Miguel… đồng loạt xếp hàng chờ mua bia Việt Nam

19/04/2017 08:50 AM | Kinh doanh

Theo kế hoạch, năm 2017 Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh quá trình thoái vốn tại Sabeco và đã có rất nhiều “đại gia” bia trên thế giới xếp hàng chờ mua cổ phần như Heineken, Ab-Inbev, Singha, Thai Beverage, Asahi Group… hay mới đây nhất là San Miguel.

Năm 2016, Bộ Công thương quyết định đưa 2 doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco ( SAB ) và Habeco ( BHN ) lên sàn niêm yết cùng với kế hoạch thoái vốn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy như trường hợp Sabeco, kể từ khi lên sàn vào tháng 12/2016, cổ phiếu của doanh nghiệp này liên tục được khối ngoại mua ròng và tính đến nay tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã lên tới gần 10%. Đây cũng là con số gần như tối đa mà khối ngoại có thể sở hữu lúc này bởi Bộ Công thương đang nắm giữ gần 90% cổ phần còn lại tại Sabeco.

Nếu tính theo mức giá đóng cửa phiên 18/4 của cổ phiếu SAB là 205.000 đồng thì giá trị cổ phần Bộ Công thương đang nắm giữ tại Sabeco hiện lên tới 118.000 tỷ đồng, tương đương 5,2 tỷ USD. Dù vậy, mức giá trên cũng không phải quá đắt bởi định giá P/E của Sabeco hiện vào khoảng 30 lần và ở mức trung bình so với các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới.

Trong những năm qua, kết quả kinh doanh của Sabeco tăng trưởng khá ấn tượng. Năm 2016, Sabeco đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.655 tỷ đồng và đây là những con số kỷ lục kể từ khi thành lập.

Còn với Habeco, mặc dù kết quả kinh doanh những năm qua của doanh nghiệp này liên tục sụt giảm cũng như ngày càng đánh mất thị phần nhưng không vì thế mà kém hấp dẫn. Hiện tại, Carlsberg đang là cổ đông lớn, nắm giữ trên 17% cổ phần Habeco và luôn sẵn sàng thay thế Bộ Công thương trở thành “ông chủ” của Habeco.

Dù vậy, những vấn đề về mức giá sẽ là rào cản không nhỏ cho quá trình thoái vốn của Bộ Công thương bởi Carlsberg đang có những động thái ép giá nhờ quyền ưu tiên được mua lại cổ phần.

Điều gì khiến khối ngoại “thèm khát” bia Việt Nam?

Việc các “đại gia” bia trên thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt cho Sabeco, Habeco cũng là điều dễ hiểu bởi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bia “chóng mặt”. Nếu như năm 2010, Việt Nam chỉ tiêu thụ 2,4 tỷ lit bia thì đến năm 2016 đã lên tới 3,7 tỷ lit bia và chính thức lọt vào top 10 thị trường lớn nhất thế giới về tiêu thụ bia, tức trung bình mỗi người Việt uống 42 lit bia mỗi năm.

Mặc dù lọt top 10 về tổng sản lượng tiêu thụ nhưng mức trung bình của Việt Nam vẫn thấp hơn nước đứng vị trí thứ 20 về tiêu thụ bia theo đầu người là Bồ Đào Nha, với gần 60 lit mỗi năm. Trong khi đó, tại top 10, quốc gia tiêu thụ bia thấp nhất là Luxembourg với hơn 84 lit mỗi năm. Đứng đầu thế giới về khả năng uống bia là Cezch. Trung bình mỗi người dân nước này tiêu thụ gần 157 lit bia mỗi năm.

Những con số trên đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành bia Việt Nam còn rất lớn và theo tính toán, thị trường bia Việt Nam sẽ cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lit trong năm 2017.

Hiện tại, Sabeco và và Habeco đang nắm giữ tới 65% thị phần bia Việt Nam với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước cũng như hàng loạt nhà máy quy mô hiện đại. Do đó, nếu nắm được quyền kiểm soát 2 doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát thêm 65% thị phần bia Việt Nam mà không mất quá nhiều công đầu tư mới và điều này đã giải thích lý do vì sao Sabeco, Habeco luôn là món hàng “hot” được giới đầu tư mong đợi.

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM