Một căn bệnh tưởng chừng chỉ mắc ở người già nhưng đang có xu hướng trẻ hoá - Tuyệt đối không được coi thường!

16/09/2023 16:48 PM | Sống

Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), ước tính có khoảng 10% dân số trải qua sự suy giảm trí tuệ khi đạt độ tuổi 60 và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Từ trước tới nay, sa sút trí tuệ được xem là bệnh lý của người già và nhiều người hiển nhiên coi đó là quy luật của lão hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều người trung niên đã bị sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ hay còn gọi là "lẫn", không thể phục vụ được bản thân và phải sống phụ thuộc vào con cháu. 

Ngược lại, có những người cao tuổi  80 – 90 tuổi vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh và sống vui vẻ. Do vậy, cần xem chứng sa sút trí tuệ này theo hướng tích cực, có thể chủ động phòng tránh được từ sớm. 

Nhiều người trẻ tự hỏi "Trí nhớ của mình có vấn đề gì hay không khi thường xuyên quên đồ hoặc không thể nhớ được chi tiết sự việc diễn ra gần đây?" hay "Tại sao mình không thể tập trung làm việc lâu được?" và cảm thấy lo lắng cho trí nhớ của mình. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của chứng suy giảm trí nhớ. Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), ước tính có khoảng 10% dân số trải qua sự suy giảm trí tuệ khi đạt độ tuổi 60 và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Sa sút trí tuệ ở người trẻ là gì? Nguyên nhân do đâu?

Theo WHO, sa sút trí tuệ là một hội chứng có diễn tiến mạn tính và tiến triển, trong đó có sự suy giảm chức năng nhận thức so với người bình thường ở cùng độ tuổi. Ở người cao tuổi, chứng sa sút trí tuệ thường là hậu quả của các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh Huntington,… hoặc sau bệnh đột quỵ não, nhiễm trùng thần kinh,...

Sa sút trí tuệ ở người trẻ là tình trạng suy giảm chức năng trí tuệ, đặc biệt là khả năng nhớ và xử lý thông tin ở những người dưới 65 tuổi.

Một căn bệnh tưởng chừng chỉ mắc ở người già nhưng đang có xu hướng trẻ hoá - Tuyệt đối không được coi thường! - Ảnh 1.

Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), ước tính có khoảng 10% dân số trải qua sự suy giảm trí tuệ khi đạt độ tuổi 60 và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. (Ảnh minh hoạ)

 Các nguyên nhân gây ra chứng bệnh bao gồm:

- Thiếu ngủ: Nhiều người do tính chất công việc phải thức đêm làm việc hoặc thói quen "ngủ ngày cày đêm" ở một bộ phận người trẻ khiến não bộ không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục năng lượng. Thiếu ngủ có thể gây ra sự giảm sút khả năng tập trung, nhớ và xử lý thông tin. Theo một nghiên cứu của viện Y tế Quốc Gia Mỹ, người trẻ cần ít nhất 6-8 tiếng giấc ngủ mỗi đêm để đảm bảo sự phát triển trí tuệ và sức khỏe toàn thân.

- Stress: Áp lực từ công việc, học hành và cuộc sống hàng ngày, có thể gây giảm hiệu suất trong hoạt động tư duy.

- Sử dụng các chất kích thích: Việc sử dụng các chất kích thích lâu ngày như thuốc lá, rượu bia và ma túy có thể gây hại cho não bộ và cũng là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.

- Thiếu các hoạt động thể chất: Lối sống ít vận động, ít tham gia các hoạt động thể chất, lười giao tiếp và lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ hiện nay, ảnh hưởng đến khả năng tư duy và kỹ năng học tập của người trẻ.

Biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ

- Khó khăn trong việc học tập và ghi nhớ thông tin, đặc biệt là các thông tin mới. Điều này khiến bạn không thể tiếp thu hoặc tiếp thu rất chậm các kiến thức, thông tin so với thời gian trước đó và những người xung quanh.

