Mô hình na ná GrabKitchen mix với Coworking Space, startup ‘Bếp trên mây’ vẫn gọi được 6 tỷ đồng từ Shark Bình và Shark Liên dù đang lỗ và CEO làm việc không lương
Từng tuyên bố ‘không muốn thấy mặt Shark Bình trong deal này’, Shark Liên lần đầu bắt tay cùng cá mập tri kỷ rót 6 tỷ đồng vào mô hình bếp trên mây Could Cook của Founder Hoàng Tùng. Điều kiện ràng buộc đi kèm là startup này phải chuyển đổi mô hình, chứ không phải duy trì mô hình "thu tiền lẻ" kiểu Co-kitchen như hiện tại.
Startup ‘ăn theo’ Grabfood, Now, Baemin gọi vốn 4 tỷ đồng, dù vẫn đang lỗ và CEO làm việc không lương
Nắm bắt xu hướng kinh doanh F&B trên nền tảng thứ 3 như Grabfood, Now, Baemin, Gofood, Hoàng Tùng đã sáng lập công ty Cloud Kitchen Food Home với thương hiệu Cloud Cook.
Đến Shark Tank Việt Nam mùa 4, startup gian bếp chung gọi số vốn 4 tỷ cho 15% cổ phần. Chia sẻ thêm về ý tưởng kinh doanh của mình, Hoàng Tùng cho biết, hiện có khoảng 200.000 nhà bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn trên thị trường. Cloud Cook sẽ tập trung các nhà bán hàng trên ứng dụng đó về một mô hình bếp trung tâm.
So với bếp trung tâm của các app giao đồ ăn sẵn có trên thị trường như GrabKitchen, Hoàng Tùng cho rằng lợi thế cạnh tranh của Cloud Cook là các gian hàng tham gia không bị độc quyền, không bị hạn chế việc chỉ được bán tại một ứng dụng duy nhất.
"F&B rất rủi ro, với chi phí thuê mặt bằng lớn. Nếu tham gia vào mô hình Cloud Cook, với số vốn chỉ vài chục triệu đồng, các nhà bán hàng đã có thể khởi tạo khu bếp và bán hàng qua các ứng dụng, sẽ tiết kiệm tài nguyên cho xã hội rất nhiều", Hoàng Tùng nhận định.
Cloud Cook thu tiền từ việc cho thuê lại các gian bếp tại bếp trung tâm, mỗi một gian bếp sẽ có chi phí từ 5 - 10 triệu đồng/ tháng và mỗi trung tâm của Cloud Cook sẽ có tối đa 10 bếp. Hiện, Cloud Cook đang có 2 điểm tại Hà Nội.
Là một chuyên gia bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn, Hoàng Tùng tự tin mình có thêm một lợi thế cạnh tranh hơn các mô hình "bếp trên mây" hiện có tại thị trường đó chính là "bên em có khả năng đào tạo những nhà bán hàng được bán hàng tốt hơn. Cá nhân em là một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn. Mô hình này chỉ sống khi tất cả người bán trong mô hình sống".
Trước câu hỏi của các Shark về doanh thu, lợi nhuận, số vốn ban đầu, kế hoạch tiếp theo… Hoàng Tùng trả lời, số vốn đăng ký là 1,5 tỷ đồng, thực tế đã bỏ vào dự án này 900 triệu, doanh thu năm 2020 là hơn 2 tỷ đồng nhưng mới đạt được điểm hòa vốn.
"Nếu tính sát còn có thể lỗ vì chưa bao gồm lương của em. Em đang làm việc không lương", Hoàng Tùng cho biết. Nếu được đầu tư tại Shark Tank, anh dự định sẽ mở rộng bếp trung tâm ở quy mô lớn hơn.
Shark Phú chê "không bõ đầu tư", Shark Bình nhìn nhận: Càng phụ thuộc vào các app giao đồ ăn, tương lai sẽ càng mờ mịt
Nhận xét về Cloud Cook, Shark Phú cho rằng "nếu thuê gian bếp với chi phí 10 triệu 1 gian thì một chục, một trăm hay một nghìn gian thì ít quá, không bõ công đầu tư… Nếu ăn chia dựa trên doanh thu đồ ăn thì còn có tiềm năng. Anh cảm giác sức tăng trưởng không lớn". Shark Phú là cá mập đầu tiên rút khỏi deal này.
Shark Bình tiếp lời "Em sẽ phải chuyển mô hình này theo mô hình bếp trung tâm theo đúng ý nghĩa của nó, ăn lợi nhuận trên margin bán hàng". Nếu Hoàng Tùng đồng ý, hệ sinh thái của Shark Bình sẽ hỗ trợ cho Cloud Cook như: livestream bán hàng trên mạng xã hội, có ứng dụng giao hàng hỗ trợ, giảm được chi phí cho doanh nghiệp.
"Càng phụ thuộc vào các app giao đồ ăn kia, thì tương lai càng mờ mịt. Có thể một ngày đẹp trời business của em về số 0 nếu họ khóa", Shark Bình nói. Với hệ sinh thái của mình, Shark Bình đề nghị 4 tỷ cho 35%, điều kiện ràng buộc là chuyển sang mô hình kinh doanh mà cá mập này đã tư vấn.
Shark Hưng cũng nhìn nhận mô hình này giống như co-working space (mô hình chia sẻ văn phòng) trong lĩnh vực bếp và từ chối đầu tư. "Nếu bạn thực sự là Cloud Kitchen, bạn hợp tác ăn chia doanh số với đầu bếp – những người đam mê nấu ăn nhưng không biết cách bán hàng thì tôi nghĩ mô hình này sẽ có khả năng nhân rộng tốt hơn, nhưng phải thu tiền tập trung", Shark Hưng cho biết.
"Với mức đầu tư là 900 triệu đồng, doanh thu khoảng 2 tỷ, đang lỗ mà gọi đầu tư 4,5 tỷ cho 15% thì bài toán tài chính chưa được hợp lý".
Shark Liên bất ngờ bày tỏ sự quan tâm khi nhìn nhận mô hình Cloud Cook đã tạo công ăn việc làm cho số đông của cộng đồng.
Muốn có sự tham gia của hai cá mập, Hoàng Tùng thương lượng ở mức 4 tỷ đồng cho 20% để có thể kêu gọi các Shark đi cùng anh, đồng thời bày tỏ muốn lắng nghe ý kiến từ Shark Việt. Bất ngờ, Shark Liên liền offer gấp đôi cho Hoàng Tùng với mức hoán đổi 8 tỷ đồng cho 40% để "knock out (hạ gục) Shark Việt và Shark Bình".
Vì startup vẫn muốn có sự tham gia của hai Shark, Shark Bình đề nghị mỗi Shark vào 3 tỷ cho 20% cổ phần, tổng cộng là 6 tỷ cho 40% cổ phần.
Hoàng Tùng đã chấp nhận đề nghị này với mong muốn cả 2 Shark cùng vào "để tạo ra một điều gì đấy thật lớn lao cho ngành F&B của Việt Nam".