- Suy giảm khả năng tư duy và xử lý thông tin, đặc biệt là các thông tin phức tạp, khiến hiệu quả công việc giảm sút.

- Thiếu tập trung: Nhiều người trẻ không thể tập trung hoặc duy trì sự tập trung đó trong một thời gian dài để xử lý công việc.

- Thay đổi tính cách và hành vi: Chứng sa sút trí tuệ khiến nhiều người trở nên tự ti, nhút nhát, thiếu quyết đoán, cảm thấy khó khăn khi phải đưa ra quyết định và thực hiện hành động của mình. Mặc dù trước đó có thể họ là người rất quyết đoán và tự tin về bản thân.

- Mất trí nhớ, đặc biệt là mất trí nhớ ngắn hạn khi bạn không thể nhớ chi tiết được những sự việc gần đây, những thông tin đã được cập nhật trước đó hay đơn giản là những bài học vừa học xong.

Một căn bệnh tưởng chừng chỉ mắc ở người già nhưng đang có xu hướng trẻ hoá - Tuyệt đối không được coi thường! - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Vậy chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người trẻ như thế nào?

Đây là một quá trình phức tạp, cần có sự đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa và có thể trải qua các bước bao gồm:

- Đánh giá sức khỏe toàn diện để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng giống với sa sút trí tuệ.

- Đánh giá trí tuệ bằng các bài kiểm tra như sử dụng các thang điểm: Thang điểm Mini- Mental State Examination,…

- Đánh giá tình trạng tâm thần của người bệnh.

- Kiểm tra não bộ bằng các phương pháp như chụp cộng hưởng từ não, chụp cắt lớp vi tính sọ não,… để loại trừ các bệnh lý khác cũng gây ra các biểu hiện tương tự như u não, thoái hóa chất trắng,…

Phương pháp điều trị và dự phòng chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ

Nhiều người tìm đến các loại thuốc bổ não như là một cách đơn giản và nhanh nhất giúp phục hồi trí nhớ. Tuy nhiên, thuốc bổ não không thể dùng lâu dài và nhiều loại còn có thể gây tác dụng ngược. Điều trị sa sút trí tuệ là một vấn đề khó, các phương pháp điều trị phải được cá thể hóa và tùy thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên vẫn có những phương pháp có thể áp dụng chung  nhằm chủ động ngăn ngừa và hạn chế mắc sa sút trí tuệ, bao gồm:

- Đánh giá môi trường sống bao gồm: Áp lực tâm lý, thói quen sinh hoạt, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống,… để xem mức độ ảnh hưởng đến trí não.

- Cố gắng duy trì giấc ngủ chất lượng, ngủ đủ giấc đảm bảo từ 6-8 tiếng mỗi đêm. Bạn cần tạo lập thói quen ngủ đúng giờ. Một giấc ngủ chất lượng sẽ là "liều thuốc bổ" tốt nhất cho não bộ. 

-  Giảm bớt các căng thẳng trong cuộc sống bằng cách tham gia các hoạt động thể chất một cách đều đặn, nhẹ nhàng như yoga, khiêu vũ, bơi lội,… 

- Tăng cường các hoạt động kích thích não bộ như đọc sách, học thêm ngôn ngữ mới, giải câu đố. 

- Cung cấp một chế độ ăn lành mạnh, tốt cho não bộ bao gồm tích cực ăn các loại cá béo giàu omega 3, 6 như cá hồi, các loại quả mọng, các loại rau xanh như bông cải xanh,… 

- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy.

- Khi có nhu cầu cần dùng các thuốc bổ não, cần có sự chỉ định và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. 

- Khám sức khỏe định kỳ và khi thấy có các dấu hiệu bất thường cần đến viện để được kiểm tra, tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn.  

       

 

 

 

 

 

Bs Phạm Hằng

Cùng chuyên mục
XEM